Đà Nẵng hướng ra biển lớn

Thứ năm, 08/01/2015 11:37

Bài 1: Mạnh dạn vươn khơi

(Cadn.com.vn) - Nghị Quyết 33 và Kết luận 75 của Bộ Chính trị đã khẳng định cần phát triển Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển gắn với bảo vệ an ninh và chủ quyền biển đảo. Trên tinh thần đó Đà Nẵng cũng đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ kinh tế biển...

Tuy nhiên tiềm năng biển của Đà Nẵng vẫn chưa được khai thác tương xứng và sự phát triển ồ ạt của các khu kinh tế biển trong cả nước đã hạn chế sự cạnh tranh, cơ chế đầu tư và vai trò kinh tế biển của Đà Nẵng. Những hạn chế đó là gì? Đà Nẵng cần có sự thay đổi tư duy phát triển kinh tế biển và những giải pháp cụ thể để trở thành trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước?

Mở rộng năng lực cảng Đà Nẵng làm “vệ tinh” phục vụ cho an ninh quốc phòng và kinh tế biển. 

Chưa khai thác thế mạnh

Đà Nẵng là địa phương có vùng lãnh hải lớn, ngư trường rộng, trong đó có nhiều hải sản phong phú, ước tính trữ lượng khoảng hơn 1,1 triệu tấn. Đà Nẵng đang có đủ điều kiện thuận lợi về tự nhiên để trở thành trung tâm nghề cá của cả nước với ngư trường trọng điểm. Hàng năm, các đội tàu khai thác thủy sản khai thác được trên dưới 40.000 tấn hải sản các loại.

* Theo Sở NN&PTNT, Đà Nẵng hiện có 1.288 chiếc tàu, tổng công suất 114.220CV, trong đó tàu có công suất 90CV trở lên là 279 chiếc, tàu từ 400CV trở lên 117 chiếc, công suất trung bình là 88 CV/chiếc. Con số này chưa thể khẳng định Đà Nẵng đủ năng lực khai thác xa bờ hiệu quả. Chúng ta đang cần những cái “cần” như: Có những nghiệp đoàn nghề cá với tàu công suất từ 400 CV trở lên; cần ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa trong đánh bắt hải sản; cần kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm khai thác từ vùng biển xa; cần có lực lượng lao động nghề cá; cần công nghệ chế biển thủy sản đi đôi với bảo vệ môi trường; cần chiến lược xúc tiến thương mại...

Mặc dù năm 2014, xảy ra biến cố lớn với ngành ngư nghiệp của Đà Nẵng với sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển nước ta nhưng theo Sở NN&PTNT, sản lượng khai thác hải sản của ngư dân Đà Nẵng vẫn không hề giảm, ước tính tổng sản lượng khai thác cho cả năm 2014 đạt 44.000 tấn (tăng khoảng 2.000 tấn so với năm 2013), vượt mức kế hoạch giao gần 9.000 tấn. 

Giá trị của kinh tế biển Đà Nẵng liên tục tăng trong những năm gần đây với tốc độ tăng bình quân cao hơn mức bình quân của cả nước. Nhưng so rộng ra thì… chưa ăn thua. Bởi bình quân 1km2  biển ở các nước phát triển thu được 100.000 USD thì ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng mới chỉ ở mức xấp xỉ hơn 20.000 USD. Đây rõ ràng là một con số lý tưởng cho ngành kinh tế thủy sản khi chúng ta mới chỉ tập trung khai thác trên bờ, gần bờ chứ chưa thể vươn ra biển lớn.

Tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế miền Trung tổ chức tại Đà Nẵng hồi tháng 8-2014, ông Vũ Ngọc Hoàng - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương - thẳng thắn chỉ ra “Không chỉ riêng Đà Nẵng mà hàng loạt các địa phương ven biển có lợi thế đấy nhưng lâu nay chưa ra biển mà mới tập trung gần bờ, chưa khai thác giá trị sản phẩm cao ở xa bờ. Không những chưa ra biển, mà nhiều việc còn quay lưng lại với biển. Đó chính là ta không khai thác thế mạnh mà lao vào cái khó”.

Hoạt động đánh bắt của ngư dân chưa phát triển tương xứng với tiềm năng “trời cho”.

Ngư dân khó dưới biển, khổ trên bờ

Dù đã được hỗ trợ từ phía Nhà nước, nhưng lâu nay phương thức đánh bắt của ngư dân vẫn dựa vào kinh nghiệm, chưa ứng dụng công nghệ mới nên đa phần phụ thuộc sự may mắn. Ông Lê Văn Chiến – Chủ tàu ĐNa 90351 (Q.Thanh Khê) thừa nhận “nhiều năm nay, hoạt động đánh bắt tuyến khơi (ý nói xa bờ - P.V) của Đà Nẵng mới chỉ đạt từ 30-40%, còn lại hơn 60% sản lượng khai thác  nằm ở tuyến lộng (gần bờ). Bởi dù có gần 1.400 tàu thuyền nhưng rất ít tàu có thể đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, nâng cấp tàu công suất lớn, đảm bảo việc ra biển dài ngày. Ngư dân năng động thiệt đó nhưng không phải ai cũng có gan đóng tàu lớn, trang thiết bị hiện đại, nhất là trong bối cảnh đầu vào không bù lại đầu ra, nguy cơ rủi ro, trắng tay là rất lớn”.

Theo bà Huỳnh Thị Như Hoa (Q.Thanh Khê, chủ tàu cá bị Trung Quốc đâm chìm hồi tháng 5) thì khó khăn mà ngư dân đang phải đối mặt là ngư trường ngày bị thu hẹp, nguồn lợi thủy sản bị cạnh tranh. Cùng với đó là những khó khăn trên bờ khi phải bán sản phẩm với giá bấp bênh do các đầu nậu làm giá, ép giá (giá thủy hải sản hiện nay đã giảm hơn một nửa so với 2 năm trước mà nguyên nhân là do các đầu nậu thâu tóm, ép giá). Biết là bị ép nhưng cũng phải làm ăn với họ vì nếu không biết bán cho ai, trong khi các công ty chế biến không mua trực tiếp.

Chính những khó khăn như thế nên dù rất yêu nghề, vì nghề truyền thống đã ăn sâu vào máu thịt song thực tế, số lượng ngư dân bỏ tàu lên bờ mưu sinh không ít. Đơn cử như tại P. Xuân Hà (Q.Thanh Khê) là địa phương có thế mạnh về nghề biển của thành phố sau 10 năm, số tàu từ hơn 130 chiếc hiện chỉ còn hơn 40 chiếc. Nhìn rộng ra, cách đây 10 năm số tàu thuyền của ngư dân toàn thành phố từ 1.800-2.000 chiếc thì nay chỉ còn 1.288 chiếc.

(còn nữa)

Bài, ảnh: Phương Duyên