Đà Nẵng hướng đến mục tiêu phát triển ngành công nghiệp du thuyền đẳng cấp

Thứ sáu, 04/03/2022 16:23

Chiều 3-3, Sở Công Thương TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Đề án Phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền (gọi tắt là CNDT) trên địa bàn TP dưới sự chủ trì của ông Trần Phước Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn phát biểu kết luận tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, ông Phạm Hoài Chung - Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển GTVT (Bộ GTVT) - Đơn vị lập Đề án Phát triển ngành CNDT trên địa bàn TP Đà Nẵng đã báo cáo về đề án này, trong đó, nhấn mạnh, CNDT là xu hướng của thế giới và Đà Nẵng có nhiều tiềm năng to lớn để phát triển ngành công nghiệp này. Đề án Phát triển CNDT trên địa bàn TP cho biết mục tiêu của TP giai đoạn 2022-2025 là tập trung xây dựng giai đoạn khởi động hạ tầng bến du thuyền quốc tế với dịch vụ tầm cỡ quốc tế, tạo động lực thu hút các nhà đầu tư quốc tế về đầu tư ngành CNDT, đồng thời đẩy mạnh phát triển ngành CNDT, phấn đấu nâng mức đóng góp vào GRDP toàn TP đạt khoảng 1%; giai đoạn 2026-2030 về cơ bản hoàn thiện đầu tư hạ tầng bến du thuyền quốc tế và nội địa, tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành CNDT với mức đóng góp vào GRDP toàn TP đạt từ 4,5 - 5%; sau năm 2030 và tầm nhìn 2045 sẽ phát triển ngành CNDT trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế của TP.

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đề xuất triển khai đầu tư nhà máy đóng mới kết hợp sửa chữa du thuyền tại cảng Liên Chiểu với diện tích 20ha với công suất sản xuất 100 du thuyền/năm; hình thành mạng lưới các nhà máy tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng, KCN Liên Chiểu, KCN Hòa Khánh, KCN Hòa Ninh, v.v… để sản xuất các trang thiết bị nội thất linh kiện cung cấp cho du thuyền; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ ngành CNDT như cảng du thuyền quốc tế tại cảng Tiên Sa, các bến du thuyền, khu neo đậu du thuyền khác; đồng thời khuyến khích phát triển các ngành nghề dịch vụ vệ sinh như: dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại, dịch vụ vận tải, dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng du thuyền, dịch vụ hoa tiêu và đảm bảo an toàn hàng hải… Trong đó, ưu tiên triển khai các công trình như: nhà máy đóng du thuyền, cảng du thuyền quốc tế Tiên Sa, bến du thuyền quốc tế Sông Hàn, bến du thuyền quốc tế Đa Phước, bến du thuyền quốc tế tại chân cầu Thuận Phước thuộc địa bàn Q.Sơn Trà, v.v…

Tổng nhu cầu sử dụng đất cho phát triển ngành CNDT của TP gần 74ha, trong đó, đất dành cho CNDT gần 62 ha và đất dành cho dịch vụ vệ tinh là gần 12ha. Tổng kinh phí thực hiện Đề án này ước tính là 6.850 tỷ đồng, trong đó, kinh phí thực hiện giai đoạn 2022-2025 là 1.240 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 1.050 tỷ đồng, giai đoạn sau 2030 và tầm nhìn 2045 là 4.560 tỷ đồng. Đề án cũng đánh giá sơ bộ hiệu quả như: doanh thu ngành CNDT giai đoạn 2022-2025 đạt bình quân khoảng 400 tỷ đồng/năm, giai đoạn 2026-2030 đạt khoảng 1.000 tỷ đồng/năm, giai đoạn sau 2030 và tầm nhìn 2045 đạt khoảng 4.000 tỷ đồng/năm; doanh thu từ các dịch vụ bến du thuyền giai đoạn 2022-2025 đạt 1.000 tỷ đồng/năm, giai đoạn 2026-2030 đạt khoảng 8.000 tỷ đồng/năm, giai đoạn sau 2030 và tầm nhìn 2045 đạt khoảng 15.000 tỷ đồng/năm.

Du thuyền nước ngoài cập Cảng Tiên Sa (TP Đà Nẵng).

Tham gia góp ý cho đề án nói trên, tiến sỹ Nguyễn Đình Tạo (Đại học GTVT) cho rằng cần xây dựng lộ trình cụ thể hơn nữa cho việc thực hiện đề án này nói chung, các công trình hạ tầng phục vụ ngành CNDT của TP nói riêng; cần bổ sung vào Đề án nội dung đầu tư các dự án bất động sản nghỉ dưỡng kết hợp với phát triển du thuyền. Theo tiến sỹ Nguyễn Công Bằng, Phó vụ trưởng Vụ GTVT (Bộ GTVT), Đề án cần phải xác định rõ nội dung xây dựng Đà Nẵng thành nơi phát triển ngành CNDT tầm cỡ khu vực để thu hút đầu tư nước ngoài vào tham gia đầu tư cũng như thu hút được các sự kiện du lịch, thương mại, văn hóa, các cuộc đua thuyền buồm, đua du thuyền, v.v… tầm cỡ quốc tế tổ chức tại Đà Nẵng.

Với ông Nguyễn Đức Thuận, Tổng Giám đốc Vietyacht là đơn vị phân phối du thuyền tại Việt Nam thì cho đến nay, khu vực châu Á chưa có bất cứ nhà máy đóng du thuyền nào. Hiện một tập đoàn đóng du thuyền tầm cỡ thế giới ở Ban Lan đang muốn đầu tư một nhà máy ở Châu Á để sản xuất du thuyền cung cấp cho thị trường này. Do vậy, TP Đà Nẵng nên khẩn trương triển khai phát triển ngành CNDT để nắm bắt cơ hội này. Ông Tô Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, đề nghị bên cạnh việc truyền thông trong nước, TP cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh TP Đà Nẵng nói chung, ngành CNDT TP nói riêng trên các kênh thông tin đại chúng quốc tế để xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành CNDT của TP; cần đầu tư thêm nhiều trung tâm du lịch, trung tâm thương mại, khu mua sắm, khu phi thuế quan, v.v… để góp phần thu hút đầu tư phát triển ngành CNDT của TP. Theo ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Ban Đô thị HĐND TP, Đề án cần tạo điểm nhấn trong việc phát triển ngành CNDT của TP là xây dựng Đà Nẵng thành "TP Du thuyền", hình thành các khu đô thị du thuyền…

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Phước Sơn nhấn mạnh việc phát triển ngành CNDT nhằm góp phần hiện thực hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 trở thành một trong những trung tâm KT-XH lớn của cả nước và Đông Nam Á, trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế, TP biển và đô thị biển quốc tế…; đồng thời cho biết đây là ngành công nghiệp mới đang phát triển trên thế giới và tạo ra giá trị thặng dư cao, TP Đà Nẵng phát triển ngành CNDT là ngành CNDT đẳng cấp. Ngành này phát triển sẽ tạo cú hích, động lực thúc đẩy phát triển KT-XH của TP.

Ông Trần Phước Sơn đánh giá các ý kiến đóng góp tại hội thảo này rất bổ ích và đề nghị lãnh đạo Sở Công Thương TP cùng đơn vị tư vấn lập Đề án ghi nhận, tổng hợp lại để bổ sung vào đề án này. Đồng thời mong muốn trong thời gian đến, các sở, ban, ngành, viện, trường và các chuyên gia, nhà chuyên môn tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu thêm để tiếp tục đóng góp cho Đề án Phát triển CNDT của TP. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Phước Sơn cũng cho biết, TP sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều hội thảo tham vấn, đặc biệt là lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà chuyên môn đến từ nước ngoài để bổ sung, hoàn thiện Đề án để có tính khả thi cao trình lãnh đạo TP xem xét, phê duyệt và sớm triển khai thực hiện.

PHÚ NAM