Đà Nẵng: Hàng chục đơn vị sự nghiệp công lập sẽ được giải thể, sáp nhập

Thứ tư, 04/10/2017 07:13

Sẽ có hàng chục đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các ngành Y tế, Văn hóa - Thể thao, Công thương tại Đà Nẵng sẽ được giải thể, sáp nhập, cổ phần hóa trong thời gian từ nay đến năm 2020. Đây là kết quả được thống nhất cao tại buổi làm việc ngày 3-10 giữa Chủ tịch UBNDTP Huỳnh Đức Thơ với  lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan xung quanh Đề án sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBNDTP quản lý.

Đề án do Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng trình bày cho thấy một thực tế là số đơn vị sự nghiệp công lập do UBND TP quản lý hiện nay rất lớn. Theo đó, ngân sách chi thường xuyên cho bộ máy hành chính, sự nghiệp cũng là con số “khổng lồ”.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Số lượng đơn vị công lập rất lớn

Theo ông Đồng, năm 1997, thành phố có 285 đơn vị sự nghiệp công lập với 9.353 người làm việc. Đến năm 2017 có 409 đơn vị sự nghiệp với 22.065 người làm việc, trong đó giáo dục chiếm 61%, cơ sở y tế 9%, văn hóa, thể thao 7,6%, lao động, bảo trợ xã hội 3%, còn lại là các lĩnh vực khác. Các đơn vị sự nghiệp chủ yếu do ngân sách đảm bảo, trong đó đảm bảo toàn bộ là 307 đơn vị, đảm bảo một phần là 68 đơn vị, tự đảm bảo toàn bộ là 21 đơn vị và 6 Ban quản lý dự án. Theo báo cáo quyết toán tài chính ngân sách năm 2016 (ngày 14-9-2017), chi thường xuyên cho các đơn vị này là 6.133 tỷ đồng, chiếm gần 56% tổng chi ngân sách (10.993 tỷ đồng). Chi tiền lương cho bộ máy hành chính, sự nghiệp khoảng 2.500 tỷ, chiếm 41% chi thường xuyên, trong đó khối sự nghiệp chiếm đến 80%.

Thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tăng cường xã hội hóa, cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập, đổi mới tổ chức và hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập, ông Đồng cho biết Sở Nội vụ đã xây dựng dự thảo Đề án, làm việc, lấy ý kiến và được các sở, ban, ngành liên quan thống nhất cao. Cụ thể, đối với các đơn vị sự nghiệp y tế, thống nhất sáp nhập 6 đơn vị thuộc khối dự phòng và y tế cộng đồng để thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) gồm Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Truyền thông và giáo dục sức khỏe, Trung tâm Đào tạo cán bộ y tế từ nay đến năm 2020. 

Đối với các đơn vị sự nghiệp văn hóa, thống nhất sắp xếp 6 đơn vị, gồm: Sáp nhập Trung tâm tổ chức sự kiện và lễ hội thành phố, Trung tâm Phát hành phim chiếu bóng vào Trung tâm Văn hóa thành phố trong năm 2017 và 2018; sáp nhập Trung tâm quản lý di sản văn hóa vào Bảo tàng Đà Nẵng vào năm 2020; sáp nhập Trung tâm thể dục thể thao người lớn tuổi vào năm 2017, Cung thể thao Tiên Sơn vào Trung tâm thể dục thể thao vào năm 2019 đổi tên thành Trung tâm Tổ chức thi đấu thể dục thể thao. Đồng thời giải thể Trung tâm quản lý quảng cáo, bố trí chỉ tiêu và điều chuyển một số nhân lực có trình độ ở Trung tâm này về Trung tâm Văn hóa nhằm hỗ trợ Sở trong thời gian đầu và giải quyết chính sách tinh giản cho các đối tượng dôi dư.

Đối với các đơn vị sự nghiệp ngành Công thương, hợp nhất Trung tâm Xúc tiến thương mại và Trung tâm Khuyến công thành Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, đồng thời tách Trung tâm Hội chợ triển lãm từ Công ty quản lý các chợ về đơn vị này quản lý cho phù hợp chức năng, nhiệm vụ, lộ trình thực hiện trong năm 2018. 

* Theo Đề án của Sở Nội vụ, định mức tỷ lệ giữa bộ máy và người làm lãnh đạo, quản lý với người làm chuyên môn và hỗ trợ, phục vụ được quy định như sau: 

Bộ máy và nhân lực làm gián tiếp, hỗ trợ phục vụ chiếm tỷ lệ không quá 1/3. Bộ máy và nhân lực làm chuyên môn, lao động dịch vụ chiếm tỷ lệ ít nhất 2/3 trong đơn vị, đơn vị dưới 20 người thì có không quá 2 phòng, dưới 30 người thì thành lập không quá 3 phòng, từ 30 người đến dưới 150 người thì được thành lập không quá 2 phòng gián tiếp, trên 150 người thì thành lập theo tỷ lệ 1/3-2/3 như trên. 

Về cấp phó, đơn vị dưới 30 người chỉ 1 cấp phó; từ 30 người đến dưới 150 người 2 cấp phó. Đơn vị y tế điều trị có từ 150 người trở lên có không quá 3 cấp phó; sự nghiệp khác có từ 150 người trở lên và có phạm vi hoạt động trải rộng ở nhiều địa bàn hoặc có tính chất phức tạp thì Chủ tịch UBND thành phố xem xét từng trường hợp cụ thể để thực hiện không quá 3 cấp phó.

D.H

Đã đến lúc phải cải cách

Cho rằng lâu nay, vấn đề tinh gọn bộ máy, giảm biên chế... đã được nói nhiều, bàn nhiều nhưng thực tế cho thấy chưa có chuyển biến. Vì vậy, theo Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, Đề án do Sở Nội vụ và các sở, ngành có liên quan thống nhất đưa ra lần này là rất mạnh dạn, có luận cứ khoa học. “Trước sau gì cũng phải đối diện sự thật là bộ máy hành chính hiện tại rất cồng kềnh, phân tán, chia nhỏ. Người làm thì ít mà đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo to quá, nhiều quá, nhìn vào tỷ lệ là không thể chấp nhận được. Trụ sở thì nhiều, cán bộ lãnh đạo nhiều, trong khi nhân viên và người làm trực tiếp thì ít; lương hướng nhiều nhưng công việc không trôi chảy bao nhiêu... Rồi chưa kể, có những lĩnh vực, công việc tương tự giống nhau cũng chia năm, chia bảy ra. Đó là sự thật”, ông Huỳnh Đức Thơ nói.

Theo ông Thơ, vấn đề là có quyết tâm làm hay không, còn không thì tình trạng trên sẽ cứ kéo dài thôi. “Chẳng có nước nào mà bộ máy sự nghiệp lại nhiều như ở ta. Ở các nước, một người chỉ huy năm bảy chục người, còn mình năm bảy người cũng thành lập một đơn vị, cũng 1 giám đốc, 2 phó giám đốc, 2 trưởng phòng”, ông Thơ nêu thực tế. Đồng thời đưa ra ví dụ, tại Trung tâm giới thiệu việc làm Khu công nghiệp Đà Nẵng, “chỉ có mấy người thôi mà nhìn vào toàn thấy quan, không thấy lính”. “Đã đến lúc chúng ta đối diện sự thật là phải cải cách, còn cải cách tới đâu, có làm được hết những gì nêu trong Đề án hay không, lộ trình ra sao, giải quyết vấn đề hậu quả như thế nào... thì đó là công việc cần phải bàn nhiều”, ông Huỳnh Đức Thơ khẳng định.

Ông Thơ cũng cho rằng, tất nhiên vấn đề không đơn giản là làm được liền. Bởi đụng đến con người, nhất là vấn đề tinh giản, thu gọn bộ máy là rất phức tạp. “Không ai thích đổi mới theo hướng xóa sổ mình, hay hạ mình xuống một bậc cả. Đó là cái khó. Nhưng thấy khó mà mình chùn bước, không dám làm thì càng không được. Nếu cứ nghĩ theo kiểu để yên rứa chứ mắc chi đụng vô, xới lên làm gì cho rách việc, rồi đơn thư kiện tụng, rồi xin xỏ, cầu cứu đủ thứ... Nếu ngại thế thì không làm được”, ông Thơ quả quyết.

Đánh giá tinh thần của Đề án là mạnh mẽ, bứt phá nhằm mục đích sắp xếp lại bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập. Và Đề án cũng được chính các sở, ngành, kể cả các sở, ngành chủ quản của các đơn vị này thông qua và thống nhất cao. Ông Thơ đề nghị, các sở, ngành liên quan nhanh chóng triển khai thực hiện.

D.HÙNG