Đà Nẵng hướng ra biển lớn (3)

Thứ bảy, 10/01/2015 11:08

Bài cuối: Bao giờ hội nhập kinh tế biển?

(Cadn.com.vn) - Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang thôi thúc nhu cầu bức bách công cuộc phát triển kinh tế biển với quy mô lớn, hiện đại. Đà Nẵng rất cần có một chiến lược “đường phía trước” với các mục tiêu trung và dài hạn để phát triển, làm giàu dựa trên tài nguyên biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Đà Nẵng có những “đột phá” được đánh giá hơn hẳn các địa phương khác trong cả nước. Vì thế chỉ trong thời gian ngắn, số lượng tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn tăng khá nhanh.  

Tầm nhìn dài hạn

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - định hướng chiến lược kinh tế biển nước ta cần tập trung ở cả 3 lĩnh vực: Khai thác trên đất liền (các cảng biển, bãi biển, thành phố biển, khu kinh tế ven biển), khai thác trên biển (mặt biển, dưới biển và bầu trời trên biển) và hậu cần nghề cá (các ngành phục vụ phát triển kinh tế biển, phát triển khoa học – công nghệ biển, nguồn nhân lực cho kinh tế biển). Tuy nhiên, vùng duyên hải miền Trung đã chọn du lịch đẳng cấp cao làm trục chính của cơ cấu kinh tế trong tương lai.

Trong đó, Đà Nẵng phải làm tốt lĩnh vực dịch vụ với vai trò là ngành mũi nhọn, có tính chất định hướng và dẫn dắt toàn bộ nền kinh tế thành phố, góp phần quyết định để đưa Đà Nẵng trở thành đô thị có đẳng cấp quốc tế. Các dịch vụ đẳng cấp cao lấy biển làm chỗ dựa phải có mối quan hệ cộng sinh, du lịch biển phát triển bền vững kết hợp với ẩm thực biển có thương hiệu và chất lượng cao. Và như vậy ngành thủy sản và ngành du lịch không thể tách rời quan hệ hữu cơ này.

Cũng trên quan điểm đó, TS Trần Du Lịch đã nhận định Đà Nẵng cần đưa 3 nhóm ngành kinh tế chính: Ngư nghiệp (đánh bắt và chế biến hải sản), Du lịch biển đảo (gắn với du lịch văn hóa, lịch sử) và khu kinh tế ven biển  (gắn với ưu thế về cảng biển) thành những chương trình quốc gia để phát triển với lộ trình cụ thể từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Biển đã và sẽ tạo ra vị thế phát triển cho TP Đà Nẵng thông qua các lĩnh vực khai thác thủy sản, du lịch, công nghiệp cơ khí và chế biến, vận tải biển và đặc biệt là nhiệm vụ quốc phòng an ninh vùng biển.

Quá trình phát triển kinh tế thành phố đang từng bước chuyển dịch và giải pháp quy hoạch có lẽ cần được đưa lên hàng đầu. Rất nhiều ý kiến dư luận quan tâm về sự chồng lấn và mâu thuẫn trong quỹ đất dành cho phát triển du lịch và dịch vụ hậu cần nghề cá của Đà Nẵng. Đơn cử là Âu thuyền Thọ Quang hiện nay đã quá tải khi mùa bão đến với sức chứa nhiều nhất chỉ 1.500 tàu thuyền.

Một góc độ khác, tác động từ việc quy hoạch KCN Thủy sản Thọ Quang gây ra nhiều tranh cãi giữa doanh nghiệp đang đầu tư ở đây. Ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH TM tổng hợp Phước Tiến cho rằng: Thành phố cần nghiên cứu đánh giá những tác động môi trường của cảng cá và KCN Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang một cách kỹ lưỡng hơn trong điều kiện Đà Nẵng là thành phố môi trường. Vịnh Thọ Quang lại nằm trên con đường du lịch huyết mạch để có quyết định điều chỉnh quy hoạch kịp thời với tầm nhìn dài hạn tránh tạo ra những nguy cơ tiềm tàng, xung đột lớn và dai dẳng trong tương lai.

Nguồn lực đánh bắt của Đà Nẵng đã phải phụ thuộc từ 25-30% lao động từ các địa phương khác.

Không thể chần chừ

Với hạ tầng kỹ thuật hậu cần nghề cá gồm KCN dịch vụ thủy sản Thọ Quang, Khu tránh trú bão Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang có diện tích mặt nước là 58ha, sức chứa 800-1.000 tàu; diện tích trên bờ 24ha cùng các cơ sở dịch vụ hậu cần như chợ đầu mối thủy sản, 20 doanh nghiệp chế biến, 7 cơ sở đóng sửa tàu thuyền... như hiện nay, Đà Nẵng chưa thể là 1 trong 5 trung tâm nghề cá của cả nước.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước đề xuất giải pháp, thành phố sớm có cơ chế chính sách thu hút đầu tư kho lạnh hậu cần tại cảng cá để đảm bảo bảo quản sản vật sau thu hoạch. Có như vậy ngư dân mới tiếp cận được với các đơn vị thu mua có hợp đồng với giá ổn định, tránh kiểu làm ăn manh mún “lúc được lúc mất” như lâu nay.

Và theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đây cũng là giải pháp để ngành thủy sản Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa... không phải rơi vào tình trạng “chảy máu” nguyên liệu phục vụ sản xuất cho doanh nghiệp vì việc thu mua  nguyên liệu đánh bắt ngay trên biển của đại diện thương nhân Trung Quốc.

Một trong những hạn chế lớn nhất khi ngành ngư nghiệp của thành phố phải đối mặt được ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nhìn nhận “đó là nguồn nhân lực ngư nghiệp. Những ngư dân theo nghề hàng chục năm hầu như là thế hệ lớn tuổi, ít có điều kiện học hành tới nơi tới chốn. Còn con em của họ có trình độ cao thì mấy ai theo nghề đi biển đâu. Điều này đã tác động lớn đến sự phát triển của ngành ngư nghiệp. Có thể nói, trình độ học vấn là trở lực lớn cho việc tiếp thu công nghệ hiện đại trong đánh bắt, không thể phủ nhận xưa nay các ngư dân của chúng ta ra biển theo cách “đánh mù”, nên chưa đầu tư trang thiết bị hiện đại so với các quốc gia phát triển khác”.

Chúng ta thừa nhận rằng Đà Nẵng đã có nhiều bàn thảo xung quanh những nút thắt cần tháo gỡ, làm thế nào để dung hòa những xung đột hiện nay trong phát triển các lĩnh vực kinh tế biển. Thành phố cũng lắng nghe ý kiến của rất nhiều chuyên gia, nhưng dường như vẫn thiếu các giải pháp đồng bộ và còn loay hoay về nguồn vốn đầu tư.

“Thời gian tới, thành phố sẽ  tập trung ưu tiên đầu tư hoàn thiện các chương trình, dự án để xây dựng TP Đà Nẵng trở thành Trung tâm nghề cá của khu vực; chú trọng tổ chức lại sản xuất trên biển theo hướng gắn kết với khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá theo mô hình nghiệp đoàn”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết - người có nhiều năm quan tâm theo dõi lĩnh vực này đề cập.

Bài, ảnh: Phương Duyên