Đà Nẵng “khát” không gian phát triển CNTT

Thứ bảy, 14/04/2018 13:51

Trong cơ cấu kinh tế Đà Nẵng, ngành công nghiệp CNTT có nhiều lợi thế, đang tăng trưởng “nóng”, hiệu quả sử dụng đất và giá trị gia tăng cao, tuy nhiên TP lại đang thiếu không gian để phát triển công nghiệp CNTT.

CVPM Đà Nẵng đã lấp đầy 100%.

Mỗi héc-ta tạo giá trị 450 tỷ đồng

Với quỹ đất ngày càng hạn hẹp, đòi hỏi kinh tế Đà Nẵng muốn có động lực phát triển mạnh cần nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Trong bối cảnh đó, đầu tư phát triển công nghiệp CNTT là hướng đi phù hợp. Ông Nguyễn Quang Thanh- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng cho biết, Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng có diện tích xây dựng hơn 23 ngàn m2, thu hút 75 doanh nghiệp (DN), 2.000 lao động, trong năm 2017 doanh thu đạt 1,1 ngàn tỷ đồng. Nếu tính hiệu quả sử dụng đất thì 1ha tạo ra giá trị 450 tỷ đồng/năm, một con số rất lớn. Tương tự, Khu CVPM FPT Đà Nẵng diện tích 33ha thuộc Khu đô thị công nghệ FPT Đà Nẵng (tổng diện tích 181ha) thu hút khoảng 2500 kỹ sư, chuyên gia, doanh thu năm 2017 đạt 880 tỷ đồng, hiệu quả sử dụng đất đạt tỷ lệ 27 tỷ đồng/ha. Nếu so sánh với nhiều lĩnh vực khác, rõ ràng hiệu quả sử dụng đất dành cho CNTT rất cao.

Theo thống kê, Đà Nẵng hiện có khoảng 700 DN đang hoạt động trong lĩnh vực CNTT, trong đó 336 DN phần mềm và nội dung số (PM&NDS). Năm 2017, doanh thu công nghiệp CNTT khoảng 14,4 ngàn tỷ đồng, trong đó doanh thu PM&NDS đạt hơn 8,5 ngàn tỷ đồng, xuất khẩu phần mềm đạt 67 triệu USD. Các DN Đà Nẵng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực gia công, xuất khẩu phần mềm, thiết kế vi mạch, xây dựng các sản phẩm phục vụ chính quyền điện tử, trò chơi trực tuyến... Toàn ngành công nghiệp CNTT Đà Nẵng hiện thu hút hơn 25 ngàn lao động, trong đó khoảng 8 ngàn lao động làm việc trong lĩnh vực PM&NDS, phần lớn là lao động có trình độ chuyên môn cao.

Nhìn nhận về thực trạng công nghiệp CNTT của TP, ông Thanh đánh giá, lĩnh vực PM&NDS có giá trị gia tăng và hàm lượng tri thức cao hơn (năng suất bình quân 14 ngàn USD/người/năm) so với lĩnh vực phần cứng, điện tử chỉ thực hiện gia công, sản xuất thô, thâm dụng lao động. Hơn nữa hiệu quả sử dụng đất trong công nghiệp CNTT cao, lĩnh vực này lại thu hút được cơ hội cho các DN nhỏ thúc đẩy môi trường khởi nghiệp. Đặc biệt, trong lĩnh vực CNTT, các DN FDI mang đến công nghệ quy trình, đào tạo bổ sung nguồn lực trong việc quản trị dự án và kỹ sư cầu nối... cho DN trong nước. Một lợi thế khác theo ông Thanh TP cần nắm bắt, đầu tư cho công nghiệp CNTT đó là TP có mạng lưới cơ sở đào tạo CNTT rộng khắp (38 cơ sở, mỗi năm cung cấp 2.000 nhân lực), đồng thời thu hút một lượng lớn lao động CNTT trẻ từ nhiều tỉnh thành khác về làm việc.

Khu CNTT tập trung Đà Nẵng đang được gấp rút xây dựng để có thể thu hút nhà đầu tư vào cuối năm 2018.

Phải gỡ nhiều “nút thắt”

Thực trạng phát triển công nghiệp CNTT Đà Nẵng đang tồn tại nhiều nút thắt cần sớm tháo gỡ như không gian phát triển CNTT, cạnh tranh nguồn nhân lực, chính sách hỗ trợ... Ông Thanh chia sẻ, hiện nay việc cạnh tranh nguồn nhân lực khá gay gắt, một số vị trí quản trị dự án, kỹ sư cầu nối đang khan hiếm, các DN FDI thu hút bằng cách đẩy lương lên cao khiến các DN trong nước có nguy cơ mất nhân lực, dẫn tới khó khăn trong xây dựng thương hiệu. Mặt khác do giá bất động sản tăng nên các dự án đầu tư vào công nghiệp CNTT chưa có cam kết mạnh mẽ, còn mang bóng dáng bất động sản. Chính điều này làm cho việc thu hút đầu tư vào CNTT còn gặp khó khăn. Ông Thanh phân tích, quy mô đầu tư một dự án CNTT lớn, thời gian khá dài, do vậy cam kết không gian phát triển CNTT của TP còn hạn chế. Bên cạnh đó, TP chưa có nhiều chính sách hỗ trợ DN CNTT trong việc tiếp cận đất đai, làm mất cơ hội đầu tư các dự án từ các tập đoàn.

“Mặc dù TP có nhiều tòa nhà nhưng không đảm bảo cho DN PM&NDS hoạt động, ví dụ như hạ tầng về điện, viễn thông, an toàn an ninh thông tin, chỗ để xe... Các tập đoàn nước ngoài khi vào lĩnh vực PM&NDS thì hạ tầng về không gian phát triển CNTT chưa đáp ứng được nên họ đầu tư sang lĩnh vực khác. Hơn nữa, trong ngắn hạn, DN CNTT chưa có đóng góp nhiều cho ngân sách TP, mặc dù doanh thu, giá trị gia tăng lớn vì còn hưởng cơ chế ưu đãi thuế. Vì chưa đóng góp cho ngân sách nhiều nên sự quan tâm của TP với DN CNTT còn hạn chế, đó cũng là lý do họ hạn chế đầu tư, mở rộng sản xuất”- ông Thanh nói.

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, hiện nay TP tập trung vào khu CNC, khu CNTT tập trung nhưng đang thiếu rất lớn các CVPM. Nhu cầu trong lĩnh vực này rất cao, nhưng phản ứng của TP vẫn chậm. Đơn cử như dịp APEC vừa qua, Tập đoàn Sembcorp (Singapore) rất mong muốn được khởi công dự án tại P.Thuận Phước dưới sự chứng kiến của thủ tướng 2 nước, nhưng do những bất cập, TP chưa đáp ứng được. Cũng theo ông Nghĩa, một vấn đề quan trọng khi xây dựng TP đáng sống là việc thu hút nguồn lao động chất lượng cao, tạo môi trường làm thuận lợi cho họ, thì phải nhắm vào các ngành sản xuất như CNTT. Rất nhiều người Đà Nẵng giỏi giang, nhưng TP chưa tạo được cơ hội làm việc cho họ, cuối cùng họ phải làm việc ở nước ngoài, ở địa phương khác. Các KCN ở Đà Nẵng hiện không tới 30% người Đà Nẵng làm việc vì thu nhập thấp, lao động giản đơn, hầu hết lao động từ nơi khác, trong khi chính con em của TP cũng đang khó khăn về việc làm. Từ thực tế đó, ông Nghĩa cho rằng, TP sẽ phải tập trung mạnh phát triển khu CNC, khu CNTT, đây là ưu tiên đầu tư trong năm 2018.

“Với sức ép tăng dân số hiện nay và nguồn tài nguyên đất của TP bây giờ vô cùng hạn hẹp, thì hiệu quả sử dụng đất của ngành công nghiệp CNTT là vấn đề rất lưu tâm. Đây là lĩnh vực hết sức quan trọng, phải trú trọng trong thời gian tới”- Ông Nghĩa kết luận.

HẢI QUỲNH