Đà Nẵng dẹp nạn "đầu gấu du lịch": Đừng để "ném đá ao bèo"
(Cadn.com.vn) - Giữa năm nay, hiện tượng "đầu gấu du lịch" xuất hiện đã làm cho Đà Nẵng "mang tiếng", gây bức xúc trong người dân địa phương và du khách. Ngay lập tức, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở VH-TT&DL phối hợp cùng cơ quan CA vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm. Sau thời gian điều tra, xác minh, một số đối tượng cùng các nhà hàng có hành vi kinh doanh không lành mạnh này đã "co vòi" và cam kết không tái diễn. Tuy nhiên, có dẹp hẳn được hiện tượng này không vẫn còn là một vấn đề đòi hỏi sự vào cuộc tổng lực.
Ngoài việc chèo kéo theo "chiến thuật 1 kèm 1", thời gian qua Đà Nẵng đã mất điểm |
Tạm yên!
Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã phản ánh, thời gian vừa qua trên địa bàn thành phố xuất hiện tình trạng một số đối tượng hù dọa, bắt ép và "quây gom" du khách vào một số cơ sở mua sắm như cửa hàng hải sản khô Hưng Phát (đường Võ Văn Kiệt, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) và Ba Na Miền Trung (đường Nguyễn Tất Thành, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng). Các cửa hàng này thường xuyên sử dụng các đối tượng "cò mồi" đến các địa điểm du lịch như bãi biển Mỹ Khê, Khu du lịch Bà Nà, Chùa Linh Ứng... để chèo kéo du khách, mồi chài buộc các hướng dẫn viên, lái xe du lịch, trưởng đoàn phải đưa du khách đến mua sắm, ăn uống tại cơ sở của mình. Nếu không đáp ứng theo yêu cầu thì họ bị bọn chúng gọi điện thoại hăm dọa hành hung và đập phá xe.
Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã có văn bản yêu cầu CATP Đà Nẵng chỉ đạo lực lượng chức năng và CA các quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý các đối tượng, đơn vị nói trên. Sau thời gian điều tra, xác minh, Phòng CSĐTTP về TTXH- CATP, cho biết: Cửa hàng hải sản khô Hưng Phát do ông Nguyễn Văn Thuân (1980, quê Thái Bình) và bà Lê Tuyết Nhung (1982, quê Phú Thọ) làm chủ, hoạt động từ tháng 4-2014. Ngoài cửa hàng trên, vợ chồng ông Thuân, bà Nhung còn mở 1 quán cơm trên đường Nguyễn Văn Thoại. Cửa hàng hải sản khô Ba Na Miền Trung do vợ chồng ông Nguyễn Võ Văn Bình (1978) và bà Nguyễn Thị Anh Đào (1985, cùng trú tỉnh Lâm Đồng) làm chủ, hoạt động từ đầu năm 2014.
Theo tài liệu của cơ quan CA, trong quá trình kinh doanh, ngoài đội ngũ nhân viên nữ bán hàng tại quầy, 2 cơ sở này còn sử dụng các đối tượng có tiền án, tiền sự, đối tượng nghiện ma túy, người đầy hình xăm từ các tỉnh phía Bắc, tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa đến các địa điểm du lịch để "quây gom" du khách. Nếu lái xe hoặc hướng dẫn viên du lịch đưa khách đến các cơ sở để ăn uống, mua hàng thì sẽ được trả 10% trên tổng giá trị hóa đơn. Nếu từ chối, những đối tượng này sẽ trực tiếp dằn mặt, hành hung hoặc nhắn tin đe dọa. Xuất phát từ việc kinh doanh tranh giành khách không lành mạnh này, trong thời gian từ tháng 6-2014 đến nay, giữa 2 cửa hàng này đã từng xảy ra 4 lần xô xát, đánh nhau và bị cơ quan CA xử lý. Phòng CSĐTTP về TTXH- CATP đã tiến hành làm việc, răn đe và yêu cầu các chủ cửa hàng, nhân viên làm việc cam kết không có hành vi tái phạm.
Theo lãnh đạo đơn vị, hiện tại, qua nắm tình hình thì việc chèo kéo, đeo bám khách du lịch, đe dọa lái xe, hướng dẫn viên cũng như hiện tượng bảo kê đã không còn xảy ra. Các đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy là nhân viên của cửa hàng hải sản khô Hưng Phát đã không còn hoạt động, nhiều đối tượng đã rời khỏi địa bàn Đà Nẵng.
Để xây dựng môi trường du lịch tốt, Đà Nẵng cần có giải pháp bền vững. |
Đừng để "ném đá ao bèo"
Có thể thấy, việc "đầu gấu du lịch" tạm lắng là do sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan CA và ngành Du lịch thời gian qua; tuy nhiên do hiện nay đang là mùa thấp điểm của ngành Du lịch Đà Nẵng nên tình trạng chèo kéo, bảo kê, "quây gom" du khách cũng ít đi. Liệu vào mùa du lịch cao điểm của Đà Nẵng, dịp lễ Tết sẽ không còn xảy ra vấn nạn này?
Để giữ môi trường du lịch cũng như hình ảnh thành phố an toàn, thân thiện, ổn định về ANTT, Phòng CSĐTTP về TTXH đã đề nghị Sở VH-TT&DL tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các Sở, ban ngành và chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực du lịch trên địa bàn thành phố. Ngoài việc yêu cầu các cửa hàng thực hiện việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Đối với các cơ sở cố tình tái phạm nhiều lần, cơ quan chức năng phải đề nghị rút giấy phép kinh doanh. Tại các địa điểm du lịch tập trung đông du khách đến tham quan, đơn vị liên quan cần bố trí đầy đủ lực lượng bảo vệ bên trong, bên ngoài đồng thời lắp đặt hệ thống camera an ninh, loa truyền thanh để đảm bảo công tác theo dõi, cảnh báo về ANTT đến với du khách và người dân.
Một nhiệm vụ quan trọng nữa là ngành Du lịch cần tăng cường công tác quản lý, phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật cho các đơn vị lữ hành, các hướng dẫn viên và đội ngũ những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức hợp tác, tích cực tham gia phòng chống tội phạm. Theo cơ quan CA, rất nhiều tài xế, hướng dẫn viên trong quá trình hành nghề đã bị hăm dọa, hành hung dằn mặt nhưng khi được mời làm việc để thu thập, xác minh thông tin đã không dám hé nửa lời hoặc thiếu hợp tác.
Việc đạt nhiều danh hiệu, có tên trong 10 điểm đến mới nổi do các tạp chí uy tín về du lịch bầu chọn đã làm cho du lịch Đà Nẵng liên tục "tăng điểm", là đà thuận lợi để Đà Nẵng thu hút và giữ chân du khách trong nước và quốc tế. Tuy vậy nếu ngủ quên trên danh hiệu, hài lòng với các mỹ từ vốn chưa thực sự thuyết phục sẽ là một nguy cơ dẫn đến trong tương lai phải trả giá đắt. Năm nào thành phố cũng "mạnh tay với chặt chém, trục lợi, kinh doanh không lành mạnh" nhưng cứ đến mùa lễ hội, mùa du lịch, các kỳ nghỉ lễ vẫn xuất hiện nhiều "nạn nhân". Ai cũng lý giải đó là thiểu số, là "con sâu làm rầu nồi canh" nhưng nếu không vào cuộc đồng bộ, xử lý triệt để, mạnh tay để làm gương, đến khi "vỡ trận", đâu đâu cũng thấy "sâu" thì ngành Du lịch lãnh đủ.
Đông A