Đà Nẵng đi đầu thí điểm số hóa truyền hình

Thứ bảy, 30/08/2014 08:32

(Cadn.com.vn) - Theo Quyết định số 2451/QĐ-TTG ngày 27-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, 5 địa phương gồm Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Cần Thơ và Đà Nẵng hoàn thành số hóa truyền hình trước ngày 31-12-2015. Bộ TT-TT giao TP Đà Nẵng triển khai thí điểm và phải hoàn thành trước 6 tháng so với 4 thành phố còn lại và chấm dứt phát sóng tương tự mặt đất từ ngày 1-7-2015.  Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã có buổi trò chuyện với TS Nguyễn Hoàng Cẩm, Phó Giám đốc Sở TT- TT, Phó Ban thường trực Ban Chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình về Chương trình này.

PV: Xin tiến sĩ cho biết là Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất này khi triển khai sẽ mang đến những ích lợi gì?

TS Nguyễn Hoàng Cẩm.

TS Nguyễn Hoàng Cẩm: Một cách khái quát, việc số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số là xu thế chung của thế giới, đó là: hiện đại, hiệu quả, thống nhất về tiêu chuẩn và công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng kênh chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số nhằm giải phóng một phần tài nguyên tần số để phát triển các dịch vụ thông tin di động và vô tuyến băng rộng. Từ đó, từng bước mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cung cấp các dịch vụ truyền hình đa dạng, phong phú, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu và thu nhập của người dân, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, sẽ hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất nhằm thu hút các nguồn nhân lực của xã hội để phát triển hạ tầng kỹ thuật truyền hình, trên cơ sở đảm bảo sự quản lý thống nhất, có hiệu quả của Nhà nước, tạo điều kiện để tổ chức và sắp xếp lại hệ thống các đài phát thanh, truyền hình trên phạm vi cả nước theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, hoạt động hiệu quả và phân định rõ hoạt động về nội dung thông tin với hoạt động về truyền dẫn, phát sóng.

PV: Tiến sĩ có thể cho biết cụ thể hơn?

TS Nguyễn Hoàng Cẩm: Về chất lượng âm thanh, hình ảnh được cải thiện rõ rệt: Đối với người dân, việc thu xem tín hiệu truyền hình số mặt đất thay cho tín hiệu truyền hình tương tự đồng nghĩa với việc người xem sẽ xem được rất nhiều kênh truyền hình với chất lượng âm thanh và hình ảnh tốt hơn, thay vì chỉ được xem 4 đến 5 kênh chương trình như hiện nay. Tín hiệu truyền hình số sẽ không còn hiện tượng muỗi, bóng ma như khi xem tín hiệu truyền hình tương tự. Người xem có thể được xem truyền hình có độ phân giải cao (HDTV) hoặc siêu cao (SHDTV); truyền hình 3 chiều (3D TV), truyền hình trên thiết bị di động điều này chỉ có thể thực hiện khi số hóa tín hiệu truyền hình;...

Vấn đề tiết kiệm băng thông: Truyền hình số mặt đất không chỉ đem lại lợi ích về chất lượng chương trình truyền hình mà còn đem lại rất nhiều lợi ích về hiệu quả sử dụng tần số vô tuyến điện. Truyền hình số mặt đất sẽ sử dụng phổ tần số ít hơn so với truyền hình tương tự. Chẳng hạn, nếu như với truyền hình tương tự, chỉ có thể truyền tải một kênh chương trình truyền hình trên một kênh tần số 8 MHz, thì với kỹ thuật số tiêu chuẩn DVB-T2 cho phép truyền tải khoảng 20 chương trình truyền hình SD trên một kênh 8 MHz.

Điều này cũng có nghĩa là, khi hoàn thành số hóa truyền hình, một phần băng tần UHF sử dụng cho truyền hình mặt đất sẽ được giải phóng. Phần băng tần "dôi dư" này có thể dành để phát triển các dịch vụ thông tin di động băng rộng (4G) và một số dịch vụ thông tin vô tuyến khác. Nói cách khác, việc số hóa truyền hình sẽ mở đường cho việc triển khai dịch vụ băng rộng 4G tại Việt Nam. Nguồn kinh phí thu được do đấu giá các băng tần dôi dư này có thể được đầu tư trở lại để thúc đẩy quá trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất. Nâng cao hiệu quả đầu tư hệ thống truyền dẫn, phát sóng: Hiệu quả đầu tư và khai thác hệ thống truyền dẫn và phát sóng số cao hơn so với hệ thống truyền dẫn và phát sóng tương tự.

Lý do: nhờ việc truyền tải được nhiều kênh chương trình trên một kênh tần số, nên thay vì phải đầu tư nhiều máy phát, để mỗi máy phát phát một kênh chương trình như hiện nay, chỉ cần đầu tư một máy phát số có thể phát được tất cả các chương trình này dẫn đến tiết kiệm được kinh phí đầu tư thiết bị, nhân công vận hành, tiền điện, nhà trạm... Đối với truyền hình tương tự mặt đất, do đặc điểm mỗi kênh tần số chỉ truyền tải được một kênh chương trình, nên việc thêm kênh chương trình mới tại một địa điểm nhất định là hết sức khó khăn, đôi khi là một nhiệm vụ bất khả thi (do không có tần số hoặc bị can nhiễu) thì việc này đối với truyền hình số được thực hiện một cách dễ dàng.

VTV (ảnh) đồng ý hỗ trợ DRT phát thử nghiệm (truyền  hình số) trên hạ tầng của VTV.

PV: Đà Nẵng có kịp hoàn thành  đưa chương trình này vào hoạt động từ ngày 1-7-2015?

TS Nguyễn Hoàng Cẩm: Được sự hỗ trợ của Bộ TT&TT và chỉ đạo của UBND TP, chúng tôi đang triển khai Đề án một cách khẩn trương và quyết liệt để bảo đảm thời gian, lộ trình thực hiện. Vừa qua, Ban Chỉ đạo Số hóa truyền hình Đà Nẵng đã phối hợp với Đài DRT triển khai và hoàn thành nhiều nội dung công việc từ việc tổ chức sắp xếp bộ máy; ban hành kế hoạch tuyên truyền; hướng dẫn thực hiện các quy định về nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh thiết bị thu, phát truyền hình số mặt đất; tiến hành khảo sát thực tế thực trạng các trạm phát sóng truyền hình mặt đất của 3 doanh nghiệp là: VTV, VTC, AVG trên đỉnh núi Sơn Trà- Đà Nẵng...

Tuy nhiên, hiện nay cả 3 trạm phát sóng của 3 doanh nghiệp trên đều chưa đạt được yêu cầu về chất lượng dịch vụ và cả vùng phủ sóng. Vì vậy, Ban Chỉ đạo đã chọn cơ sở của VTV để tiến hành triển khai, cụ thể là VTV sẽ triển khai rà soát, bổ sung, nâng cấp, điều chỉnh hệ thống phát truyền hình sóng số mặt đất nhằm bảo đảm vùng phủ sóng và chất lượng dịch vụ cho toàn TP Đà Nẵng và cả khu vực Bắc Quảng Nam. Đặc biệt, lãnh đạo VTV đã đồng ý hỗ trợ DRT phát thử nghiệm (truyền  hình số) trên hạ tầng của VTV đặt trên bán đảo Sơn Trà.

Đặc biệt, chúng tôi đang tiến hành điều tra về số hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách trên địa bàn Đà Nẵng (đang sử dụng truyền hình vô tuyến tương tự mặt đất) để thực hiện việc hỗ trợ đầu thu số. Và, với tiến độ chương trình như hiện nay, chúng tôi sẽ hoàn thành tiến độ Đề án Số hóa truyền hình như kế hoạch đã đề ra. Dự kiến, công tác chuẩn bị tiến hành chạy chương trình sẽ bắt đầu vào đầu năm 2015, sau đó sẽ triển khai rộng rãi trên toàn TP.

P.V: Xin cảm ơn tiến sĩ về buổi trao đổi này!

Lê Anh Tuấn