Đà Nẵng khởi động dự án Fab-Lab 1.800 tỷ đồng - Tiên phong công nghệ đóng gói vi mạch bán dẫn
Sáng 28-7, tại Khu Công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức khởi công dự án Phòng thí nghiệm phục vụ sản xuất công nghệ đóng gói tiên tiến cho vi mạch bán dẫn (Fab-Lab).
Đến dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Nguyễn Mạnh Hùng; Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Đức Long; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết; Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Quang Bửu.
Dự án Fab-Lab do VSAP LAB đầu tư, xây dựng trên diện tích 2.288m², tổng diện tích sàn hơn 5.700m², dự kiến vận hành vào quý IV-2026. Fab-Lab được thiết kế gồm hai khu chính: khu phòng Lab - nghiên cứu công nghệ đóng gói tiên tiến như Fan-out Wafer Level Packaging (FOWLP), 2.5D/3D IC, Silicon Interposer...; và khu phòng Fab - sản xuất thử nghiệm với thiết bị đạt chuẩn quốc tế như lithography (quang khắc), wafer bonding và hệ thống đo kiểm chuyên dụng. Dự kiến công suất thiết kế của Fab-Lab đạt khoảng 10 triệu sản phẩm/năm, phục vụ thị trường trong nước và quốc tế.
Theo ông Nguyễn Bảo Anh - Đồng sáng lập, Giám đốc điều hành VSAP LAB, dự án mang ý nghĩa chiến lược trong việc cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam theo Quyết định số 1018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh vai trò của đóng gói - kiểm thử như một mắt xích chiến lược, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu. Dự án là mô hình phối hợp linh hoạt giữa Nhà nước và doanh nghiệp, với phòng Lab là trung tâm thử nghiệm đổi mới sáng tạo, đặt nền móng đào tạo nhân lực chất lượng cao, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ. Bộ KHCN cam kết đồng hành cùng Đà Nẵng trong xây dựng cơ chế hỗ trợ hạ tầng nghiên cứu - thử nghiệm, kết nối các chương trình quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực đóng gói, thiết kế, kiểm thử vi mạch.
Về phía địa phương, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đà Nẵng xác định phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là ba đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Bên cạnh đó, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 136 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng là một dấu mốc quan trọng, tạo đà cho bước chuyển mình mạnh mẽ của thành phố trong kỷ nguyên mới, hướng đến trở thành khu vực kinh tế đặc thù hiện đại, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước.
Trên cơ sở đó, thành phố đã xác định một trong ba nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2025–2030 là: “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phục vụ kiến tạo phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trên các lĩnh vực, với mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 11%/năm trở lên”.

Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố cũng cho biết, theo Đề án phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của Đà Nẵng (ban hành tại Quyết định số 257/QĐ-UBND ngày 21-1-2025), thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong ba trung tâm hàng đầu cả nước về thiết kế vi mạch và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Đồng thời, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và mạng lưới đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn - AI. Thành phố hướng đến phát triển ít nhất 5.000 nhân lực chất lượng cao, hình thành ít nhất 30 doanh nghiệp thiết kế, 2 doanh nghiệp đóng gói và 5 startup trong lĩnh vực bán dẫn.
Với vai trò là mô hình tiên phong, VSAP Lab - Phòng thí nghiệm gắn với sản xuất phục vụ đóng gói tiên tiến bán dẫn được kỳ vọng trở thành “lab-fab” kiểu mẫu đầu tiên tại Đà Nẵng, tích hợp chức năng nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất và đào tạo thực hành. Đây không chỉ là một phòng thí nghiệm kỹ thuật, mà còn là nền móng công nghiệp đầu tiên của thành phố cho năng lực đóng gói vi mạch tiên tiến trong nước, hướng đến tích hợp các công nghệ đóng gói tương lai như quang - điện tử, chip AI, cảm biến, thiết bị y sinh, truyền dữ liệu tốc độ cao phục vụ xây dựng đô thị thông minh và ứng dụng rộng khắp trong đời sống xã hội.

“Muốn đi đường dài với ngành bán dẫn, thành phố xác định phải bắt đầu từ năng lực thật, phải có sản phẩm, có con người được đào tạo trong môi trường thực tiễn, có nơi để doanh nghiệp thử nghiệm và cùng tạo ra sản phẩm. VSAP Lab là nơi hiện thực hóa điều đó – một phòng lab mở, dùng chung, vận hành linh hoạt theo mô hình công - tư, kết nối sâu rộng với các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước”, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh.

Trong quá trình chuẩn bị dự án, thành phố đã chủ động tận dụng các cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 136 của Quốc hội và lồng ghép đồng bộ với các nghị quyết 57, 58, 59 của HĐND thành phố về hỗ trợ hạ tầng và phát triển nhân lực bán dẫn, nhằm đảm bảo VSAP Lab không chỉ là một phòng thí nghiệm đơn lẻ, mà thực sự trở thành hạt nhân trong chiến lược hình thành cụm đổi mới sáng tạo bán dẫn tại Đà Nẵng.
Thành phố cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất về hạ tầng, cơ chế hành chính và nguồn nhân lực để dự án triển khai đúng tiến độ, an toàn, hiệu quả. VSAP Lab sẽ là điểm khởi đầu cho cụm đổi mới sáng tạo ngành bán dẫn, góp phần hiện thực hóa khát vọng đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghệ cao của cả nước, một “thỏi nam châm” thu hút chất xám, là cái nôi của công nghệ đóng gói tiên tiến “Make in Vietnam”.
Ngay sau buổi lễ, Đoàn công tác Bộ KHCN đã đến thăm lớp đào tạo thiết kế vi mạch VLSI – Physical Design do Trung tâm DSAC phối hợp với Công ty Synopsys Việt Nam, Tập đoàn Sovico và tổ chức chuyên gia TreSemi (Hoa Kỳ) tổ chức tại tầng 4, tòa nhà ICT1, Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2. Lớp học do ông Phil Hoàng – Quản lý Kỹ thuật cao cấp Công ty Skyworks Solutions, Inc - trực tiếp giảng dạy, với 38 học viên là giảng viên và sinh viên năm cuối có thành tích xuất sắc ở chuyên ngành bán dẫn từ các trường đại học trên địa bàn.
Bên cạnh đó, đoàn công tác cũng đã gặp gỡ 26 doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn và AI tại Khu Công viên phần mềm số 2 - những đơn vị được thành phố hỗ trợ mặt bằng và điều kiện làm việc theo chính sách thu hút đầu tư công nghệ cao. Đoàn cũng đến tham quan Văn phòng Công ty Cổ phần FPT – đối tác chiến lược của thành phố trong lĩnh vực vi mạch và AI theo Nghị quyết 58/2024/NQ-HĐND.

Hoạt động nhằm ghi nhận thực tiễn triển khai, lắng nghe kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp, từ đó góp phần hoàn thiện chính sách hỗ trợ và thúc đẩy kết nối giữa các chủ thể: chính quyền - cơ sở đào tạo - doanh nghiệp - đơn vị nghiên cứu trong phát triển hệ sinh thái công nghệ cao tại TP Đà Nẵng.
THANH HOA
Dòng sự kiện:KỶ NGUYÊN VƯƠN MÌNH CỦA DÂN TỘC
Đà Nẵng xác định khoa học - công nghệ - đổi mới sáng tạo là nền tảng cốt lõi trong chiến lược phát triển bền vững
Đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách thức, hướng triển khai bảo vệ an ninh chính trị nội bộ
Công bố Quyết định thành lập Đảng bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng
Đôi chân & cái đầu
Đà Nẵng đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025