Đà Nẵng: Không phá chợ Cồn, chợ Hàn…

Thứ bảy, 23/08/2014 08:12

(Cadn.com.vn) - Không phá bỏ chợ Cồn, chợ Hàn; xây mới chợ đầu mối lớn gấp 15 lần hiện tại; cân nhắc không sáp nhập các trung tâm xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch, đó là một số nội dung chính trong buổi làm việc giữa Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh với Sở Công Thương ngày 22-8.

Không chỉ là chợ

Ông Lê Ngọc Thanh- Giám đốc Cty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng cho biết, hiện tại có gần 5 ngàn tiểu thương đang kinh doanh tại 4 chợ loại 1 của TP gồm chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa và chợ đầu mối Hòa Cường. Mỗi năm, các khoản thuế, phí thu từ các chợ này hơn 50 tỷ đồng.

Riêng chợ Cồn, chợ Hàn còn gắn với lịch sử, là các chợ truyền thống lâu đời nhất của Đà Nẵng, đã đi sâu vào trong tiềm thức của người dân, du khách. Ông Thanh cho rằng hiện đại hóa thương mại là cần thiết song riêng với chợ Cồn, chợ Hàn phải giữ lại thành chợ truyền thống, nếu xây cũng không cao quá 4 tầng trong đó có 1 tầng hầm để xe.

Khi xây có thể áp dụng xã hội hóa nhưng việc thu các loại phí, thuế phải áp dụng chính sách theo giá của Nhà nước, có như vậy chợ truyền thống mới phát triển. Ông Thanh dẫn chứng, bài học từ chợ siêu thị Đà Nẵng còn đó, sau xã hội hóa giờ hầu như chỉ tầng 1 có khách mua bán thực phẩm còn các tầng trên rất ế ẩm, trong khi mức phí thu cao gấp 4 lần so với các chợ do Nhà nước quản lý.

Bà Đồng Thị Bích Chính - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT nói, trong thời điểm này, tốt nhất không nên đề cập đến chuyện dỡ bỏ chợ Cồn, chợ Hàn để xây chợ mới theo hướng xã hội hóa. Bởi vì đây là thời điểm kinh tế khó khăn, nhiều dự án lớn trên địa bàn TP nhà đầu tư còn chậm trễ, không triển khai, thì việc tiếp tục kêu gọi đầu tư vào dự án chợ Cồn, chợ Hàn sợ rằng cũng lại “quây lô cốt” để đó.

Trong khi đó, hàng ngàn tiểu thương đang buôn bán tại các chợ này, nguồn thu của TP từ đây mỗi năm hàng chục tỷ đồng, mọi vấn đề đang bình thường bỗng chuyển thành “lô cốt” thì không ổn. Mặt khác, phương án làm chợ tạm tại sân Chi Lăng trong khi chờ xây chợ Cồn, chợ Hàn lại càng bất ổn. Vô tình lại tạo thêm cái “lô cốt” khổng lồ nữa, trung tâm TP mà thế thì còn gì để phát triển du lịch?

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thương - Phó Giám đốc Sở Nội vụ nói, TP không nên đặt vấn đề nâng cấp hay xây chợ Cồn, chợ Hàn vào lúc này. Đồng ý rằng phải làm cho chợ văn minh hơn, hiện đại hơn, nhưng làm thế nào, phương pháp nào phải rất thận trọng cân nhắc. Cả chợ Cồn, chợ Hàn không chỉ là chợ buôn bán bình thường mà còn gắn liền với truyền thống, với văn hóa của bao thế hệ người Đà Nẵng.

Như chợ Cồn dù có đổi thành trung tâm thương mại gì đi nữa thì người dân cũng chỉ nhớ, chỉ biết, chỉ gọi đó là chợ Cồn. Sau một hồi vòng vèo cũng phải đặt lại thành chợ Cồn. Hoặc chợ Hàn, lịch sử gắn liền với giao thương, buôn bán trên bến dưới thuyền từ khi Đà Nẵng còn sơ khai, đấy là nét truyền thống không thể đánh mất.

Mỗi lần nhắc tới chuyện phá bỏ chợ là người dân lại xôn xao, tâm lý rất bất ổn. Vì thế, không nên “đụng” đến 2 chợ này trong thời điểm hiện tại, mà nếu có làm thì làm ngay dự án khu thương mại đẳng cấp quốc tế ở sân Chi Lăng đi, đây là điều Đà Nẵng đang thiếu, đang rất cần.

Chợ Cồn đã gắn với truyền thống, lịch sử không nên đặt vấn đề phá dỡ lúc này.

Xây chợ đầu mối ở Hòa Phước

Ông Lữ Bằng- Phó Giám đốc Sở Công Thương nói, quy định của một chợ đầu mối ít nhất cũng phải 30ha, như Hà Nội có 3 chợ đầu mối 30ha nhưng ở mình chợ đầu mối Hòa Cường có 2ha, quá nhỏ bé. Ngày xưa thì nó có thể là chợ đầu mối, nhưng giờ quy mô kinh tế TP đã phát triển mạnh, không thể gọi đây là chợ đầu mối nữa, cũng không ai thừa nhận cả.

Mỗi ngày có trên 600 tấn rau củ trái cây đổ về đây, điều kiện thì quá chật chội, các xe container đi vào không có chỗ đậu, rồi hệ thống xử lý rác không đảm bảo, gây ô nhiễm. Thực tế đó đòi hỏi Đà Nẵng phải có chợ đầu mối quy mô lớn ít nhất 30ha và nên đặt ở khu vực giáp ranh giữa Hòa Xuân- Hòa Phước.

Tại đây sẽ thuận tiện về giao thông, sẽ đa dạng các mặt hàng đúng nghĩa là đầu mối từ trái cây, rau củ, gia súc gia cầm, vật liệu xây dựng... Đưa về một mối từ đây sẽ là điểm trung chuyển đi các tỉnh lân cận, lực lượng chức năng cũng có thể kiểm soát VSATTP, chất lượng hàng hóa hiệu quả hơn.

Theo ông Nguyễn Thương, trung bình mỗi đêm chợ đầu mối Bình Điền của TPHCM doanh thu 65-70 tỷ đồng, đó mới là chợ đầu mối đúng nghĩa, mới có chức năng là trung tâm trung chuyển hàng hóa của cả khu vực, còn chợ đầu mối của mình hiện tại quá nhỏ bé, tốt nhất nên để làm chợ của địa phương, nên chấm dứt vai trò lịch sử của nó.

Thiếu những “cú đấm thép”

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh đồng ý với quan điểm phải giữ lại chợ Cồn, chợ Hàn, chỉ nên cải tạo bên trong để nó văn minh, hiện đại hơn chứ không nên tính chuyện phá dỡ xây mới lúc này. Với đề xuất sát nhập 3 trung tâm xúc tiến (TTXT) gồm đầu tư, thương mại, du lịch làm một, Phó Bí thư Nguyễn Xuân Anh cho rằng phải cân nhắc kỹ.

Cả nước giờ chỉ còn TTXT Đầu tư của Đà Nẵng là tồn tại, các cơ quan ở Bộ người ta không thừa nhận. Có thể tính toán đưa về lại Sở KH&ĐT. Mặt khác nếu tách Sở Du lịch ra riêng thì buộc phải có TTXT Du lịch đi theo chuyên ngành. Tương tự với TTXT Thương mại, nên duy trì theo hệ thống từ Trung ương xuống, vì Trung tâm này hoạt động chuyên ngành, có đặc thù, tính chất riêng.

Nếu Đà Nẵng mà xây dựng môi trường thương mại tốt thì nhà đầu tư cũng sẽ tự tìm tới. Phó Bí thư Nguyễn Xuân Anh cũng nhìn nhận, qua thực tiễn, kinh tế Đà Nẵng đang chuyển dịch theo chiều sâu, bền vững hơn, riêng xuất khẩu đã lọt vào nhóm 19/63 tỉnh thành vượt ngưỡng 1 tỷ USD là rất khích lệ. Tuy nhiên, TP vẫn thiếu những doanh nghiệp thực sự lớn mạnh, có tầm ảnh hưởng rộng, được coi là những “cú đấm thép” như của TPHCM, Hà Nội.

Chính những “cú đấm thép” này mới tạo nên sức mạnh kinh tế cho TP. Về hạ tầng thương mại, Phó Bí thư Nguyễn Xuân Anh cho rằng mới đáp ứng được căn bản nhu cầu mua sắm của người dân, TP vẫn thiếu những trung tâm thương mại đẳng cấp quốc tế, phục vụ tầng lớp nhiều tiền, những du khách tới để tiêu nhiều tiền.

DN là sức sống của nền kinh tế vì thế Phó Bí thư Nguyễn Xuân Anh cũng chỉ đạo ngành Công Thương cần hỗ trợ DN nhiều hơn nữa bằng cơ chế chính sách, đồng thời cũng phải định hướng để hình thành nên đội ngũ doanh nhân có văn hóa trong kinh doanh, từ bỏ cách làm chụp giật mà cần có chiều sâu, cần nuôi dưỡng, giữ gìn thương hiệu của mình.

Hải Hậu