Đà Nẵng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền
Theo kế hoạch về triển khai đề án phát triển công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn vừa được phê duyệt, TP Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền đóng góp 2-3% vào GRDP.
Tận dụng lợi thế sẵn có
Theo đánh giá, Đà Nẵng có ưu thế về điều kiện tự nhiên là địa hình phong phú, đa dạng với núi, sông, vịnh, biển và bán đảo Sơn Trà. Thủ phủ du lịch miền Trung còn là một trong những cửa ngõ quan trọng ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar đến các nước vùng Đông Bắc Á thông qua Hành lang kinh tế Đông Tây với điểm kết thúc là cảng biển Tiên Sa. Không những thế, thành phố có thuận lợi về hệ thống sông và vịnh nước sâu với cảng biển Tiên Sa, có thềm lục địa với độ sâu 200m tạo thành vành đai nước nông rộng lớn thích hợp cho phát triển kinh tế tổng hợp biển và giao thương đi quốc tế. Bờ biển dài với hàng loạt bãi tắm đẹp như Nam Ô, Làng Vân, Thanh Khê, Mỹ Khê, Non Nước cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú là những giá trị to lớn sẵn có mà thiên nhiên ban tặng để phát triển du lịch. Chính vì vậy, phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền được thành phố xác định là một trong những lĩnh vực công nghiệp ưu tiên. Nhiệm vụ này cũng được đề cập tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể hóa yêu cầu đặt ra, ngày 8-5-2024, UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định số 952/QĐ-UBND về phê duyệt kết quả nghiên cứu đề án "Phát triển công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn thành phố Đà Nẵng". Cùng với phát triển du lịch, du thuyền sẽ trở thành hướng đi mới trong phát triển du lịch biển và đường thủy nội địa. Căn cứ Quyết định số 952/QĐ-UBND, Kế hoạch số 188/KH-UBND đặt mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền đóng góp vào GRDP thành phố đạt 2-3%. Trong đó dịch vụ đóng góp 1,5-2,3% và công nghiệp đóng góp 0,5-0,7%. Kế hoạch hướng tới việc Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những điểm đến ưu tiên trong hải trình du lịch quốc tế tại khu vực châu Á, hình thành động lực phát triển du thuyền trong nước và quốc tế. Cùng với đó là đẩy mạnh hoạt động khai thác du thuyền đường thủy nội địa trên các tuyến sông Hàn, vịnh Đà Nẵng, sông Cu Đê, sông Cổ Cò và khai thác ổn định các tuyến từ bờ ra đảo kết nối với Lý Sơn, Cù Lao Chàm.
Kỳ vọng tạo hàng chục nghìn việc làm, đóng góp 4-5% GRDP
Theo Đề án Phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, vốn đầu tư cho công nghiệp du thuyền của Đà Nẵng là 5.700 tỷ đồng, dịch vụ du thuyền 1.560 tỷ đồng. Giai đoạn từ nay đến 2025, thành phố khởi động để phát triển dịch vụ du lịch bằng du thuyền, hoàn thành giai đoạn 1 bến du thuyền quốc tế sông Hàn (khu vực đường Bạch Đằng); bến du thuyền quốc tế khu đô thị lấn biển Đa Phước. Sau đó sẽ đầu tư thêm các bến du thuyền quốc tế Thuận Phước và bến cảng Tiên Sa để tạo thành "tam giác du thuyền" kết hợp với bến tại khu đô thị Đa Phước; nâng cấp, hoàn thiện ba bến DHC Marina, bến tàu Euro Village và bến Bạch Đằng (gần cầu Nguyễn Văn Trỗi). Ba bến du thuyền, khu neo đậu mới được xây dựng gắn với các điểm đến đang thu hút du lịch gồm: Khu chân cầu Rồng (trước Bảo tàng điêu khắc Chăm), khu du lịch Làng Vân dưới chân đèo Hải Vân và khu nghỉ dưỡng Intercontinental thuộc bán đảo Sơn Trà. Giai đoạn 2026-3030, thành phố dự kiến đầu tư các dự án bến du thuyền còn lại như Marina Complex, Olalani Riverside Tower, DHC Marina trên sông Hàn; các bến dọc sông Cổ Cò, Cẩm Lệ, Hòa Quý và nhiều bến tại bờ biển các dự án du lịch; bắt đầu phát triển công nghiệp đóng mới du thuyền. Thành phố dự kiến các hoạt động công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền tạo ra khoảng 35.000 vị trí việc làm giai đoạn 2025-2030. Giai đoạn sau đó, kỳ vọng tạo ra 57.000 việc làm và đến 2050 thành phố sẽ phát triển công nghiệp đóng mới du thuyền chuyên nghiệp, hiện đại, chuyển đổi bến cảng biển Tiên Sa thành bến cảng biển du thuyền quốc tế, nâng mức đóng góp GRDP lên 4-5%.
Đà Nẵng xác định từ nay đến 2030 tập trung vào 3 lĩnh vực là công nghiệp đóng mới du thuyền, công nghiệp hỗ trợ du thuyền và dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa du thuyền. Theo tiến độ đề ra, đến năm 2030, các nhà máy đóng mới du thuyền cỡ vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố sẽ đóng được 20-30 du thuyền/năm. Công nghiệp hỗ trợ du thuyền sẽ được đầu tư phát triển tại Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp. Trong khi đó, dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa du thuyền sẽ tập trung tại các bến du thuyền có quỹ đất rộng; vùng đất, vùng nước khu bến cảng biển Tiên Sa và quận Cẩm Lệ. Để đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch, Đà Nẵng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp hiện hữu hình thành, chuyển đổi, hoàn thiện dịch vụ để tham gia chuỗi giá trị logistics liên quan đến du thuyền. Đi đôi với xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi công nghiệp, dịch vụ du thuyền, thành phố sẽ tăng tốc hoàn thiện hạ tầng, tăng xúc tiến đầu tư, xây dựng các chương trình liên kết du lịch cũng như tăng ứng dụng khoa học công nghệ nhằm phục vụ công tác quản lý hoạt động du thuyền. UBND TP Đà Nẵng giao Sở Công Thương và Sở Du lịch cùng chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch số 188/KH-UBND. Đối với các quận huyện, thành phố giao nhiệm vụ nâng cao hiệu quả hoạt động của tuyến phố đi bộ, phố chuyên doanh, chợ đêm ở các khu mua sắm, nghỉ dưỡng, đặc biệt là khu vực ven sông Hàn (Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo…), dọc theo bờ biển Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tất Thành và các khu vực bến du thuyền đang hoạt động và sẽ xây dựng trong thời gian đến.
Công Khanh
Để thực hiện kế hoạch hiệu quả, thành phố đặt ra 8 giải pháp: quản lý Nhà nước liên quan đến khai thác du thuyền; huy động nguồn vốn, thu hút đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; phát triển thị trường, xúc tiến, quảng bá; bảo đảm an ninh quốc phòng; bảo vệ môi trường; liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố lân cận và các tỉnh, thành phố có phát triển về du thuyền; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. |