Đà Nẵng: Khống chế dịch bệnh sau bão

Thứ năm, 24/10/2013 08:52

(Cadn.com.vn) - Theo tin từ Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP Đà Nẵng, nhờ những nỗ lực phòng chống dịch bệnh, tiêu độc, khử trùng sau bão số 11, tuần qua (từ ngày 14-10 đến 22-10), toàn thành phố chỉ có 23 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) và 168 ca mắc đau mắt đỏ, giảm mạnh so với tuần trước bão. Tuần trước bão số 11 ảnh hưởng trực tiếp TP Đà Nẵng, trên địa bàn Q. Liên Chiểu có 8 ca mắc SXH và 50 ca mắc đau mắt đỏ. Ngay sau bão, Phòng Y tế và TTYT quận đã chỉ đạo các Trạm Y tế phường tận dụng tối đa nguồn lực hiện có như phương tiện, vật tư, thuốc, hóa chất, hậu cần... đáp ứng tốt nhất cho công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh sau bão lụt và hướng dẫn người dân vùng bị ảnh hưởng nặng khử trùng nguồn nước, giữ gìn vệ sinh phòng tránh bệnh truyền nhiễm có thể phát sinh sau bão như đau mắt đỏ, SXH... Qua khảo sát, trên địa bàn Q. Liên Chiểu có 33 điểm cần xử lý môi trường bằng phun hóa chất Cloramin B và Đội Y tế dự phòng tiến hành xử lý phun hóa chất trước ngày 22-10, bảo đảm 100% các điểm di dời dân, các điểm bị ngập úng, chợ bị ô nhiễm môi trường sau bão đều được xử lý hóa chất Cloramin B để phòng chống dịch bệnh.

Xử lý hoá chất phòng chống dịch bệnh tại một điểm tập trung dân trú ẩn bão số 11.

Trong khi đó, theo TTYTDP TP Đà Nẵng, tuần trước bão, các bệnh viện và TTYT các quận, huyện trên địa bàn thành phố tiếp nhận 76 ca mắc SXH và 1.261 ca mắc bệnh đau mắt đỏ. Sau bão, thường nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn, nhưng tuần qua, toàn thành phố chỉ tiếp nhận 23 ca mắc SXH và 168 ca mắc đau mắt đỏ. Đây là kết quả của những nỗ lực và kịp thời trong phòng chống dịch bệnh và vệ sinh tiêu độc, khử trùng sau bão. Cụ thể, ngay sau bão, TTYTDP TP Đà Nẵng đã phối hợp, chỉ đạo các Đội Y tế dự phòng quận, huyện khảo sát thực tế, nắm các điểm ngập lụt trên địa bàn để kịp thời xử lý ô nhiễm và hóa chất. TTYTDP sử dụng 2 xe ô-tô phun hóa chất khử trùng tại các tuyến đường, khu dân cư và 25 máy phun đeo vai xử lý môi trường các điểm ngập úng.

Ngay sau bão, UBND TP Đà Nẵng cũng ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh đau mắt đỏ, SXH, quyết tâm khống chế dịch, không để lây lan trên diện rộng, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong. Theo đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sớm, cách ly, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ, SXH trên địa bàn, nhằm hạn chế lây lan trong cộng đồng; tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng.

Bên cạnh đó, Sở Y tế thường xuyên báo cáo kịp thời, đầy đủ tình hình dịch bệnh đau mắt đỏ, SXH trên địa bàn TP, đánh giá việc triển khai thực hiện của các sở, ngành, đơn vị, địa phương, đoàn thể liên quan cho UBND TP. Chủ động phối hợp, cung cấp nội dung tuyên truyền bằng nhiều hình thức về cách phát hiện bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh đau mắt đỏ, SXH, các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho các cơ quan thông tin đại chúng, các sở, ngành, đơn vị, địa phương, đoàn thể liên quan để tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân thực hiện. Thường xuyên phát các thông điệp, khuyến cáo cộng đồng trên phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ của Bộ Y tế.

Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường học triển khai ngay các biện pháp phòng chống bệnh đau mắt đỏ, SXH trong nhà trường, tổ chức cho học sinh diệt loăng quăng, bọ gậy, quản lý sức khỏe của học sinh theo hướng dẫn của cơ quan y tế; thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch sớm, triệt để; các trường mẫu giáo, mầm non cần đảm bảo vệ sinh trường học, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh học sinh về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ. UBND các quận, huyện, chỉ đạo các ban, ngành, UBND các xã, phường,  và các đoàn thể thuộc địa bàn, huy động lực lượng phối hợp với ngành Y tế triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh đau mắt đỏ, SXH; cân đối, bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp để phục vụ các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại địa phương.

Hạnh Nhân