Đà Nẵng đón lượng lớn khách du lịch trong chuỗi “5 ngày vàng”

Thứ tư, 25/04/2018 12:09

Dịp lễ 30-4 và 1-5 đối với cả nước kéo dài 4 ngày nhưng từ 27-4, Đà Nẵng đã bắt đầu sôi động với sự kiện khai trương mùa du lịch biển bằng nhiều chương trình đinh dành cho người dân và du khách. Đây được xem là sự kiện khởi động cho chuỗi “5 ngày vàng” để  thành phố biển đón khoảng 343 nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Mùa du lịch biển sẽ mở màn cho chuỗi những hoạt động hấp dẫn trong kỳ nghỉ lễ năm nay của Đà Nẵng.

Đưa du khách vào trung tâm lễ hội

Sự kiện khai trương mùa du lịch biển được tổ chức vào chiều 27-4 tại Công viên Biển Đông sẽ khởi động cho kỳ nghỉ lễ năm nay bằng nhiều hoạt động thu hút sự tham gia của du khách. Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, năm nay ngoài những hoạt động thường niên như đua kayak, đua thúng, vẽ và trưng bày tranh về Sơn Trà, hoạt động vì môi trường biển, thể thao biển, giới thiệu các dịch vụ bãi biển, đơn vị sẽ đổi mới bằng việc trang trí, tạo các điểm check in trên công viên, dọc bãi biển như: trang trí thuyền thúng, ván lướt, sắp đặt chong chóng, đèn lồng tại bức tường gốm sứ biển Mỹ Khê. Ngoài ra, năm nay bãi biển Nguyễn Tất Thành cũng sẽ được làm mới để giới thiệu đến du khách những tiềm năng hấp dẫn bên cạnh một trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh. Ông Nguyễn Đức Vũ – Phó trưởng ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, trong chiến dịch làm mới các sản phẩm du lịch biển, 22 hoạt động sẽ được tổ chức với việc lấy du khách làm tâm điểm để mang lại cho họ những trải nghiệm thú vị, khác với các thành phố biển khác trên cả nước.

Theo Trung tâm Tổ chức sự kiện và lễ hội thành phố Đà Nẵng, trong tổng số 28 hoạt động văn hóa, thể thao kéo dài từ tháng 4 đến hết tháng 9 năm nay thì rất nhiều sự kiện đinh rơi vào kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5, trong đó có đêm khai mạc DIFF 2018. Trong kỳ nghỉ lễ đầu mùa hè, du khách có thể hòa mình vào các hoạt động như lễ dựng cây nêu và trình diễn dân ca của đồng bào Xơ Đăng tại Bảo tàng Đà Nẵng (ngày 30-4 và 1-5), triển lãm ảnh với chủ đề “Sắc màu tháng 4” tại Bảo tàng Mỹ thuật (từ 26-4 đến 10-5), vòng chung kết cuộc thi các ban nhóm nhạc miền Trung tại Cung thể thao Tiên Sơn (28-4), chương trình Vũ hội đường phố diễn ra vào thứ bảy cuối cùng của tháng. Cạnh đó là cuộc thi sáng tác Múa hài Việt Nam lần thứ nhất do Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức ở Nhà hát Trưng Vương (ngày 28 và 29-4), sắp đặt và trưng bày đèn lồng in logo du lịch Đà Nẵng tại Công viên Biển Đông (từ 30-4 đến 30-6), cụm biểu diễn nghệ thuật dọc bờ tây sông Hàn (diễn ra trong 5 đêm bắn pháo hoa). Trong khi đó, phía Sun Group, đơn vị tổ chức DIFF 2018 sẽ thực hiện 3 hoạt động phụ trợ mang điểm nhấn gồm: lễ hội Ẩm thực quốc tế với chủ đề “Bốn mùa hương sắc”, diễu hành nghệ thuật Carnaval đường phố 2018 và chương trình Đồng hành flashmob với vòng chung kết dự kiến diễn ra vào 26-4. Tất nhiên, trong ngày áp chót của kỳ nghỉ lễ, sự kiện được mong đợi nhất là khai mạc DIFF 2018 vào tối 30-4 là điểm hẹn đáng quan tâm nhất ở đôi bờ sông Hàn. Với sự nhào nặn của đạo diễn Đỗ Thanh Hải, sự xuất hiện của các ngôi sao trong làng giải trí Việt Nam và những màn trình diễn đỉnh cao của nghệ thuật pháo hoa, Đà Nẵng sẽ bùng nổ với không khí lễ hội mang tầm cỡ châu lục.

“Săn” chỗ ngồi khó hơn lưu trú

Theo khảo sát, dù đã cận kỳ nghỉ nhưng nhiều khách sạn ở dọc các tuyến đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, khu vực trung tâm thành phố vẫn còn phòng. Thậm chí một số khách sạn vẫn còn trống, công suất khai thác trong ngày 30-4, 1-5 mới chỉ đạt 50-60%. Từ năm 2017, thành phố không ban hành kế hoạch bình ổn giá như các năm trước mà khách sạn được phép điều chỉnh tăng hoặc giảm giá tùy thuộc vào thực tế nhưng phải niêm yết và kê khai giá trực tuyến gửi Sở Tài chính và UBND các quận, huyện. Hiện đa số các khách sạn khối 3-5 sao và tương đương đều phụ thu thêm từ 10-50% so với mức giá công bố hoặc 10-30% so mức giá ký kết với các đơn vị lữ hành và chủ yếu chỉ tập trung phụ thu vào ngày 30-4. Đối với các khách sạn 2 sao trở xuống thì chỉ có một số khách sạn ở vị trí đẹp, gần khu vực bắn pháo hoa như dọc đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Phạm Văn Đồng... mới tăng giá từ 20-50% (do giá bao gồm chi phí mua vé xem pháo hoa trên tầng thượng, chi phí ăn uống). Theo lãnh đạo Sở Du lịch, với việc tăng hơn 7.000 phòng trong năm nay, các khách sạn đều cân nhắc trong việc tăng giá vì nếu tính toán không tốt sẽ có nguy cơ vắng khách trong những ngày lễ. Theo số liệu cập nhật mới nhất từ phòng Quản lý lữ hành, đến trước kỳ nghỉ lễ khoảng một tuần, khối khách sạn 4 – 5 sao và tương đương có công suất buồng phòng khoảng 75%,  khối khách sạn 3 sao và tương đương là khoảng 60%.

Trong khi phòng lưu trú không còn quá nóng thì các khách sạn ven sông Hàn có view đẹp xem pháo hoa bắt đầu vào mùa khai thác dịch vụ chỗ ngồi “đăng cao vọng viễn”. Tại vị trí đối diện với sân khấu, khán đài nằm trên đường Trần Hưng Đạo, các khách sạn “treo” giá chỗ ngồi ở ban công, sân thượng trong đêm khai mạc DIFF 2018 ở mức trên dưới 1 triệu đồng/vé. Thậm chí, một số nhà nghỉ sát sân khấu cũng đã vào cuộc bán chỗ ngồi khoảng 500 nghìn đồng/ đêm, chưa tính đồ ăn, thức uống. “Đã thành thông lệ, trước lễ khoảng 1 tháng chúng tôi đã “seo” lên mạng và hầu hết khách ngoại tỉnh đã đặt chỗ qua mạng. Gần 50 chỗ ngồi ở tầng thượng của chúng tôi đã được bán gần hết. Các nhà nghỉ, khách sạn dọc đường Trần Hưng Đạo hầu hết cũng “phân lô” khoảng không trên cùng để bán chỗ, giá từ khoảng 500 nghìn đến cả triệu, hầu hết đã kín”, quản lý khách sạn S.T đối diện với khán đài A cho biết. Giá chỗ ngồi “nóng” nhất là hệ thống khách sạn cao tầng nằm trên đường Bạch Đằng có thể xem pháo hoa ngay trước mặt. Ở các khách sạn chính diện với bãi bắn, giá chỗ ngồi kèm tiệc tối lên tới trên 2 triệu đồng và chỉ nhận đặt khách đoàn. Đối với du khách muốn trải nghiệm pháo hoa từ mặt nước sông Hàn, hệ thống các tàu du lịch được cấp phép hoạt động trong các đêm pháo hoa cũng mở bán các tour trọn gói bao gồm ăn uống, thưởng thức ca nhạc và xem pháo với mức giá từ 800 nghìn đến 2 triệu đồng tùy thuộc vào tàu và các vị trí trên tàu. Dù phải di chuyển về phía cảng Sông Thu cũ để phục vụ cho việc trình diễn pháo hoa nhưng các tàu được cấp phép khai thác tour vẫn có nhiều dịch vụ để du khách thưởng thức “đặc sản pháo hoa” từ mặt nước.

Theo ông Trần Chí Cường – Phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, trong chuỗi “5 ngày vàng” của kỳ nghỉ lễ, Đà Nẵng dự kiến sẽ đón khoảng 343 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt 108.930 lượt, khách nội địa khoảng 234.062 lượt. Lượng khách chỉ tăng nhẹ, không có đột biến vì lễ hội pháo hoa năm nay kéo dài trong 2 tháng, không có cảnh “no dồn đói góp”, hơn nữa Đà Nẵng đang ngày càng phải chia sẻ lượng khách với nhiều điểm đến trong khu vực Quy Nhơn, Phú Quốc, Đà Lạt. Cộng với đó, Festival Huế 2018 diễn ra ngay trong dịp lễ cũng thu hút một lượng lớn khách đến cố đô thay vì Đà Nẵng.

CÔNG KHANH

Cầu Rồng không phun nước, phun lửa trong các đêm DIFF 2018

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn vừa ký ban hành văn bản thống nhất với đề xuất của Sở Giao thông Vận tải về việc không phun lửa, phun nước cầu Rồng; không quay cầu Sông Hàn trong các đêm trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng DIFF 2018. Cụ thể, trong các tối 30-4, 26-5,  2-6, 9-6 và 30-6, cầu Rồng không thực hiện phun nước, phun lửa và cầu Sông Hàn không quay như thường lệ. Chủ trương này nhằm đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc trong thời điểm Đà Nẵng có đông đảo du khách đổ ra đường xem trình diễn pháo hoa.

ĐÔNG A