Văn hóa, văn minh đô thị

Đà Nẵng đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Thứ ba, 24/02/2015 11:55

(Cadn.com.vn) - Cùng với việc đầu tư xây dựng các công trình văn hóa lớn, Đà Nẵng đã và đang gấp rút đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở.

Thiết chế văn hóa cơ sở có vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, tuy nhiên trong những năm qua Đà Nẵng còn nhiều hạn chế trên lĩnh vực này. Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT và DL TP Đà Nẵng cho biết, so với các địa phương khác, thiết chế văn hóa cơ sở ở Đà Nẵng còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhất là công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng chưa hợp lý. Hệ thống thiết chế văn hóa ở nhiều nơi trong tình trạng xuống cấp, chắp vá, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp.

Thiết chế được xây dựng nhưng tần suất sử dụng rất ít hoặc sai mục đích. Đội ngũ cán bộ văn hóa vừa thiếu và không ổn định. Đầu tháng 10-2014 toàn thành phố chỉ có 11/56 xã, phường có nhà văn hóa, chỉ đạt trên 19%. Nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản cho thiết chế văn hóa, thể thao, văn hóa cơ sở tại các quận, huyện, xã, phường trong năm 2013 và 2014 chỉ hơn 78 tỷ đồng, quá khiêm tốn so với chỉ tiêu Chính phủ giao.

Hoạt động văn hóa của đa số trung tâm VHTT quận, huyện chưa đáp ứng được yêu cầu so với quy định, số buổi tuyên truyền chỉ đạt bình quân 20-30%. Trang thiết bị sinh hoạt ở các nhà văn hóa thôn chưa đảm bảo, vẫn còn 55/118 nhà văn hóa- khu thể thao thôn chưa đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới. Có 34 xã, phường có khu vui chơi trẻ em, nhưng chỉ có 16 khu hoạt động hiệu quả, còn lại kém hiệu quả hoặc hoang phế… Các con số thống kê trên cho thấy có một khoảng trống không hề nhỏ trong thiết chế văn hóa cơ sở của Đà Nẵng.

Thiết chế văn hóa cơ sở rất cấn thiết cho nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.

Thiết chế văn hóa cơ sở có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, giữ vai trò nòng cốt trong hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, lãnh đạo quần chúng ở địa phương. Nhận thức việc đó, nên cùng với việc thực hiện Năm Văn hóa văn minh đô thị, TP Đà Nẵng đã và đang đầu tư mạnh tay cho thiết chế văn hóa cơ sở. 

Theo Sở VH-TT và DL TP, mục tiêu đến năm 2020 hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở của Đà Nẵng được phát triển đồng bộ, khắc phục tình trạng chênh lệch về hưởng thụ văn hóa. Theo đó 100% các trung tâm VHTT quận, huyện được đầu tư và hoàn thiện. 80% phường, xã có thiết chế trung tâm VHTT, 20% các phường còn lại có nhà văn hóa, trong đó được đầu tư trang thiết bị và dành tối thiểu 30% thời gian sử dụng trong năm để tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em. 100% nhà văn hóa- khu thể thao thôn được nâng cấp, hoàn thiện.

Đến năm 2030, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phát triển đạt các tiêu chí quy định của Bộ VH-TT và DL. Những mục tiêu này không hề đơn giản, bởi nó đòi hỏi nguồn lực và đầu tư không hề nhỏ. Để đảm bảo hoàn thành tốt những mục tiêu này, Đà Nẵng đã và đang tập trung thực hiện việc xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở.

Trong năm 2015, Sở VH-TT và DL sẽ triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp 6 khu vui chơi giải trí ở phường Thanh Bình, Hòa Cường Bắc, Hòa Thuận Tây, Thuận Phước (Q. Hải Châu), phường Khuê Trung (Q. Cẩm Lệ), phường Nại Hiên Đông (Q. Sơn Trà) với tổng kinh phí đầu tư là 4,7 tỷ đồng.

Đầu tư xây dựng 11 khu vui chơi giải trí hoạt động không hiệu quả chuyển đổi công năng sang Trung tâm văn hóa thể thao xã, phường gồm phường An Khê, Xuân Hà, Hòa Khê, Vĩnh Trung, Chính Gián (Q. Thanh Khê), phường An Hải Đông, Thọ Quang, An Hải Bắc (Q. Sơn Trà),  Hòa Khánh Nam (Q. Liên Chiểu), khu Bình Kỳ phường Hòa Quý (Q. Ngũ Hành Sơn) và phường Hòa Thọ Tây (Q. Cẩm Lệ)... với tổng mức đầu tư 11,3 tỷ đồng. Đầu tư nâng cấp 5 nhà văn hóa phường gồm phường Thuận Phước, Phước Ninh, Bình Hiên, Hải Châu 2 và Bình Thuận với kinh phí đầu tư 1,5 tỷ đồng. Đầu tư 5 trung tâm văn hóa thể thao thuộc huyện Hòa Vang...

Việc TP Đà Nẵng đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân là điều đáng mừng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần phải khảo sát nguyện vọng của nhân dân khi thực hiện đầu tư xây dựng các công trình. Dẫn ý kiến của hơn 300 người dân trong cuộc khảo sát về thiết chế văn hóa cơ sở, bà Đàm Thị Vân Dung (Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP) cho biết: "Đa phần nguyện vọng của người dân là các thiết chế văn hóa thể thao xã, phường nên được xây mới hoặc sửa chữa, bổ sung trang thiết bị, chấn chỉnh nội dung hoạt động và công tác quản lý. Và phải cần xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân. Tránh lãng phí ngân sách và các nguồn đầu tư khác vào những công trình chỉ mang tính đáp ứng đủ chỉ tiêu, số lượng".

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT và DL TP nói: "Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, Sở đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch để hoàn thiện thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn. Với mục tiêu đã đề ra và kế hoạch phân kỳ đầu tư cụ thể từng giai đoạn, hy vọng đến năm 2020 hệ thống thiết chế cơ sở của thành phố sẽ phát triển đồng bộ. Tuy nhiên để các thiết chế này hoạt động hiệu quả, thật sự trở thành điểm vui chơi của người dân thì còn rất nhiều việc phải làm".

H. Anh