Đà Nẵng đề nghị T.Ư đánh giá quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn
UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu điều chỉnh lại Quy trình vận hành theo hướng điều chỉnh nguồn nước xả hợp lý trong mùa cạn và trong mùa lũ nhằm tăng cường nước về hạ du sông Vu Gia phục vụ sinh hoạt, sản xuất và đẩy mặn cho sông Cầu Đỏ. Văn bản đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu nghiên cứu vận hành xả nước mùa cạn của các thủy điện A Vương, Sông Bung 4 và Đăk Mi 4 lệch pha nhau để tăng tính ổn định của dòng chảy sông Vu Gia, chế độ vận hành của các thủy điện xả nước về hạ du phục vụ sinh hoạt và đẩy mặn trong mùa lũ, xem lại cao trình mực nước khống chế tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa,... Đồng thời, xem xét lại mực nước “đón lũ”, vì công tác dự báo hiện nay còn sai số lớn, nên việc hạ dung tích xuống mực nước “đón lũ” là rất khó; đồng thời cần nghiên cứu việc xả lũ xen kẽ của các hồ để việc xả lũ lệch pha nhằm hạn chế nước đổ về hạ du tập trung vào cùng thời điểm.
Thủy điện A Vương - một trong 3 thủy điện được đề nghị thay đổi quy trình vận hành xả nước. |
UBND TP cũng đề nghị Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai làm việc với Bộ Công Thương kiểm tra lại chức năng, nhiệm vụ của các thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Đăk Mi 4 trong việc thực hiện chức năng giảm lũ cho hạ du. Trường hợp có giảm lũ cho hạ du thì phải có giải pháp kỹ thuật cụ thể và bổ sung vào Quy trình vận hành liên hồ chứa.
Được biết, liên quan đến việc vận hành của các hồ thủy điện trong mùa lũ, theo số liệu báo cáo của các chủ hồ thủy điện gửi về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng cho thấy, các hồ thủy điện cơ bản vận hành đúng Quy trình vận hành liên hồ chứa. Theo Quy trình bắt đầu từ ngày 1-9 thì các thủy điện vận hành theo chế độ mùa lũ, nhưng thực tế có những năm bắt đầu từ ngày 1-9 lại chưa có mưa lớn, mực nước của 2 hồ thủy điện A Vương và Sông Bung 4 xấp xỉ mực nước chết, lượng nước xả về hạ du nhỏ, dẫn đến thiếu nước vùng hạ du. Ví dụ trong 3 ngày từ ngày 1 đến ngày 3-9-2018 các nhà máy không phát điện, xả nước về hạ du, cùng với việc thủy điện Đak Mi 4 xả nước về hạ du sông Vu Gia với lưu lượng Q rất nhỏ (3 m3/s) dẫn đến nguồn nước thô tại cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn và kéo dài nhiều ngày.
Về vận hành của các thủy điện trong mùa cạn, các thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Đăk Mi 4 gần như chỉ phát điện trong giờ cao điểm và ngừng hoạt động trong các giờ thấp điểm nên chế độ dòng chảy trên sông Vu Gia biến động lớn trong ngày, trong khi Thủy điện Đăk Mi 4 hoạt động lại chuyển nước từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn, dẫn đến việc sử dụng nước ở hạ du sông Vu Gia rất thấp.
Về việc điều tiết lũ của các hồ chứa thủy điện, việc vận hành giảm lũ cho hạ du bằng cách trữ lũ vào hồ chứa, nâng mực nước hồ đến mực nước dâng bình thường theo Quy trình vận hành liên hồ chứa có thể dẫn đến mất an toàn khi lũ tiếp tục về. Đặc biệt, khi lũ lớn mà một trong các cửa van bị sự cố không mở được sẽ dẫn đến mất an toàn đập. Do đó cần phải xây dựng thêm các cửa van dự phòng để xử lý sự cố.
Ngoài ra cũng cần lưu ý, trong trường hợp lũ lên nhanh, nhưng mất tín hiệu đường truyền từ trạm quan trắc ở thượng lưu hồ chứa về nơi theo dõi sẽ dễ dẫn đến vận hành các cửa van không kịp thời có thể gây nên những thiệt hại cho vùng hạ du.
Quốc Dũng