Đà Nẵng không để khách du lịch “ngày chơi đêm ngủ”

Thứ sáu, 12/03/2021 15:55

Ngay trước cao điểm du lịch mùa hè, UBND TP Đà Nẵng ban hành kế hoạch tổ chức thí điểm chương trình Đà Nẵng về đêm - Danang By Night. Đây là chương trình được kỳ vọng sẽ góp phần sớm khôi phục các hoạt động du lịch, dịch vụ, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Năm 2021, Đà Nẵng sẽ sôi động với các vũ hội đường phố.

Điểm nhấn “Đà Nẵng về đêm - Danang By Night”

Theo kế hoạch chương trình “Đà Nẵng về đêm – Danang By Night” sẽ thí điểm trong 3 năm, chính thức khởi động vào cao điểm du lịch nội địa dịp 30-4-2021. Sản phẩm du lịch này gồm các hoạt động: chiếu sáng nghệ thuật chủ đề “Dòng sông ánh sáng” hai bờ sông Hàn, trên sông Hàn, tại các cầu Thuận Phước, Sông Hàn, cầu Rồng. Du khách cũng sẽ được trải nhiệm hoạt động về đêm tại phố du lịch An Thượng, hòa mình vào các show diễn, chương trình nghệ thuật ban đêm tại một số tuyến đường, các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại các giao lộ, tuyến phố du lịch như Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo... Ngành du lịch, Văn hóa và chính quyền các quận huyện như Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn cũng sẽ tổ chức thí điểm các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí về đêm tại khu vực bãi biển Mỹ An, giới thiệu không gian ẩm thực Đà Nẵng tại phố hải sản Nguyễn Văn Thoại, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa. Để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, chi tiêu của du khách, chính quyền và ngành chức năng sẽ vận động các siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng, cửa hiệu, các cơ sở ăn uống... tổ chức “happy hours” vào buổi tối, đặc biệt sau 22 giờ đến 24 giờ hàng ngày.

Ông Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Cty CP Quê Việt, chủ một số cơ sở vui chơi giải trí về đêm tại Đà Nẵng cho biết, dù muộn nhưng hiện thực hóa chủ trương phát triển kinh tế về đêm bằng việc thí điểm chương trình “Đà Nẵng về đêm – Danang By Night” là đánh trúng nhu cầu của du khách. Thực tế là không phải du khách hạn chế chi tiêu, tính toán trong việc móc hầu bao mà quan trọng là chưa có nhiều sản phẩm, hoạt động trải nghiệm nào đủ hấp dẫn để họ ra đường, đi chơi thay vì đóng cửa khách sạn nghỉ ngơi sau một ngày tham quan các khu điểm du lịch. “Đà Nẵng có quá nhiều lợi thế để huy động cộng đồng, doanh nghiệp thức cùng du khách. Sẽ không có gì tuyệt vời hơn việc ngày tham quan, đêm đến giải trí, ẩm thực, mua sắm. Người ta đi du lịch là để chơi, để “quẫy”, để tiêu tiền chứ không phải để nghỉ. Tôi tin rằng đây sẽ là điểm nhấn khởi động cho mục tiêu biến Đà Nẵng trở thành thành phố không ngủ của du khách trong tương lai”, ông Minh hào hứng.

Cũng kỳ vọng với chủ trương của thành phố, anh Phạm Anh Việt - một nhà đầu tư đấu thầu thuê bãi biển khu vực Mân Thái để đầu tư các hoạt động trải nghiệm cho rằng, dọc bờ biển được đánh giá là báu vật của Đà Nẵng còn khá im ắng vào ban đêm cần được đánh thức bằng chiến lược bền vững. “Thành phố có bờ sông, bãi biển rất đẹp để có thể đầu tư, kết nối các sản phẩm vào ban đêm. Điều cần thiết là phải có sự kết nối liên hoàn chứ không phải mạnh ai nấy làm theo kiểu cục bộ. Tất nhiên phải có những nhà đầu tư lớn, nhưng du lịch cộng đồng sẽ rất quan trọng”, anh Việt cho biết.

Du khách trải nghiệm một sản phẩm mới bên bờ biển Đà Nẵng. 

Xóa nghịch lý “ngày chơi, đêm ngủ”

Trong một hội thảo bàn giải pháp phục hồi du lịch Đà Nẵng mới đây, PGS.TS. Trần Đình Thiên - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, doanh thu du lịch và mức chi tiêu của du khách thấp có nguyên nhân từ khoảng trống khai thác các dịch vụ sau 12 giờ đêm. Theo ông Thiên, nền kinh tế số và kinh tế đêm chính là hai yếu tố sẽ giúp Đà Nẵng lấy lại vị trí tiên phong về phát triển du lịch. Bản sắc văn hóa, nghệ thuật ẩm thực, dân số trẻ, mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao, thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu... là những lý do tất yếu để kinh tế về đêm phát triển, phù hợp với xu hướng quốc tế. Theo đánh giá của các chuyên gia trên lĩnh vực du lịch, kinh tế ban đêm của Đà Nẵng hiện đang dần hình thành với những tiềm năng lợi thế sẵn có ban đầu. Mặc dù vậy, thời gian hoạt động ban đêm của hầu hết các dịch vụ show diễn, khu vui chơi, du lịch đường thủy nội địa, nhà hàng, cơ sở chăm sóc sức khỏe/ làm đẹp chỉ đến khoảng 22-23 giờ đêm. Không chỉ hạn chế về thời gian, quy mô các hoạt động cũng còn nhỏ lẻ, nằm rải rác xen lẫn khu dân cư, thiếu những điểm vui chơi giải trí tập trung, quy mô lớn với các dịch vụ đa dạng để thu hút và kích thích chi tiêu của du khách.

Cũng tại hội thảo bàn giải pháp phục hồi du lịch sau các “đợt sóng” COVID-19, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho rằng, những năm qua thành phố tồn tại một nghịch lý: du khách rất hào hứng vui chơi giải trí trong ngày nhưng đêm về thì đóng cửa khách sạn ngủ vì không có nhiều lựa chọn để móc hầu bao chi tiêu, trải nghiệm vào ban đêm. Ông Chinh dẫn chứng cụ thể là trong 8 tháng đầu năm 2019, số ngày lưu trú bình quân của khách quốc tế trên địa bàn thành phố chỉ là 1,8 ngày, khách trong nước là 1,68 ngày, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Đà Nẵng lãng phí tiềm năng du lịch ban đêm khiến du khách có xu hướng về Hội An để xem show diễn, dạo phố và thưởng thức những trải nghiệm các sản phẩm du lịch. “Trong bối cảnh du lịch hậu COVID-19 sẽ phải làm mới để khai thác thị trường nội địa, sẽ thấy rõ ràng việc Đà Nẵng gia tăng những sản phẩm dịch vụ ban đêm, có vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì sức hút cho điểm đến. Chính vì vậy, thành phố sẽ dành ngân sách đầu tư để phát triển kinh tế đêm bằng việc xây dựng các sản phẩm dịch vụ mới, quy hoạch đồng bộ cũng như ban hành cơ chế quản lý thích hợp để phát huy vai trò dịch vụ giải trí đêm và đảm bảo an ninh, an toàn đô thị”, ông Chinh nhấn mạnh.

Du khách trải nghiệm một sản phẩm mới vào buổi chiều tối bên bờ biển Đà Nẵng. 

Tại kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, UBND thành phố đã đề xuất HĐND thành phố xem xét ưu tiên nguồn lực và nguồn vốn đầu tư công để đầu tư hoàn thiện và khai thác các khu vực sẵn có hoạt động, dịch vụ phục vụ kinh tế ban đêm như: Phố du lịch An Thượng, Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng – cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Hưng Đạo, Tuyến đường ven biển Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa, Tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành… Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế ban đêm tại Đà Nẵng để thông qua Nghị quyết về một số cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế ban đêm. Định hướng phát triển kinh tế ban đêm của Đà Nẵng sẽ gồm 4 nhóm hoạt động/ dịch vụ gồm văn hóa – vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm và tham quan. Về lâu dài, thành phố cần thực hiện quy hoạch và dành quỹ đất cho các cụm/ khu vực trọng điểm phát triển kinh tế ban đêm riêng biệt với khu dân cư để định hướng, kêu gọi đầu tư khu tổ hợp giải trí riêng biệt đạt quy mô, hấp dẫn, chất lượng và tiêu chuẩn ngang tầm các điểm đến quốc tế nổi tiếng trên thế giới.

Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, để khai thác tốt tiềm năng lợi thế, nguồn lực phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế đêm gắn với kích cầu du lịch, Sở sẽ tiếp tục tham mưu thành phố xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, thí điểm kéo dài thời gian tổ chức hoạt động, dịch vụ ban đêm tại một số khu vực phù hợp. Cùng với đó, sẽ cần thiết có các cơ chế đẩy mạnh xã hội hóa, ưu tiên tăng nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng từ thành phố và tập trung hoàn thiện hạ tầng dịch vụ, các cơ sở du lịch; đảm bảo hạ tầng về giao thông, hệ thống wifi, trang trí cảnh quan. Yếu tố đặc biệt quan trọng gắn liền với thương hiệu thành phố an bình, thân thiện là phải tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp về đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng dịch vụ.

CÔNG KHANH