Đà Nẵng khẩn trương sơ tán dân vùng xung yếu, chuẩn bị tình huống “ngập chồng ngập”
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng, Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng cho biết, thành phố đã điều động hơn 400 CBCS ứng trực tại các địa bàn trọng điểm về ngập lụt để sẵn sàng hỗ trợ nhân dân.
BCH Bộ đội Biên phòng thành phố cũng đã điều động 200 lượt CBCS hỗ trợ công tác khắc phục tại khu vực biên giới biển, các điểm sạt lở đường đèo Hải Vân.
Trong khi đó, Công an TP Đà Nẵng cũng huy động 100% quân số ứng trực, tập trung nhiệm vụ hỗ trợ di dời dân, cứu nạn cứu hộ vùng xung yếu. Đặc biệt tập trung quân số ở nhiều khu dân cư tại địa bàn Q. Liên Chiểu, ứng cứu người dân tại các khu vực ngập sâu như đường Mẹ Suốt, đường Hoàng Văn Thái.
Theo thống kê, hiện toàn thành phố có 11 vị trí ngập từ 1 m trở lên, chủ yếu thuộc khu vực P. Hòa Minh và P. Hòa Khánh Bắc của Q. Liên Chiểu. Tại H. Hòa Vang có 381 hộ bị ngập. Đến chiều 14-10, có khoảng 4.000 người dân tại các vùng xung yếu được sơ tán đến nơi an toàn.
Tại cuộc họp, ông Lê Trung Chinh đánh giá cao các quận huyện, sở ngành, các lực lượng vũ trang đã rất chủ động ứng phó với đợt mưa lớn này. Chính vì sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các cấp, các ngành, các địa phương nên bước đầu giảm thiểu được thiệt hại do mưa lũ.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố đặc biệt lưu ý đến đợt mưa thứ hai trong chiều tối nay dự kiến sẽ còn phức tạp hơn. Các quận huyện, lực lượng chức năng tiếp tục rà soát, nếu cần thiết phải có phương án sơ tán thêm các hộ dân trong vùng nguy cơ ngập. Đối với số dân đã di dời, phải đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu, không để bà con thiếu ăn, chịu rét, nhằm đảm bảo sức khỏe.
Dự báo tiềm ẩn nhiều nguy hiểm tại các vị trí nước ngập sâu, chảy xiết, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố điều lực lượng đóng tại các điểm then chốt như Khe Cạn, Mẹ Suốt, Nguyễn Nhàn trước buổi tối để chốt chặn, hỗ trợ người dân trong mọi tình huống. Trong buổi chiều nay, Sở Du lịch cũng đã huy động 50 cán bộ cứu hộ cứu nạn của Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng tăng cường cho các quận Cẩm Lệ, Thanh Khê, Hải Châu, Liên Chiểu.
Chủ tịch UBND quận huyện có nhiệm vụ điều hành tổng chỉ huy các lực lượng trên địa bàn như quân đội, công an, các đội “cứu hộ 0 đồng”. Sở Xây dựng huy động tất cả cán bộ xuống địa bàn kiểm tra, vận hành tất cả máy bơm chống ngập. Sở TN&MT chỉ đạo Cty Môi trường đô thị đưa lực lượng xuống các điểm có dấu hiệu ngập rác để nạo vét, khơi thông. Sở NN&PTNT được giao nhiệm vụ kiểm tra hồ đập, nghiêm cấm tàu thuyền người dân đi đánh bắt cá.
Để người dân có những thông tin chính thức, chính xác về tình hình mưa lũ, ông Lê Trung Chinh yêu cầu Sở TT&TT thông tin ngay tình hình, cảnh báo mưa lớn vào chiều và tối nay cho nhân dân biết. Đồng thời tuyên truyền cho người dân cùng tham gia với chính quyền khơi thông miệng cống thoát nước trước nhà mình. Cùng với đó, cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với các trường hợp thông tin giả, không chính xác khiến người dân hoang mang.
Ông Chinh cũng đề nghị các lãnh đạo UBND TP tăng cường đi cơ sở kiểm tra, nắm tình hình. Tuyệt đối không cho phép lặp lại tình trạng bị động trong ứng phó như đợt mưa lịch sử ngày 14-10-2022.
Theo dự báo, từ chiều 16-10 đến hết ngày 17-10, từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn tại Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Ngãi là cấp 2; Quảng Nam cấp 3; Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng cấp 4.
Đông A