Đà Nẵng hơn 4.000 doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội
(Cadn.com.vn) - Theo BHXH Đà Nẵng tính đến nay, trên địa bàn TP Đà Nẵng có 4.059 doanh nghiệp (DN) nợ BHXH, BHYT, BHTN (DN nợ dưới 1 tháng, DN nợ từ 1 tháng trở lên) với số tiền gần 300 tỷ đồng (bao gồm tiền lãi chậm đóng). Trong đó, có 626 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN trên 6 tháng với số tiền là trên 105 tỷ đồng. Hàng loạt DN “đội sổ” nhiều tháng mà BHXH vừa công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Cty Cơ khí ô-tô và Thiết bị điện Đà Nẵng, nợ 50 tháng với số tiền gần 7,7 tỷ đồng; Cty CP Cơ khí - Lắp máy Sông Đà - Chi nhánh 5, nợ 20,4 tháng với số tiền gần 7,4 tỷ đồng; Công ty CP Lilama 7, nợ 7,1 tháng số tiền 7,15 tỷ đồng; Cty CP ĐTXD&TM Vinawaco 25, nợ 63,9 tháng tương đương số tiền gần 4,9 tỷ đồng; Chi nhánh Trung tâm điện thoại di động C.D.M.A tại Đà Nẵng, nợ 52 tháng ứng với số tiền hơn 4,5 tỷ đồng; Chi nhánh Cty CP Dây cáp điện Tân Cường Thành, nợ 67,7 tháng với số tiền hơn 4 tỷ đồng; Cty TNHH vàng Phước Sơn, nợ 17 tháng với gần 4 tỷ đồng; Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu, nợ 57 tháng ứng với số tiền hơn 3,8 tỷ đồng; Cty CP Xây dựng Công trình Giao thông Đà Nẵng, nợ 43,1 tháng với số tiền gần 2,9 tỷ đồng; Cty CP xây dựng cầu đường 19, nợ 58 tháng (2,7 tỷ đồng)...
Trong những DN “đội sổ” nợ BHXH thì phần lớn là DN thuộc ngành xây dựng và cơ khí, khai thác vàng. Đây là những DN sử dụng nhiều lao động nên số tiền nợ lên đến hàng tỷ đồng. Lý giải vì sao các DN xây dựng thường “chây ì” nợ BHXH, ông Trần Đình Hải, Trưởng Khai thác và Thu nợ BHXH Đà Nẵng cho rằng, các DN xây dựng, lắp máy sau khi hoàn thành dự án hoặc một phần dự án, chủ đầu tư vẫn còn nợ tiền nên dẫn đến nợ BHXH, BHYT, BHTN. Ngoài ra, có DN còn phụ thuộc hoàn toàn về tài chính tại công ty mẹ đang đóng trên địa bàn tỉnh khác, không thu hồi được công nợ từ các chủ đầu tư như: Cty CP Cơ khí Lắp máy Sông Đà-Chi nhánh 5, Chi nhánh Cty Sông Đà 11... Cũng theo ông Hải, Luật BHXH hiện nay chưa đủ chế tài mạnh để các đơn vị tuân thủ việc đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định. Bên cạnh đó, có một số DN đang rơi vào tình trạng phá sản như: Cty TNHH Vàng Phước Sơn; Cty TNHH MTV Đóng tàu Đà Nẵng, Cty CP Xây dựng Giao thông 32. Một số DN đang trong giai đoạn chuyển đổi mô hình nhưng chậm xử lý cổ phần hóa như Cty Cơ khí Ô-tô và Thiết bị điện ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Tình hình kinh tế có nhiều biến động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN dẫn đến việc nợ BHXH, BHYT, BHTN ngày càng tăng. Tuy nhiên, cũng có nhiều DN ăn nên làm ra nhưng vẫn “dây dưa”, “chây ì”, cố tình không nộp BHXH theo quy định, gây thiệt thòi cho quyền lợi người lao động. Bởi vì, khi DN không đóng BHXH, người lao động sẽ không được hưởng các chế độ, chính sách liên quan trong thời gian làm việc như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp... Đặc biệt, khi nghỉ việc họ sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, thậm chí sẽ mất cả thời gian tham gia BHXH trước đó nếu không được chốt sổ.
Ông Đinh Văn Hiệp-Giám đốc BHXH Đà Nẵng cho biết, đây là hành động coi thường pháp luật, vi phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, gây nhiều khó khăn cho việc giải quyết kịp thời các chế độ BHXH của người lao động, làm cho đời sống của người công nhân, những người làm công ăn lương vốn đã khó khăn càng thêm khốn đốn. Tình trạng nhiều DN giải thể không còn hoạt động, chuyển đi nơi khác cũng đã bỏ luôn nghĩa vụ phải đóng BHXH, hoặc khai báo không trung thực về số lao động và mức lương tại DN cũng còn diễn ra phổ biến khiến cho số nợ BHXH tăng lên hàng năm khi ngành BHXH vào thanh, kiểm tra.
“Để cương quyết thu hồi nợ BHXH đảm bảo quyền lợi cho người lao động, chúng tôi tiếp tục đối thoại với DN, đôn đốc, nhắc nhở, thuyết phục bằng nhiều hình thức, đặc biệt với đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên lập danh sách quản lý riêng, nếu đơn vị vẫn cố tình “chây ì” thì trình cấp có thẩm quyền tiến hành thanh tra đơn vị để có cơ sở xử lý nặng hơn”, ông Hiệp khẳng định.
Xuân Đương