Đà Nẵng làm gì để lấy lại vị trí quán quân CPI?

Thứ tư, 16/05/2018 11:39

Sau 4 năm liên tiếp dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Đà Nẵng đã mất ngôi vị quán quân vào năm 2017, nhường chỗ cho Quảng Ninh. Mặc dù điểm số của Đà Nẵng kém Quảng Ninh không nhiều, song điều đáng nói có nhiều chỉ số thành phần trong PCI của Đà Nẵng 2017 giảm và tụt hạng rất sâu. Do vậy, ngày 15-5, TP đã tổ chức hội thảo tìm giải pháp nâng cao chỉ số PCI năm 2018.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa phát biểu tại Hội thảo.

Những chỉ số báo động

TS Nguyễn Phú Thái - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế- Xã hội Đà Nẵng cho biết, kết quả PCI năm 2017 của Đà Nẵng cho thấy 5 chỉ số thành phần giảm điểm và tụt hạng, 2 chỉ số tuy tăng điểm nhưng vẫn tụt hạng, 3 chỉ số cải thiện điểm số và thứ hạng. Cụ thể, chi phí gia nhập thị trường được xem là lĩnh vực ưu thế của Đà Nẵng tuy nhiên năm 2017 đã tụt 2 bậc, đứng vị trí thứ 5 so với các địa phương. Đây là năm thứ 2 liên tiếp chỉ số Chi phí gia nhập thị trường của ĐN bị tụt hạng dù TP thực hiện cải cách tối đa các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, đặc biệt là thời gian đăng ký kinh doanh được duy trì ở mức rút ngắn nhất có thể (7 ngày), và tỷ lệ DN phản ánh chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa tốt hơn nhiều.

Nguyên nhân giảm điểm, tụt hạng là do tỷ lệ DN phải chờ hơn một tháng để hoàn tất tất cả các thủ tục để bắt đầu hoạt động. Tuy nhiên so với Quảng Ninh, địa phương đứng đầu về chỉ số Chi phí gia nhập thị trường, Đà Nẵng cần cải thiện hơn nữa để niêm yết công khai thủ tục đăng ký kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào thủ tục hành chính và triển khai mạnh mẽ thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua phương thức mới (trực tuyến, trung tâm hành chính công, bưu điện).

Chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin của Đà Nẵng năm 2017 đạt điểm số thấp nhất trong vòng 5 năm qua và đã rơi từ vị trí dẫn đầu cả nước xuống vị trí thứ 20. Nguyên nhân của thực trạng này một phần do các tài liệu về ngân sách chưa đủ chi tiết để DN sử dụng trong hoạt động kinh doanh; tình trạng DN cần phải thương lượng với cán bộ thuế là phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh. Rõ ràng tính minh bạch và tiếp cận thông tin của ĐN trong năm qua đang bộc lộ nhiều vấn đề cần khắc phục.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã xoay quanh hai chỉ số thành phần quan trọng Đà Nẵng giảm và tụt hạng sâu, cần được mổ xẻ, tìm giải pháp để thay đổi. Trong đó, chỉ số chi phí không chính thức tụt 3 bậc, rơi xuống xếp ở vị trí thứ 5 trên toàn quốc.  Hơn 36% DN phải chi trả chi phí không chính thức. Gần 65% DN cho biết công việc đạt được kết quả mong đợi sau khi chi trả chi phí không chính thức. Điều này phản ánh nhận định của DN về thực trạng một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu trong công tác quản lý hành chính. Đặc biệt, chỉ số cạnh tranh bình đẳng của ĐN đã giảm điểm và tụt hạng một cách nghiêm trọng (tụt 19 bậc, rơi xuống vị trí thứ 37).

Mặc dù tỷ lệ DN địa phương cho rằng chính quyền thành phố quan tâm, ưu tiên phát triển đối với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI đã giảm đáng kể. Tỷ lệ DN cho rằng TP ưu ái cho các tổng Cty, tập đoàn của Nhà nước gây khó khăn cho DN và ưu tiên giải quyết các vấn đề, khó khăn cho DN nước ngoài hơn là DN trong nước. Tuy vậy, tỷ lệ này vẫn còn rất cao để có thể có được môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DN tư nhân trong nước với DN nhà nước và FDI. Hơn nữa, hợp đồng, đất đai... và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các DN có liên kết chặt chẽ với chính quyền TP và ưu đãi với các Cty lớn là trở ngại cho hoạt động kinh doanh của bản thân DN, mặc dù cũng có suy giảm, nhưng con số vẫn cho thấy nhiều quan ngại.

Cần minh bạch và sòng phẳng

Theo ông Thái, kết quả phân tích PCI 2017 của Đà Nẵng cho thấy có sự chững lại. Điều này cho thấy có những yêu cầu phải thay đổi mà địa phương vẫn chưa thể vượt qua được. Có thể kể đến những điểm tối trong môi trường kinh doanh như phiền hà trong việc tiếp cận đất đai và rủi ro trong việc đảm bảo quyền sử dụng đất; tính minh bạch của môi trường kinh doanh chưa cao; chi phí không chính thức. Đặc biệt, đất đai là lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng, sự thiếu minh bạch cũng chính là điều kiện thuận lợi cho cán bộ gây nhũng nhiễu, phiền hà, thậm chí tham nhũng ảnh hưởng đến sự phát triển. Đây là những điểm nghẽn cần có giải pháp cải thiện quyết liệt.

Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Đà nẵng cho biết, để cải thiện chỉ số PCI 2018, TP cần tạo cơ hội cho DN tiếp cận nguồn vốn vay; cải cách và hỗ trợ thủ tục hành chính cho DN; thông tin nhanh chóng và thường xuyên các chính sách ưu đãi cho DN tư nhân. Ông Bình nói, TP cần phải cung cấp 100% thông tin DN đề nghị, chứ hơn 50% như hiện nay là thấp. Ông Bình cũng nói, trong chi phí không chính thức, nhiều DN phải trực tiếp hoặc qua trung gian để giải quyết các thủ tục liên quan tới đất đai, chi phí, rất tốn kém. Điều này phải cải thiện nhanh chóng. Đặc biệt, việc tiếp cận đất đai, ông Bình cho rằng hiện DN nhỏ và vừa của TP tiếp cận cũng rất khó, vào KCN phải thuê ít nhất 5 ngàn m2, tiền thuê 50 năm. Trong khi đó, nếu TP làm cụm công nghiệp cho DN nhỏ và vừa, thuê trả tiền mỗi năm một lần, chắc chắn chỉ số tiếp cận đất đai sẽ tăng.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, giải pháp cấp thiết hiện nay là tạo tính minh bạch, bình đẳng cho tất cả các DN. Nếu không có cái này, DN không muốn phấn đấu. Cuộc chơi phải sòng phẳng. Không thể 68% DN cho rằng tiếp cận đất đai do thân quen chính quyền, 57% DN cho rằng TP ưu đãi  cho DN lớn, hơn 50% DN được hỏi cho rằng chưa được công khai các chỉ số minh bạch đấu thầu. Ông Vinh nói, các thông tin đấu thầu phải công khai. Chống tham nhũng chỉ bằng cách công khai minh bạch thông tin.

3 chỉ số “nhạy cảm”

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nói, có 3 chỉ số quan trọng được đề cập nhiều tại hội thảo, đều là các chỉ số nhạy cảm gồm chỉ số tiếp cận thông tin, chỉ số chi phí không chính thức, tính minh bạch. Ông Nghĩa nói, chi phí không chính thức phản ánh thước đo hiệu quả chính quyền, không thể nói cải cách hành chính tốt khi mà chi phí không chính thức vẫn tồn tại. Về tính minh bạch, cạnh tranh, ông Nghĩa cho biết đây là mong ước của các DN, chỉ trừ mấy DN nhóm lợi ích, sân sau của lãnh đạo mới không cần chỉ số này. Ông Nghĩa nói: “Lên hạng nhất đã khó, giữ càng khó hơn. TP phải nỗ lực không để tụt khỏi top 5, nếu để tụt sâu quá là vô trách nhiệm với nỗ lực của những người đi trước”. Ông Nghĩa cũng khẳng định, DN phát triển là thước đo sự phát triển của một địa phương. Nếu không đẩy mạnh phát triển DN  thì TP không bao giờ phát triển được. Đây là quan điểm TP đang tập trung hiện nay. Ông Nghĩa cũng mong DN luôn đồng hành, duy trì thẳng thắn trong phát biểu, nếu không thẳng thắn sẽ không có minh bạch.

Trong phát biểu kết thúc hội thảo, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, số điểm 70,1/100 của Đà Nẵng trong năm 2017 là số điểm quanh quẩn trong mức 10 năm qua. Do vậy, Đà Nẵng bị đánh giá trong nhóm cải thiện thấp, tức là không cải thiện được nữa. Các địa phương khác tiến lên, TP cứ loay hoay, chưa tìm ra đổi mới, sáng tạo, chưa thoát ra được. Ông Thơ nói, còn 30 điểm nữa, dư địa để Đà Nẵng cải thiện chỉ số PCI còn lớn. Với 3 chỉ số Đà Nẵng tụt hậu, được đề cập, phân tích sâu, ông Thơ cho biết giải pháp chính sẽ là đẩy mạnh cải cách hành chính. Đồng thời, tập trung chỉ đạo tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của chính quyền. “DN hỏi phải trả lời, không thể không trả lời hoặc úp mở. Việc cải thiện phải tập trung vào các sở, ngành mà người dân, DN có nhiều ý kiến như Sở Xây dựng, Tài nguyên &Môi trường, Kế hoạch & Đầu tư”.

HẢI QUỲNH