Đà Nẵng làm gì để cải thiện môi trường đầu tư?

Thứ bảy, 18/05/2019 10:41

Ngày 17-5, lãnh đạo Đà Nẵng và cộng đồng doanh nghiệp TP đã có những chia sẻ thẳng thắn xung quanh tình trạng tụt hạng PCI 2018, đồng thời bàn các giải pháp cải thiện chỉ số này trong năm 2019.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư Đà Nẵng.

Thiếu năng động và minh bạch

Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đồng nghĩa với việc cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn hơn. Kết quả PCI năm 2018 mới công bố cho thấy PCI Đà Nẵng đã tụt từ thứ 2 xuống thứ 5, trong khi 2 năm trước đó ở vị trí dẫn đầu. Ông Hồ Kỳ Minh- Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nói, môi trường kinh doanh sau nhiều năm được cộng đồng doanh nghiệp nhìn nhận là thông thoáng, thuận lợi đã có những dấu hiệu suy giảm và tụt hạng. Qua phân tích sơ bộ có thể thấy bên cạnh nhóm các chỉ số tăng điểm nhưng tụt hạng như tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức… thì hầu hết các chỉ số thành phần khác đều giảm điểm. Trong đó, đáng kể nhất là các chỉ số Cạnh tranh bình đẳng tụt hạng một cách nghiêm trọng từ vị trí thứ 37 xuống 55, chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tụt từ hạng 9 xuống 41, tính minh bạch và tiếp cận thông tin tụt hạng từ 20 xuống 25, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo TP tụt từ hạng 6 xuống 20. Những dấu hiệu bất ổn này đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của TP.

Ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng, kỳ vọng của cộng đồng DN ngày càng cao hơn, nếu năm nay Đà Nẵng làm tốt, nhưng năm sau vẫn làm y chang vậy, thì chắc chắn điểm số sẽ thấp hơn. Mặt khác, nếu Đà Nẵng vươn lên không đủ mạnh, các địa phương khác vươn lên mạnh hơn sẽ vượt qua. Phân tích chi tiết hơn về nguyên nhân tụt hạng PCI, theo ông Bùi Văn Tiếng- Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng cho đó là tính minh bạch trong môi trường đầu tư chưa cao. DN phản ánh phải có quan hệ, đi đêm để có thông tin thuận lợi trong kinh doanh. Thậm chí phải thỏa thuận với cán bộ thuế để có lợi. Một yếu tố khác, đó là sự bình đẳng giữa các DN thân hữu và các DN còn lại. Ông Quang nói, nhiều DN tư nhân gửi hồ sơ có đủ năng lực làm tốt lĩnh vực dịch vụ công nhưng không chọn, không trúng thầu, thậm chí ý tưởng của họ đưa lên còn bị lấy giao cho DN thân tín.

Trong thời gian qua nhiều nhà đầu tư lớn đã đầu tư vào thành phố (Trong ảnh: Khởi công dự án Khu Du lịch nghỉ dưỡng Xuân Thiều).

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, yếu tố tác động tới PCI Đà Nẵng năm 2018 có những đặc trưng khác biệt so với các năm trước. Đó là những vụ việc của Đà Nẵng năm 2018 đã phủ lên một không khí không vui vẻ gì với cộng đồng DN. Điều đó tác động rõ tới cảm nhận của DN. Ngay chính quyền rất khó khăn trong giải quyết các vấn đề này. Toàn bộ những thiếu sót, sai phạm, diễn ra từ lâu, nhưng tại thời điểm 2018 là thời điểm thanh tra, điều tra, khởi tố cũng là thời điểm truyền thông tập trung đưa tin về TP nhiều nhất. Cộng đồng DN có người biết chia sẻ, có người không biết, chỉ cảm nhận tình trạng u ám, tiêu cực về TP, đất đai nguồn lực rơi vào người này người khác. Tình trạng này sẽ còn  tiếp tục ảnh hưởng trong năm 2019. Vì thế, ông Thơ cho biết chính quyền TP mong giải quyết nhanh các vụ việc để có kết quả, đặc biệt câu trả lời phía sau. Bởi vì kéo dài cả DN và chính quyền đều khổ. Ông Thơ chia sẻ thêm, không có một dự án nào trước đây được thực hiện đầy đủ các khâu, không thiếu sót cái này thì cái khác. Trước đây giao đất cho nhà đầu tư chỉ trong vòng 5-7 ngày, chỉ qua một cuộc họp, quá nhanh, quá ngắn gọn và bỏ qua nhiều khâu. Còn bây giờ làm đúng quy trình, có khi 3 năm chưa xong thủ tục một dự án. Theo ông Thơ, các dự án đưa vào diện thanh tra chỉ vài chục nhưng tương tự như vậy thì cả ngàn. Khi đụng các dự án vậy, cán bộ chuyên viên bên dưới không dám tham mưu nữa, tâm lý e ngại, sợ sai. Bởi vì dự án trước kia đã vậy rồi giờ đụng vào sợ sai tiếp. Có nhiều dự án như vậy Đà Nẵng đã phải chủ động báo cáo các cấp ngành Trung ương, nhưng rồi kéo dài rất lâu chưa có câu trả lời, tạo nên một cảm nhận là vấn đề không được giải quyết. Việc đó tác động đến tâm lý của cộng đồng DN. Kể cả những người không liên quan tới dự án, nhưng hàng ngày nghe câu chuyện Đà Nẵng cũng nhức đầu. Trước thực trạng ấy, theo ông Thơ cán bộ phải biết năng động, biết cách tự xoay xở, tháo gỡ, đằng này thấy khó nhiều cán bộ không đụng đến, không đề xuất, thụ động, thiếu tiên phong, sáng tạo. DN thì cứ trông chờ mãi mà không thấy giải quyết, tháo gỡ vướng mắc. Chính điều này khiến chỉ số tính năng động, sáng tạo của chính quyền giảm sút, kéo PCI tụt hạng.

Nhiều nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin vào các dự án đầu tư tại Đà Nẵng.

Giải pháp cải thiện PCI

Để cải thiện môi trường đầu tư Đà Nẵng, ông Quang cho rằng, trước tiên phải áp dụng thủ tục hành chính công trực tuyến. Đà Nẵng 10 năm dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT, nhưng cái cần ứng dụng thực tế chứ không chỉ sẵn sàng mãi. Hiện 66% thủ tục hành chính ở Đà Nẵng là dịch vụ công trực tuyến, tuy nhiên tỷ lệ giải quyết rất thấp. Ông Quang nói, nếu làm tốt các thủ tục điện tử thì mối quan hệ người dân với chính quyền sẽ thân thiện hơn. “TP cần ra chỉ tiêu cụ thể cho từng cơ quan, mỗi năm phải có bao nhiêu thủ tục công trực tuyến được triển khai, nếu không làm được sẽ có chế tài xử lý”, ông Quang đề xuất. Bên cạnh đó, ông Quang cũng cho biết, Đà Nẵng cần mở cửa, đặt hàng DN tư nhân vào làm dịch vụ công trực tuyến nhiều hơn, những việc này khu vực tư nhân làm được, làm tốt thì giao cho họ.

Ông Phạm Bắc Bình - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa cho biết, để tăng tính minh bạch, tạo thuận lợi trong thủ tục hành chính thì TP cần triển khai một đầu mối thống nhất về thủ tục đầu tư. Hồ sơ cấp chứng nhận đầu tư phải được điện tử hóa, số hóa để nhà đầu tư theo dõi trực tuyến. Đặc biệt, để cải tiến chỉ số công bằng giữa các DN, chỉ số tiếp cận đất đai đầu tư, TP cần công khai quỹ đất, công khai quy hoạch cụ thể, mức giá đấu thầu công khai để nhà đầu tư có nhu cầu dễ dàng tiếp nhận.

Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng Tô Văn Hùng cho biết, với thủ tục đánh giá tác động môi trường Sở đã cải cách rút ngắn thời gian từ 50 ngày xuống 40 ngày. Mặc dù vậy so với yêu cầu của TP và đặc biệt là mong muốn của DN là chưa nhiều. Ông Hùng lý giải, thủ tục tiếp cận đất đai của DN còn chậm trễ do thiếu tính kết nối thống nhất, sợ trách nhiệm, thiếu sáng tạo của cán bộ. Chẳng hạn giữa các đơn vị với nhau không đồng nhất quan điểm trong xử lý 1 vấn đề. Theo ông Hùng, để cải thiện thủ tục tốt hơn đáp ứng yêu cầu của DN, trong thời gian tới Sở sẽ cơ cấu, luân chuyển lại tất cả các vị trí bị cho là nhạy cảm về đất đai. Đặc biệt, Sở TN&MT đã lập Tổ công tác đặc biệt do Giám đốc Sở làm tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn cho DN, sẽ nhận tất cả thông tin phản ánh từ DN.

Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cho biết, sắp tới TP sẽ công bố bộ chỉ số năng lực cạnh tranh các sở ngành, quận huyện. Từ đây sẽ có đánh giá khách quan năng lực, vai trò, đơn vị nào yếu kém sẽ được bêu tên công khai. Điều này để các đơn vị thấy bị thúc ép, phải nỗ lực cải thiện công việc, linh động, sáng tạo hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân, DN, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng thuận lợi thực sự. “Chúng ta làm hết sức, phần thưởng của mình là sự phát triển của TP, thấy kinh tế TP phát triển là được, chứ không phải điểm số, vị trí. Vấn đề còn lại là cảm nhận của DN, hy vọng DN cảm nhận đúng”, ông Thơ chia sẻ.

HẢI QUỲNH

Công khai đấu giá 500 lô đất

Ông Huỳnh Đức Thơ cho biết đang giao Sở TN-MT chọn 500 lô đất để tháng 8 này đưa ra đấu giá công khai, tạo cơ hội tiếp cận đất đai đầu tư cho DN. Theo đó, tất cả các lô đất này được công khai minh bạch về vị trí, diện tích, quy hoạch xây dựng công trình dự án gì, số tầng cao... và nếu có từ 2 nhà đầu tư trở lên quan tâm sẽ đưa đấu giá công khai, thậm chí đấu thầu qua mạng.