Đà Nẵng đột phá về công nghiệp thế nào? (Bài 1: Sức bật từ công nghiệp công nghệ thông tin)

Thứ tư, 18/11/2020 09:00

Công nghiệp gắn với công nghệ cao, công nghệ thông tin là một trong những động lực đột phá cho kinh tế Đà Nẵng trong bối cảnh tăng trưởng đang chậm lại, nguồn lực đầu tư hạn chế, không gian mở rộng đô thị bị giới hạn. Nhưng giải pháp nào để đột phá về công nghiệp?

Xuất khẩu phần mềm của Đà Nẵng tăng trung bình 25%/năm.

Với quỹ đất hạn hẹp, yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, cân xứng với dịch vụ thì công nghiệp CNTT là lựa chọn phù hợp hơn cả. Thực tế, với những điều kiện, thế mạnh riêng về môi trường sống, ngành công nghiệp CNTT của Đà Nẵng có bước phát triển nhanh chóng trong thời gian qua, bước đầu tạo được nền tảng vững chắc. Thống kê cho thấy, số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin – truyền thông của TP những năm gần đây không ngừng gia tăng, điều đó đồng nghĩa với đóng góp của lĩnh vực này trong cơ cấu kinh tế ngày càng lớn. 5 năm qua, số DN CNTT của TP đã tăng từ 400 lên khoảng 1900. Nếu tính cả 7.000 DN có ngành nghề phụ là CNTT thì tổng số DN trong lĩnh vực CNTT chiếm khoảng 20% DN toàn TP. Không chỉ gia tăng về số lượng, nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực CNTT với các sản phẩm chất lượng, ứng dụng phổ biến cũng đã xuất hiện từ Đà Nẵng.

Có thể kể đến những DN lớn như Foster, Mabuchi Motor, FPT Software, Axon Active… Hiện toàn TP có khoảng 36.000 nhân lực trong lĩnh vực CNTT với mức lương bình quân 810USD/tháng (Hà Nội đạt 1.000 USD/tháng, TPHCM đạt 1.066 USD/tháng). Đây là mức thu nhập khá so với điều kiện môi trường sống tại Đà Nẵng, đồng thời đây cũng là nguồn nhân lực chất lượng cao. Với xu hướng cách mạng 4.0 và nền kinh tế số thì dư địa phát triển lĩnh vực CNTT rất lớn. Đặc biệt, Đà Nẵng đang đầu tư mạnh xây dựng hạ tầng CNTT, mỗi năm TP có thể đào tạo khoảng 3.500 nhân lực trong lĩnh vực này, như vậy triển vọng ngành công nghiệp CNTT sẽ là một trụ cột kinh tế trong tương lai.

Khu vực phía Nam đang được xây dựng thành Cụm đổi mới sáng tạo của TP. 

Trong 5 năm qua, tăng trưởng doanh thu công nghiệp CNTT của Đà Nẵng trung bình 20%/năm. Hiện ngành công nghiệp CNTT đóng góp khoảng 7,7% GRDP của TP. Nếu so sánh thu hút đầu tư về công nghiệp nói chung Đà Nẵng yếu thế hơn so với các địa phương trong vùng, tuy nhiên riêng về công nghiệp CNTT thì Đà Nẵng lợi thế hơn hẳn. Bởi lẽ TP có nền tảng hạ tầng để phát triển công nghiệp CNTT được đầu tư từ sớm (kể cả đào tạo nhân lực CNTT). Cũng từ hạ tầng được đầu tư sớm, đón đầu xu hướng nên nền tảng công nghiệp CNTT của TP hiện khá vững, tạo đà phát triển bứt phá trong thời gian tới. Đơn cử, hàng chục năm trước TP đã đầu tư xây dựng CVPM rộng 2,4 ha nên giờ đã lấp đầy với 75 DN, thu hút 2.200 lao động, hiệu suất sử dụng đất đạt 450 tỷ đồng/ha/năm. Cũng từ đây, nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực CNTT đã đầu tư vào Đà Nẵng. Nổi bật như FPT đã xây dựng Khu FPT Complex rộng 5,9 ha tại Ngũ Hành Sơn thu hút hơn 3.400 lao động. Tổng thể, dự án Khu đô thị công nghệ - Giáo dục FPT rộng 181 ha, trong đó sẽ thành lập Khu CNTT tập trung, Phân hiệu Đại học FPT, triển khai dự án Trung tâm dữ liệu (data Center) và các dự án đầu tư hệ thống trường học liên cấp.

Từ thực tế nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực CNTT tăng cao, Đà Nẵng đang phát triển thêm nhiều dự án hạ tầng công nghiệp CNTT mới. Song song với đó, nhiều nhà đầu tư cũng cam kết xây dựng các dự án lớn về CNTT ở Đà Nẵng. Nổi bật như Khu CNTT tập trung Đà Nẵng (giai đoạn 1) rộng 131 ha tại Hòa Vang đã khánh thành, đang thu hút đầu tư. Giai đoạn 2 của dự án nâng tổng diện tích lên 341 ha, tổng vốn 121 triệu USD cũng đang triển khai tích cực. Với việc đầu tư bài bản, đầy đủ các phân khu chức năng, mục tiêu của Khu CNTT tập trung này hướng đến trở thành một trong những cộng đồng phát triển CNTT tốt nhất châu Á theo mô hình thung lũng silicon của Hoa Kỳ, doanh thu mỗi năm 1,5 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 25.000 lao động chất lượng cao. Tương tự, đầu tháng 10-2020 vừa qua, Đà Nẵng cũng đã khởi công xây dựng giai đoạn 1 Khu CVPM số 2 có tổng vốn gần 800 tỷ đồng trên diện tích 28.500 m2 tại Q.Hải Châu. Dự án gồm 2 khối nhà cao 8 tầng và 20 tầng, hệ thống giao thông, cảnh quan đi kèm, dự kiến sẽ đáp ứng việc làm cho khoảng 6.000 nhân lực.

Mô hình Khu CVPM số 2 Đà Nẵng mới khởi công xây dựng. 

Theo quy hoạch, TP sẽ hình thành Cụm đổi mới sáng tạo phía Nam gắn với Khu đô thị đại học, Trung tâm Đổi mới sáng tạo, Công viên phần mềm diện tích khoảng 1.710 ha. Ngay trong những năm 2021-2022, Đà Nẵng sẽ khởi công và từng bước đưa vào hoạt động hàng loạt dự án mới. Chẳng hạn như Tổ hợp Không gian sáng tạo CMC (dự kiến tổng mức đầu tư 12.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động giai đoạn 1 và 10.000 lao động giai đoạn 2). Dự án này sẽ có các phân khu chức năng như: khu nghiên cứu và phát triển; khu sản xuất phần mềm, công nghệ thông tin; trạm trung chuyển Internet; trung tâm dữ liệu…Tại phía Bắc của TP, dự án Khu CNTT Đà Nẵng Bay trên đường Nguyễn Sinh Sắc rộng 35.000 m2, tổng vốn đầu tư từ 700-1.000 tỷ đồng cũng được VNPT triển khai. Hiện VNPT đang thương thảo hợp đồng với nhà thầu tư vấn lập phương án tổng thể Khu CNTT Đà Nẵng Bay, dự kiến sẽ phê duyệt phương án tổng thể trong tháng 11-2020. Dự án Trung tâm phần mềm và CNC Viettel Đà Nẵng tại khu công viên Bắc Tượng Đài Q.Hải Châu tổng vốn 2.000 tỷ đồng diện tích 11.000 m2 hiện nhà đầu tư đang chờ Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP được phê duyệt để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Có thể nói, với việc chuẩn bị tốt nền tảng hạ tầng CNTT (cả phần cứng và phần mềm), Đà Nẵng đang và sẽ thu hút được nhiều dự án lớn trong ngành công nghiệp CNTT, góp phần tạo đột phá cho công nghiệp TP. Mục tiêu trong vài năm tới, lĩnh vực CNTT sẽ đóng góp khoảng 10% GRDP của TP là hoàn toàn khả thi.

HẢI QUỲNH