Đà Nẵng dự kiến nới lỏng giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 5-9

Thứ ba, 01/09/2020 09:01

Chiều 31-8, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng; Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì buổi giao ban trực tuyến với các đơn vị, địa phương trong công tác phòng chống dịch thời gian đến. Dự có Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh. 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng và Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đồng chủ trì buổi giao ban.

Dự kiến 2 cấp độ thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội

Tại buổi giao ban, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND TP Đà Nẵng đã trình dự thảo phương án thực hiện theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ dự kiến bắt đầu từ 0 giờ ngày 5-9 trên địa bàn TP với 2 cấp độ để lấy ý kiến của các cấp ngành, địa phương. Theo đó, cấp độ 1: tiếp tục tạm dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện, đám hiếu, đám hỉ… tập trung quá 20 người trở lên tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết; hoạt động của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu tại các khu, điểm vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, massage, karaoke, quán bar, vũ trường, rạp phim, casino, phòng tập gym, tập yoga; hoạt động dạy và học trực tiếp tại các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo ngoại ngữ, tin học, năng khiếu, kỹ năng sống, các trung tâm tư vấn du học, các cơ sở dạy thêm, học thêm. Cấp độ 2: ngoài việc tạm dừng những hoạt động như cấp độ 1 thì tạm dừng thêm hoạt động ăn uống tại chỗ tại các nhà hàng, quán ăn; hoạt động dịch vụ du lịch, lữ hành, lưu trú tại các khách sạn, nhà khách, cơ sở kinh doanh nhà nghỉ, các công ty lữ hành.

Theo Bs.Ck 2 Ngô Thị Kim Yến – Giám đốc Sở Y tế TP, để đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch, TP cần thiết tiếp tục tạm dừng hoạt động ăn uống tại chỗ, chỉ cho bán mang đi; đồng thời cho phép các khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú hoạt động trở lại nhưng chỉ đảm bảo công suất buồng phòng là 50% và chỉ phục vụ ăn uống trong phòng... Nhiều đơn vị, địa phương cũng đồng quan điểm với Bs Yến nhưng yêu cầu TP cần tạm dừng thêm các môn thể thao có tiếp xúc trực tiếp như bóng đá, đấu vật; cơ sở Internet, bi-a; hoạt động lữ hành, xe tour cũng như xem xét việc chưa cho người dân đi tắm biển trở lại vì địa điểm này rất khó thực hiện giãn cách xã hội theo quy định…

 Ngành y tế đẩy mạnh lẫy mẫu xét nghiệm đại diện hộ gia đình để đánh giá cụ thể mức độ tại cộng đồng.

Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết, từ ngày 7 đến 13-9, các em học sinh sẽ được học trực tuyến qua mạng, riêng những học sinh không có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin, nhà trường sẽ in nội dung các bài học rồi thông báo phụ huynh đến nhận về cho các em ôn tập. Nếu tình hình dịch bệnh ổn định, đến ngày 20-9, các em học sinh sẽ đến đường để học trực tiếp. Tuy nhiên, nếu tình hình vẫn chưa ổn định thì tiếp tục cho các em học trực tiếp thêm 1 tuần nữa và tùy theo tình hình tiếp theo sẽ có phương án cụ thể. “Khi tình hình chưa thật sự ổn định mà để các em đi học thì không thể yên tâm và cũng lo lắng”, bà Thuận nói.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, Sở GD-ĐT TP cần phải chuẩn bị kỹ kịch bản nếu sau ngày 20-9, các em học sinh đi học. Theo đó, khi đến trường lớp phải đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn và thực hiện giãn cách theo quy định.

Dự kiến 0 giờ ngày 5-9, Đà Nẵng sẽ nới lỏng giãn cách xã hội nhưng vẫn tạm dừng hoạt động của các quán bar, vũ trường.

4 ngày tới là khoảng thời gian rất quan trọng

Ông Nguyễn Văn Quảng thống nhất dự kiến sẽ nới lỏng giãn cách xã có điều kiện với các lĩnh vực và với từng mức độ cụ thể vào ngày 5- 9. “Để việc này được thực hiện đảm bảo chất lượng, các sở ngành, địa phương phải góp ý các ý kiến cụ thể bằng văn bản gửi về Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tổng hợp, xem xét, quyết định cho phù hợp với từng lĩnh vực cụ thể. Các Sở ngành, địa phương phải xây dựng, góp ý thành các lĩnh vực chuyên ngành của mình. Cái gì thuộc chuyên ngành quản lý của mình thì bổ sung vào cho phù hợp, tránh tình trạng gặp phải khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Từ nay đến ngày 4-9, các Sở ngành phải ban hành thể thức của mình, riêng Sở Tư pháp phải tham gia góp ý vào các phương án cụ thể. Chúng ta phải quán triệt tinh thần là mở ra nhưng kèm theo các biện pháp để quản lý cho được, tạo cho người dân và doanh nghiệp có một thói quen mới; đồng thời có biện pháp xử lý về trường hợp vi phạm. Tinh thần vừa làm vừa điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế. Nếu chúng ta không có chế tài xử lý thì rất khó thực hiện. Trước khi có quyết định nới lỏng giãn cách, phải đem bản cam kết thực hiện các quy định phòng chống dịch đến từng cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp yêu cầu ký vào. Bởi đây là điều kiện để chúng ta giám sát về sau. Nếu cá nhân, doanh nghiệp nào không chấp hành, không hợp tác thì yêu cầu dừng hoạt động kinh doanh, buôn bán”, ông Quảng nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi giao ban, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng việc đi tắm biển sẽ tiếp tục nằm trong hoạt động phải tạm dừng trong thời gian đến, các cửa hàng ăn uống chỉ được bán mang về và các khách sạn, cơ sở lưu trú có thể mở cửa hoàn toàn... Vì khi đi tắm biển thì không thể đeo khẩu trang và rất khó thực hiện giãn cách trên 1m. “4 ngày tới là khoảng thời gian rất quan trọng. Đến 0 giờ ngày 5-9, có đưa ra được biện pháp nới lỏng giãn cách hay không đều là tùy thuộc vào sự cố gắng của các cấp ngành và người dân. Vì vậy, các sở ngành, địa phương và người dân phải tiếp tục nỗ lực không ngừng nghỉ để thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 trong thời gian ngắn còn lại. Sẽ không vui vẻ gì nếu những ngày cuối cùng thực hiện Chỉ thị 16 mà lại gặp những việc đáng tiếc. Bởi vì sự chủ quan của một số đơn vị, người dân chúng ta cũng đã có những ngày bấp bênh, lo sợ”, ông Huỳnh Đức Thơ nói.

Theo Chủ tịch UBND TP, những việc cần phải đẩy nhanh tiến độ để có thể kết thúc trước ngày 5-9, đó là việc tổ chức xét nghiệm để đánh giá cộng đồng, trong đó có việc xét nghiệm cho 14.000 học sinh, giáo viên và mẫu đại diện hộ gia đình. Ông Thơ nhấn mạnh: “Chúng ta phải cố gắng làm thật tốt. Nếu chúng ta hoàn thành được những việc này sẽ đánh giá cụ thể về tình trạng lây nhiễm tại cộng đồng, từ đó có thể đưa ra những biện pháp phù hợp nhất với thực tiễn tại địa phương. Ngay trong đêm nay (31-8), các địa phương phải lên kế hoạch để tiến hành thực hiện ngay ngày mai (1-9). Song song đó, ngành y tế cần chấn chỉnh các cơ sở y tế, cửa hàng bán thuốc, tránh tình trạng thực hiện không nghiêm những quy định trong phòng chống dịch, để xảy ra những sự cố đáng tiếc. Bên cạnh đó, các sở ngành phối hợp với Sở Y tế xây dựng bộ tiêu chí hoạt động theo lĩnh vực của mình. Tinh thần quan trọng nhất là giãn cách, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn…”, ông Thơ nói.

Chủ tịch UBND TP cho rằng, tinh thần cốt lõi là cơ bản thống nhất với dự thảo của Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND TP nhưng vẫn còn phải xem xét siết lại tại Chỉ thị 19. “Chúng ta nhất thiết phải nâng cấp lên thành quyết định hành chính để sau này có chế tài xử lý. Chúng ta có thêm 4 ngày nữa để góp ý vào dự thảo đã đưa ra. Các đơn vị, địa phương xem trong nội dung dự thảo này cần thêm bớt thứ gì, cần làm rõ và có hướng dẫn để triển khai cho phù hợp. Sau đó Văn phòng sẽ tổng hợp và gửi Thường trực Thành ủy và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP. Chúng ta phải cố gắng cho tương đối chuẩn, đầy đủ và sẽ bổ sung thêm trong quá trình thực hiện. Chúng ta có 3 cấp độ, thứ nhất là Chỉ thị 16, thứ 2 trong Chỉ thị 19 có Chỉ thị 16 và thứ 3 là Chỉ thị 19 hoàn toàn”, ông Thơ nói.

LÊ HÙNG

Gần 200.000 hộ gia đình chưa được lấy mẫu xét nghiệm 

Theo Bs Ngô Thị Kim Yến, qua tổng hợp, hiện nay trên địa bàn TP Đà Nẵng còn gần 200.000 hộ gia đình chưa được lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, nếu làm hết số hộ này thì nhanh nhất cũng phải mất 15 ngày với số tiền khoảng 100 tỷ đồng. Vì vậy, trước mắt, Sở Y tế xây dựng phương án lấy mẫu xét nghiệm khoảng gần 60.000 đại diện hộ gia đình (30%) để đánh giá mức độ nguy cơ ngoài cộng đồng. Và thời gian thực hiện xét nghiệm cho 30% đại diện số hộ này từ 4-5 ngày, với số tiền khoảng 30 tỷ đồng. “Các địa phương bắt tay ngay vào sàng lọc để chọn trường hợp đại diện lấy mẫu xét nghiệm cho phù hợp. Cứ bình quân 3 hộ chọn 1 hộ đại diện, trong đó ưu tiên trường hợp có nguy cơ, chưa lấy mẫu hoặc có người thân liên quan đến BV Đà Nẵng. Sở Y tế có hướng dẫn cụ thể về các tiêu chí chọn để các địa phương căn cứ vào đó thực hiện việc chọn đại diện lấy mẫu. Cố gắng làm nhanh, làm sớm đến ngày 4-9 thì kết thúc để chúng ta có thêm cơ sở thực hiện việc nới lỏng giãn cách xã hội”, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu. 

LÊ HÙNG 

---------

Thừa Thiên – Huế cho phép nhiều lĩnh vực hoạt động trở lại 

Tối 31-8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có thông báo dỡ bỏ hạn chế khu vực kiểm soát công dân về từ vùng có dịch Covid-19, cho phép hoạt động trở lại các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ. 

Theo đó, tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ dỡ bỏ kiểm soát người và phương tiện từ các tỉnh: Đắk Lắk, Quảng Ngãi vào địa phương từ 0 giờ ngày 1-9- 2020 và từ tỉnh Quảng Trị từ 0 giờ ngày 4-9-2020 (nếu không phát sinh ca nhiễm mới). Việc tiếp nhận người, phương tiện từ thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Hải Dương đến Thừa Thiên – Huế vẫn áp dụng theo quy định cũ. Đồng thời, tất cả công dân đến Thừa Thiên – Huế từ vùng có dịch phải khai báo y tế theo quy định. 

Tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng cho phép hoạt động trở lại của các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đang bị hạn chế gồm: karaoke, rạp chiếu phim, quán bar, vũ trường, massage, game online kể từ 0 giờ ngày 3- 9-2020. 

Hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế chưa phát hiện trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Tổng số người từ vùng dịch đến và trở về địa phương từ ngày 10-7 đến nay là 36.891 người, đang tổ chức cách ly y tế tập trung 1.469 trường hợp. 

H.L

---------

4 ca mắc mới Covid-19 là người nhập cảnh 

Tối 31-8, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết đã ghi nhận thêm 4 bệnh nhân Covid-19 là người nhập cảnh cách ly ngay, trong đó 2 ca tại Bà Rịa - Vũng Tàu, 1 ca tại Hà Nội và 1 ca tại Phú Thọ. Việt Nam hiện có 1.044 bệnh nhân, trong đó có 690 ca mắc Covid19 do lây nhiễm trong nước. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 57.097, trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện: 1.111, cách ly tập trung tại cơ sở khác: 16.006, cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 39.980. Tiểu ban Điều trị cũng cho biết, 8 trường hợp có tiên lượng nặng và nguy kịch, rất nặng là 5/8 trường hợp, và tiên lượng tử vong 3 trường hợp. Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 34 ca. 

L.A.T

---------

Tiến hành xét nghiệm cho lao động có nguy cơ cao

Ngày 31-8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Đà Nẵng cho biết, để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp và khu công nghệ cao, Đà Nẵng đã tiến hành xét nghiệm cho các lao động có nguy cơ cao. Tính đến ngày 29-8, Đà Nẵng có 14 doanh nghiệp thực hiện xét nghiệm SARS-COV-2, lấy mẫu cho 7.277/11.137 lao động. Hiện, có 6.465 số mẫu xét nghiệm có kết quả âm tính, các mẫu còn lại đang chờ kết quả. 

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố, nhìn chung các doanh nghiệp đã nắm vững quy trình xử lý, sau khi có ca dương tính với virus SARS-CoV-2 đã tổ chức tốt việc phân loại, phối hợp với chính quyền địa phương đưa đi cách ly và cho công nhân nghỉ để cách ly tại nhà; các công ty cũng đã thực hiện khử trùng vệ sinh nhà xưởng, khu vực lây nhiễm, để tiếp tục sản xuất. 

Đến nay tại các khu công nghệ cao và khu công nghiệp có 489 dự án đã được cấp đăng ký đầu tư. Khoảng 300 doanh nghiệp đang hoạt động bình thường với tổng số lao động khoảng 65.000 người. Có 145 doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 ở các mức độ khác nhau, trong đó có 38 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, giãn tiến độ, 22 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động do khó khăn về nguyên liệu, đầu ra sản phẩm, cho công nhân nghỉ để phòng, chống dịch. 

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng có 1.508 người lao động bị ảnh hưởng; trong đó 191 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 556 lao động tạm thời ngừng việc và 761 lao động thuộc các trường hợp khác. 

P.V