Đà Nẵng đề xuất cho phép thực hiện tự chủ về biên chế theo năng lực
Đề xuất trên được Thường trực Thành ủy Đà Nẵng nêu ra tại buổi làm việc với Đoàn Khảo sát của Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế do bà Nguyễn Thị Thanh - Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm trưởng đoàn vào ngày 25-11.
Đà Nẵng đề xuất T.Ư có cơ chế phù hợp về biên chế, số lượng người làm việc tại các cơ quan, đơn vị.
“Giảm kép” biên chế khiến Đà Nẵng thiếu hụt nguồn nhân lực
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015, Ban Thường vụ Thành ủy và UBND TP Đà Nẵng đã ban hành nhiều kế hoạch, đề án về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của địa phương. HĐND TP cũng triển khai các nghị quyết quy định về số lượng, chức danh, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách cơ sở.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho biết, đến thời điểm hiện tại, về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể đã giảm 5 đầu mối, 12 phòng, ban chuyên môn và văn phòng các cơ quan tham mưu, giúp việc thuộc Thành ủy, 12 phòng, ban tại các cơ quan chuyên trách của Mặt trận, đoàn thể. Khối các cơ quan thực hiện “4 giảm” với việc giảm đầu mối 37 đơn vị sự nghiệp công lập, 124 đơn vị cấp phòng; giảm lãnh đạo, quản lý với 178 vị trí; giảm biên chế với việc thu hồi 93 chỉ tiêu biên chế, giải quyết cho 43 người nghỉ hưu trước tuổi, chấm dứt hợp đồng 23 trường hợp; giảm kinh phí ngân sách 280 tỷ đồng giai đoạn 2021-2019. Đà Nẵng đã hoàn thành sắp xếp 71 đơn vị sự nghiệp công lập, vượt 22 đơn vị so với kế hoạch đồng thời ban hành Đề án Kiện toàn tổ chức bên trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP. Về tinh giản biên chế, giai đoạn 2015-2021 khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể đã và cắt giảm 338 người; khối các cơ quan Nhà nước giảm 207 biên chế công chức (tỷ lệ 10,4%) và 2.316 người làm việc trong đơn vị sự nghiệp (tỷ lệ 11,7%).
Về khó khăn, từ năm 2007 đến nay, Đà Nẵng không được bổ sung chỉ tiêu biên chế công chức. Trong đó, đối với khối Nhà nước, chỉ tiêu biên chế năm 2022 được T.Ư giao là 1.786 người, thấp hơn số giao năm 2007 (1.850 người). Đối với khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể giữ nguyên mức giao 957 biên chế và theo lộ trình tinh giản vào năm 2022 sẽ còn 861 chỉ tiêu. TP Đà Nẵng thuộc nhóm địa phương có biên chế giao thấp nhất, cùng cơ quan chuyên môn nhưng biên chế được giao thấp hơn so với các địa phương khác. Đặc biệt, xuất phát từ đột phá trước đây là để đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ, bên cạnh chỉ tiêu biên chế được T.Ư giao, Đà Nẵng đã thực hiện chính sách thu hút nhân tài, đào tạo nhân lực chất lượng cao và giao bổ sung chỉ tiêu lao động hành chính cho các địa phương, đơn vị.
Đến năm 2014, tổng biên chế công chức TP được giao là 3.018, ngoài ra, TP giao bổ sung 885 chỉ tiêu hợp đồng theo chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động hành chính. Thực hiện lộ trình tinh giản, đến năm 2018, biên chế công chức khối Nhà nước TP được giao là 1.965 người, giảm 96 biên chế so với năm 2014. Đồng thời, TP cũng đã cắt giảm số giao hợp đồng theo chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động hành chính của khối Nhà nước xuống còn 410 chỉ tiêu, giảm 217 chỉ tiêu so với năm 2014. Sau đó, kể từ năm 2018, TP phải chấm dứt toàn bộ các trường hợp hợp đồng nêu trên.
“Như vậy, Đà Nẵng đã bị “giảm kép” cả về biên chế công chức T.Ư giao và chỉ tiêu tự chủ của địa phương. Việc cắt giảm đột ngột số người làm việc dẫn đến sự thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng, gây quá tải công việc tại các cơ quan, đơn vị”, ông Vĩnh cho hay.
Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trao đổi tình hình thực tế và nêu đề xuất, kiến nghị với Đoàn khảo sát.
Đề xuất thí điểm giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, trong gần 15 năm qua, Đà Nẵng mở rộng gấp 4 lần diện tích đô thị, dân số tăng gấp đôi. Trong khi đó số lượng biên chế không tăng, mà còn giảm so với năm 2007, thậm chí giảm sâu. Đi cùng với tăng diện tích không gian đô thị và dân số thì đầu việc của các sở, ngành tăng gấp nhiều lần. Thực trạng này cùng với mức thu nhập hạn chế đã dẫn tới câu chuyện chảy máu chất xám, vì Đà Nẵng không đủ điều kiện giữ chân nhân tài do cơ chế ràng buộc. “Lâu nay báo cáo về kết quả tinh giản biên chế thường nêu những kết quả mang tính cơ học chứ chưa làm rõ những khó khăn, vướng mắc, phát sinh trong thực tế. TP đã từng mạnh dạn đi sớm, đi trước trong việc tự chủ, bây giờ thiệt thòi khi 15 năm nay không được tăng biên chế cho dù yêu cầu công việc tăng rất nhiều”, ông Quảng cho biết.
Để đảm bảo theo đúng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng đề xuất Ban Tổ chức T.Ư xem xét giao biên chế hằng năm trong giai đoạn 2022-2026 tối thiểu là 877 người, không kể số hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP. Đồng thời, khi phân bổ chỉ tiêu biên chế hằng năm cần tách số lượng chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ra khỏi tổng chỉ tiêu biên chế chính thức. Đối với biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, từ năm 2016 đến nay, Đà Nẵng không được giao bổ sung biên chế sự nghiệp mà phải tự cân đối bằng việc đẩy mạnh tự chủ tại một số đơn vị sự nghiệp. Thời gian đến, việc tiếp tục cắt giảm 10% biên chế giai đoạn 2022-2026 tạo áp lực lớn đối với các mục tiêu KT-XH. Bên cạnh đó, công tác tinh giản tại đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục và y tế gặp nhiều khó khăn do bị điều chỉnh bởi nhiều quy định. Từ thực trạng trên, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đề nghị T.Ư quan tâm giao chỉ tiêu biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước giai đoạn 2022-2026 cho Đà Nẵng trên nguyên tắc giảm dần qua các năm nhằm đảm bảo tổng biên chế giai đoạn 2022-2026 giảm 10% so với năm 2021.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng đề xuất T. Ư cho phép thực hiện thí điểm việc phân cấp cho HĐND TP quyết định biên chế, số lượng người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước trên địa bàn TP, làm cơ sở thực tiễn để nghiên cứu nhân rộng cơ chế quản lý, quyết định biên chế khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Đối với các địa phương tự chủ được ngân sách, đề xuất nghiên cứu thí điểm giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế, nhân lực trên cơ sở phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi đã được T.Ư giao theo từng thời kỳ ổn định ngân sách. Cạnh đó là có hướng dẫn cụ thể việc chuyển 7 vị trí cán bộ cấp phường thuộc biên chế cấp quận đồng thời quy định rõ việc quản lý, tuyển dụng, sử dụng các vị trí này thuộc biên chế khối Đảng hay biên chế khối chính quyền và do quận ủy hay UBND quận quản lý. Đà Nẵng cũng kiến nghị T.Ư cho phép được quyết định hệ số thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức từ nguồn cải cách tiền lương. “Qua đại dịch vừa rồi thì cán bộ cơ sở rất vất vả. Cũng như các địa phương, Đà Nẵng đề nghị T.Ư nghiên cứu tăng chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, tạo điều kiện để cán bộ cấp cơ sở yên tâm công tác, cống hiến”, ông Nguyễn Văn Quảng kiến nghị.
Bà Nguyễn Thị Thanh đánh giá, Thành ủy Đà Nẵng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện rất nghiêm túc Nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế. Tuy nhiên việc phải “giảm kép” cũng đã phát sinh nhiều khó khăn, bất cập đối với địa phương. Chính vì vậy, công tác tự chủ trước đây gây ra vướng mắc như thế nào so với quy định của T.Ư thì Đà Nẵng cũng cần có những kiến nghị rõ ràng, tách bạch. Hướng thứ nhất là TP đề nghị được ghi nhận số nhân lực tự chủ trước đây vào số biên chế để đảm bảo tính tương đồng với các tỉnh thành khác. Thứ hai là số biên chế mà Đà Nẵng đang phải hợp đồng được hưởng các chế độ chính sách như biên chế của T.Ư nhưng ngân sách do TP bảo đảm. Có 2 hướng đề xuất như vậy để T.Ư thảo luận và quyết định phương án cho phù hợp vì ngoài cái chung của cả nước thì riêng Đà Nẵng còn có cơ chế đặc thù về xây dựng chính quyền đô thị. “Đối với đặc thù Đà Nẵng, chúng ta đang phấn đấu cho một thành phố thông minh, thành phố sáng tạo, phát triển và giàu bản sắc thì đương nhiên phải có một cơ cấu về tổ chức và cơ cấu đội ngũ cán bộ phải đáp ứng được yêu cầu về mục tiêu phát triển. Để giao biên chế giai đoạn tới đây là liên quan đến xác định vị trí việc làm. Chỗ nào giảm phải giảm, nhưng chỗ nào cần vẫn phải tăng vì hiệu quả công việc. Chứ không phải giảm theo kiểu cào bằng”, bà Thanh trao đổi.
Công Khanh