Đà Nẵng lại nóng du lịch “chui”

Thứ sáu, 20/05/2016 09:46

(Cadn.com.vn) - Ngày 19-5, tại cuộc họp triển khai các nội dung hoạt động du lịch hè 2016 và Hội chợ Du lịch quốc tế Đà Nẵng, “vấn nạn” hoạt động lữ hành trái phép trên địa bàn thành phố tiếp tục là vấn đề bức xúc của các doanh nghiệp du lịch nhắc lại. Bên cạnh đó, nhiều người cũng đặc biệt quan tâm đến năng lực truyền thông và xử lý khủng hoảng trong ngành du lịch.

TINH VI, KHÓ XỬ LÝ

Ông Lê Hồng Phương – Phó Chánh Thanh tra Sở Du lịch cho biết, trong top 10 thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng năm 2015 thì khách Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt đứng thứ 1 và thứ 2. Cụ thể, tổng lượng khách Trung Quốc đến thành phố trong năm 2015 ước đạt 261.523 lượt (tăng 72% so với năm 2014), khách Hàn Quốc ước đạt 180.382 lượt (tăng 69%). Sự tăng trưởng quá nhanh của các thị trường này đã dẫn đến tình trạng dịch vụ không đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường, đặc biệt là dịch vụ hướng dẫn du lịch. Từ đó, các Cty lữ hành Trung Quốc, Hàn Quốc tự ý tổ chức tour và hướng dẫn du lịch trái phép.

Theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, trong 4 tháng đầu năm các đơn vị thuộc Sở Du lịch phối hợp cùng CATP, Sở LĐ-TB&XH, Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã tiến hành kiểm tra, xử phạt 10 cá nhân có quốc tịch Hàn Quốc hoạt động du lịch trái phép trên địa bàn thành phố với số tiền phạt 185 triệu đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu của những người này là hoạt động hướng dẫn tại Việt Nam, nhập cảnh có hoạt động du lịch tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng xử phạt 10 triệu đồng đối với một doanh nghiệp Việt Nam sử dụng người nước ngoài làm hướng dẫn. Đầu tháng 5 vừa qua, Sở Du lịch đã phối hợp cùng lực lượng An ninh Kinh tế, CATP Đà Nẵng kiểm tra đột xuất hoạt động lữ hành trên địa bàn thành phố và phát hiện 2 văn phòng có người nước ngoài vi phạm trong hoạt động lữ hành quốc tế. Hiện Thanh tra Sở đang tiến hành lập hồ sơ xử lý. Theo ông Phương, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố ngày càng được tăng cường. Hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên trái phép từng bước được chấn chỉnh nhưng vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Đại diện các đơn vị lữ hành cho rằng, hầu hết các đối tượng người nước ngoài hoạt động du lịch trái phép là những người đã tạm trú lâu năm ở Việt Nam, nói tiếng Việt rất sõi, biết được phong tục tập quán và cả những “chiêu” để đối phó với cơ quan chức năng. Mặt khác, hầu hết những người này thường thuê chung cư vừa để lưu trú vừa làm địa điểm kinh doanh du lịch, thực hiện giao dịch qua mạng, thanh toán bằng thẻ tín dụng nên rất khó phát hiện và xử lý. “Các cơ quan chức năng cần mạnh tay, xử lý nghiêm đối với những hành vi như thế này. Vừa xóa bỏ kiểu làm ăn chụp giật, bất chính vừa tạo công bằng cho các Cty kinh doanh chân chính, chuyên nghiệp. Doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài cần có môi trường kinh doanh sòng phẳng, công bằng”, ông Phạm Đình Hoàng – Giám đốc Cty CP Du lịch Hoàng Anh Việt bức xúc.

Ở khía cạnh chủ quan, nhiều ý kiến cho rằng để hoạt động "chui" trong một thời gian dài thì những đối tượng này đã nhận được sự tiếp tay của một bộ phận doanh nghiệp, hướng dẫn viên bản địa. Theo Thanh tra Sở Du lịch, đã có hiện tượng bảo lãnh gia hạn visa hoặc cho người nước ngoài sử dụng tên doanh nghiệp trong nước để giao dịch. Một số nhân viên tại các khu điểm tham quan thậm chí còn làm nhiệm vụ cảnh giới để báo động với các đối tượng hoạt động du lịch "chui" mỗi khi có đoàn kiểm tra.

Ông Trần Chí Cường – Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng đồng bộ vào cuộc để xử lý hiệu quả hiện tượng làm du lịch "chui", vừa tạo sự công bằng trong kinh doanh đồng thời đảm bảo môi trường du lịch an toàn. Song song với việc chuyển hồ sơ các vụ vi phạm sang cơ quan công an xem xét buộc xuất cảnh, Sở cũng sẽ xử lý nghiêm đối với các đơn vị lữ hành, hướng dẫn viên Việt Nam có hành vi tiếp tay cho người nước ngoài núp bóng hoạt động trái phép. Ngoài xử lý hành chính, nếu cần sẽ đề nghị Tổng cục Du lịch thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế hoặc thẻ hướng dẫn viên đối với các trường hợp vi phạm.

Về lâu dài, ông Cường cho rằng bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng phải nâng cao năng lực đáp ứng dịch vụ của mình để không ảnh hưởng bởi kiểu làm ăn này. “Vì sao các đơn vị lữ hành trong nước không khai thác trực tiếp được thị trường du lịch tiềm năng này mà phải chạy theo mấy ông choai choai làm chui? Nên chăng bản thân chúng ta phải tổ chức lại thành một nhóm như là hiệp hội, câu lạc bộ sang tận Hàn Quốc làm việc trực tiếp với họ để khẳng định uy tín và hợp tác đường đường chính chính. Các doanh nghiệp cứ bàn bạc, lên kế hoạch đi, Sở sẽ đứng ra làm cầu nối và cùng qua Hàn Quốc làm việc với các đối tác”, ông Cường nói.

Lãnh đạo Sở Du lịch, Phòng An ninh Kinh tế CATP và Hiệp hội Lữ hành chủ trì cuộc trao đổi với các doanh nghiệp.

NÂNG CAO NĂNG LỰC XỬ LÝ KHỦNG HOẢNG

Đại diện các hãng lữ hành có thương hiệu tham gia cuộc họp cho rằng, đối với ngành du lịch như Đà Nẵng thì truyền thông đóng vai trò rất quan trọng. Không chỉ quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người, sản phẩm du lịch của thành phố đến các thị trường nội địa và quốc tế mà trước mỗi “cú sốc”, hoạt động truyền thông có ý nghĩa cho sự thành bại. Ông Trần Trà – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng cho biết, trước thông tin cá chết dọc bờ  biển các tỉnh Bắc Trung Bộ, chính quyền và ngành chức năng thành phố đã nhanh chóng vào cuộc bằng nhiều hình thức để khẳng định với người dân và du khách là biển sạch, hải sản an toàn. “Dù rất kịp thời và hiệu quả nhưng so với mọi năm, kỳ nghỉ lễ năm nay lượng khách đã sụt giảm.

Mấy kỳ nghỉ trước cháy phòng tại các khách sạn nhưng năm nay nhiều nơi công suất phòng vẫn thấp”, ông Trà cho biết. Trong khi đó, ông Đoàn Hải Đăng – Giám đốc Viettravel Chi nhánh Đà Nẵng chia sẻ, trong bối cảnh người dân, du khách lo ngại về ảnh hưởng của việc cá chết vừa qua, ngoài việc công bố thường xuyên các kết quả quan trắc, xét nghiệm nước biển, hải sản, du lịch Đà Nẵng nên đẩy mạnh truyền thông qua việc xây dựng clip du lịch trực tiếp, công bố trên mạng online một cách rộng rãi, thường xuyên. “Ở Thái Lan tình hình chính trị bất ổn nhưng du lịch vẫn phát triển, khách khắp nơi trên thế giới vẫn đổ về. Vì họ làm truyền thông và xử lý khủng hoảng rất tốt. Về lĩnh vực này, Đà Nẵng cần làm mạnh hơn nữa”, ông Đăng kiến nghị.

Công Khanh