Đà Nẵng: Giảm nghèo về đích sớm 2 năm

Thứ sáu, 08/01/2016 07:28

(Cadn.com.vn) - Ngày 7-1, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị tổng kết công tác giảm nghèo từ  năm 2013 đến 2015 và tiếp tục triển khai giai đoạn 2016-2020.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng trao Bằng khen
của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho 21 tập thể và 16 cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc
trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2013-2015.

23.000 hộ thoát nghèo

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, trên cơ sở Nghị quyết số 26/2012/NQ-HĐND, UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định số 46/2012/QĐ-UBND quy định chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2013-2017 đối với khu vực nông thôn là 600.000 đồng/người/tháng trở xuống và thành thị là 800.000 đồng/người/tháng. Với chuẩn này, năm 2013, toàn TP Đà Nẵng có hơn 22 ngàn hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 9,1% hộ dân cư. Với sự nỗ lực cả hệ thống chính trị và bằng nguồn lực của toàn xã hội, TP Đà Nẵng đã triển khai có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, giúp cho hơn 23 ngàn hộ thoát nghèo, trong đó trên 1,2 ngàn hộ nghèo phát sinh. Tính đến cuối năm 2015, Đà Nẵng đã thoát hết 2 ngàn hộ có hoàn cảnh đặc biệt nghèo và số hộ nghèo theo chuẩn thành phố, về đích sớm trước 2 năm so với đề án đặt ra.

Trong 3 năm qua, nhiều mô hình và cách làm hay đã giúp hàng ngàn hộ dân thoát nghèo bền vững, từng bước vươn lên trong cuộc sống. Cụ thể, thông qua việc thành lập Tổ vay vốn do các Hội, Đoàn thể phụ trách đã giải quyết cho hơn 33 ngàn lượt hộ nghèo vay số tiền hơn 667 tỷ đồng để sản xuất tăng thu nhập, buôn bán phát triển kinh tế, xây dựng sửa chữa nhà... Bằng hình thức đào tạo nghề chính quy, các đơn vị địa phương đã tổ chức đào tạo nghề miễn phí cho hơn 5,8 ngàn lao động, giới thiệu giải quyết việc làm cho trên 9,7 ngàn lao động thuộc hộ nghèo. Ngoài ra, các mô hình vay vốn không lãi suất hoặc lãi suất thấp của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội cựu Chiến binh thông qua hình thức “Tổ góp vốn xoay vòng”, “ 5 trong 1”, “Giúp nhau lập nghiệp”, “Tạo việc làm cho phụ nữ sau học nghề”... phát huy hiệu quả tích cực.  Các chính sách, giải pháp tạo cơ hội để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, nhà ở, bảo trợ xã hội, pháp lý... cũng đã được thực hiện một cách căn bản, thiết thực.

Cần 1.464 tỷ đồng

Theo chuẩn mới vừa được HĐND TP Đà Nẵng thông qua tại Nghị quyết số 123/2015/NQ-HĐND ngày 10-12-2015, hộ nghèo tại khu vực nông thôn có mức thu nhập dưới 1,1 triệu đồng/người/tháng và thành thị là dưới 1,3 triệu đồng/ người/ tháng. Theo mức này, tính đến đầu năm 2016, toàn TP Đà Nẵng có 20.139 hộ nghèo còn sức lao động, 3.137 hộ nghèo mất sức lao động và 10.397 hộ cận nghèo. Triển khai thực hiện đề án giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, TP Đà Nẵng sẽ tập trung huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản. Đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, phấn đấu đến cuối năm 2019 xóa hết 1.960 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đến cuối năm 2020 hoàn thành mục tiêu đề án.

Để làm được việc này, TP Đà Nẵng dự kiến sẽ huy động số tiền hơn 1.464 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, vốn tín dụng trung ương, ngân sách thành phố, vốn tín dụng thành phố ủy thác sang Ngân hàng chính sách xã hội và lãi suất cấp bù, ngân sách quận, huyện và huy động  xã hội. Các mục tiêu và giải pháp cụ thể của đề án giảm nghèo thể hiện: Hằng năm phấn đấu giảm từ 500 đến 600 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giảm 20% số hộ nghèo còn sức lao động và cận nghèo. Hỗ trợ 100% hộ nghèo đang ở nhà tạm, nhà hư hỏng nặng có đất ở ổn định được xây mới nhà ở, được vay vốn với lãi suất ưu đãi nếu có nhu cầu.  100% hộ nghèo được cấp Thẻ bảo hiểm Y tế miễn phí, trẻ em được miễn giảm học phí, được hỗ trợ đào tạo nghề và ưu tiên giới thiệu việc làm phù hợp...

Phát biểu chỉ đạo về việc triển khai thực hiện đề án giảm nghèo, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh: Giai đoạn 2016-2020, các địa phương phải xem giảm nghèo là một bộ phận của  kế hoạch phát triển KT-XH, tập trung phát triển kinh tế để tạo thêm nguồn lực giúp đỡ các hộ nghèo. Phải coi trọng ý thức tự thoát nghèo của các hộ gia đình và đảm bảo hiệu quả thoát nghèo thực chất.

Nguyên Thảo