Đà Nẵng: Gỡ “nút thắt” nhân lực chất lượng cao

Thứ sáu, 10/01/2020 12:19

Nếu không tạo ra một thị trường nhân lực chất lượng cao (CLC) sôi động thì Đà Nẵng khó có đột phá trong các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn như công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ cao (CNC), logistics...

Môi trường sống hấp dẫn sẽ thu hút được nhiều nhân lực CLC giúp Đà Nẵng trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo.

“Khát” nhân lực cao

Công nghiệp CNTT  đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng với những con số phát triển ấn tượng. Năm 2019, tổng doanh thu ngành thông tin và truyền thông của Đà Nẵng cán mốc 30 ngàn tỷ đồng (tăng hơn 19%), trong đó xuất khẩu phần mềm đạt khoảng 90 triệu USD (tăng 14%). Nhiều DN phần mềm tăng trưởng ngoạn mục như Asian Tech, Rikkeisoft, FPT Software Đà Nẵng, Viettel Đà Nẵng. Đặc biệt các Cty phần mềm lớn ở Đà Nẵng đã chuyển sang cung cấp dịch vụ chất lượng cao, đưa ra các dịch vụ mới gắn với công nghệ 4.0 như phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo… thay vì gia công giá rẻ như trước. Trước sức phát triển mạnh của ngành công nghiệp CNTT, Đà Nẵng đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư hạ tầng.

Ngoài các khu Công viên phần mềm (CVPM) hiện có hay khu Công nghệ thông tin tập trung 131 ha (giai đoạn 1 ở Hòa Liên) đã xây dựng, thì sắp tới Đà Nẵng sẽ xây dựng khu CVPM số 2  rộng 5,3 ha tại P. Thanh Bình, Q. Hải Châu và khu CVPM Đà Nẵng mở rộng 3,2 ha tại P. Hòa Xuân, Q. Cẩm Lệ. Tới năm 2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu có 6 khu CVPM và khu CNTT, đóng góp vào 15% GRDP thành phố. Tuy nhiên, nhân lực CLC để đáp ứng cho lĩnh vực này lại đang là thách thức lớn với Đà Nẵng. Hiện chỉ có 12 ngàn nhân lực làm trong lĩnh vực phần mềm ở Đà Nẵng và nhiều Cty đã than phiền rất khó khăn để tìm kiếm. Theo dự báo, trong năm nay, Đà Nẵng cần 17 ngàn nhân lực và 5 năm tới cần trên 35 ngàn nhân lực, khó khăn sẽ lớn hơn rất nhiều.

Với khu CNC mặc dù vẫn đang tiếp tục triển khai hạ tầng song hiện đã thu hút 17 dự án đầu tư, nhiều dự án đã đi vào hoạt động cũng “ngốn” nguồn nhân lực CLC rất lớn. Đơn cử chỉ với dự án sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ của UAC tổng vốn 170 triệu USD đã cần trên 2.000 nhân lực, hiện Cty đã thông báo tuyển 650 nhân lực đưa đi đào tạo để chuẩn bị đưa vào hoạt động. Nhiều dự án lớn khác cũng đang xem xét hỗ trợ thủ tục đầu tư vào khu CNC, nhu cầu nhân lực CLC trong thời gian tới sẽ rất lớn.

Ngoài ra các ngành dịch vụ như y tế, du lịch, thương mại, logistics… cũng đang được đầu tư nguồn lực lớn để phát triển, trở thành các trụ cột kinh tế của TP. Chưa kể, theo Nghị quyết 43, Đà Nẵng sẽ hướng đến là trung tâm kinh tế biển, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo… nhu cầu lao động CLC càng lớn. Rõ ràng, các ngành kinh tế chủ lực của Đà Nẵng định hướng phát triển đều phù hợp xu hướng 4.0, đều đòi hỏi nguồn nhân lực có chất lượng là nòng cốt. Tuy vậy, khả năng cung ứng của TP hiện hạn chế, chưa đáp ứng đủ chứ đừng nói đến tương lai. Đà Nẵng cần làm gì để gỡ nút thắt này?

Học viên đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng nhận bằng tốt nghiệp (Ảnh minh họa).

Cạnh tranh bằng môi trường sống

Để có nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các ngành kinh tế chủ lực thì Đà Nẵng phải có thị trường lao động sôi động. Giải pháp có thể đào tạo tại chỗ hoặc tạo chính sách ưu đãi thu hút từ nơi khác về theo quy luật nước chảy chỗ trũng. Nhưng điều quan trọng nhất là phải xây dựng được môi trường sống hấp dẫn với cơ hội việc làm và thu nhập cao, an ninh an toàn, hạ tầng xã hội (giao thông, môi trường, giáo dục, y tế, tài chính, dịch vụ công) phát triển hiện đại.  Chính những thứ đó sẽ tạo sức hút để nguồn nhân lực CLC chảy về Đà Nẵng, gắn bó, níu kéo. Ngược lại nếu môi trường sống không tốt, không những không thu hút được nhân lực CLC từ nơi khác về mà chính nhân lực chất lượng đào tạo tại chỗ cũng bỏ Đà Nẵng đi tìm cơ hội mới tốt hơn. PGS.TS Bùi Quang Bình, Đại học Kinh tế Đà Nẵng cho biết, hiện cạnh tranh lao động bình thường trong các khu công nghiệp ở Đà Nẵng, Quảng Nam đã rất khó khăn, khó tuyển chứ chưa nói đến nhân lực CLC. Quy mô kinh tế chưa phải là áp đảo hoàn toàn để nhân lực CLC từ nơi khác phải về Đà Nẵng. Cũng theo ông Bình, để Đà Nẵng là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, thực ra nòng cốt chính là nguồn nhân lực CLC, những ý tưởng sáng tạo tốt. Cuối cùng, vẫn quay về môi trường sống có đủ lực hấp dẫn hay không.

Bà Cao Thị Huyền Trân, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (chưa kể các trường đại học) mỗi năm đào tạo hơn 53 ngàn nhân lực. Tuy vậy, nhiều DN vẫn thiếu lao động qua đào tạo, đặc biệt các lĩnh vực như CNTT, CNC… Bà Trân cho rằng, thời gian tới với 5 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn mà Đà Nẵng tập trung phát triển theo Nghị quyết 43 thì nhu cầu về nguồn nhân lực CLC của TP vô cùng lớn. Vì thế, bà Trân đề xuất ngay từ giờ TP cần xây dựng và phát triển Đề án nguồn nhân lực chất lượng cho các ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 43. Ngoài ra, cần giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông hiệu quả; nâng cao chất lượng dự báo nguồn nhân lực; hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo nghề với DN trong đặt hàng nhân lực.

Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, các ngành kinh tế mang giá trị cao mà Đà Nẵng đang hướng tới như CNTT, CNC, khởi nghiệp sáng tạo đều lấy trí tuệ, sự sáng tạo của đội ngũ nhân lực là then chốt để phát triển, cạnh tranh. Trong khi, đây lại đang là một điểm nghẽn, nếu không tháo gỡ kịp sẽ rất khó thu hút dòng chảy đầu tư, tạo đột phá cho tăng trưởng kinh tế TP.

HẢI QUỲNH