Đà Nẵng lần thứ 10 liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng ICT Index

Thứ năm, 30/08/2018 19:00

Ngày 29-8, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Tin học Việt Nam công bố bảng xếp hạng chỉ số "Sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam năm 2018" (Vietnam ICT Index 2018). Theo đó, TP Đà Nẵng tiếp tục xếp hạng Nhất nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ số Vietnam ICT Index năm 2018 với số điểm 0,94/1. Đây là lần thứ 10 liên tiếp (2009-2018) TP Đà Nẵng vinh dự dẫn đầu bảng xếp hạng này. Xếp vị trí thứ hai và ba vẫn thuộc về TP Hồ Chí Minh (0,67/1)  và TP Hà Nội (0.65/1).

Biểu đồ chỉ số Vietnam ICT Index qua các năm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc TP Đà Nẵng 10 năm liên tiếp gần đây đứng Nhất chỉ số Vietnam ICT Index (trong 14 năm đánh giá) chứng tỏ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại Đà Nẵng đi vào chiều sâu, thực chất và liên tục cập nhật, cải tiến. Được biết, báo cáo chỉ số Vietnam ICT Index được Hội tin học và Bộ TT&TT thực hiện thí điểm vào năm 2004 (TP Đà Nẵng cũng xếp vị thứ nhất) và đưa vào áp dụng chính thức từ năm 2005. Qua hàng năm, Bộ tiêu chí ICT Index được cải tiến liên tục, theo chuẩn mực quốc tế; với hơn 100 tiêu chí con, đánh giá toàn diện các mặt hạ tầng kĩ thuật, nhân lực, việc xây dựng chính sách cũng như xây dựng và ứng dụng CNTT- truyền thông (TT). Số liệu để đánh giá ICT Index được thu thập, thống kê toàn diện và được kiểm tra, rà soát. Chỉ số ICT Index là chỉ số chính thống về ứng dụng và phát triển CNTT-TT, phản ánh bức tranh chân thực, khách quan và toàn diện nhất về việc đảm bảo điều kiện cho phát triển CNTT-TT của các cơ quan, địa phương tại Việt Nam. Chỉ số ICT Index cũng gắn kết, hỗ trợ đối với chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Cải cách hành chính (PAR Index). Đồng thời, Bộ chỉ số còn thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng trong việc định hình xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử và thành phố thông minh trong giai đoạn hiện nay và định hướng tới năm 2025. Chính vì vậy, Báo cáo chỉ số Vietnam ICT Index được công bố hàng năm được Chính phủ và các tỉnh thành xem là tiêu chuẩn để đánh giá tình hình xây dựng và phát triển CNTT-TT của mình, từ đó đưa ra các tiêu chí cụ thể để khắc phục và phấn đấu, đạt được thành tích cao hơn. Liên tục từ năm 2009 đến nay, Đà Nẵng luôn giữ vững ngôi đầu bảng cả nước về chỉ số này.

Đối với chỉ số thành phần hạ tầng kỹ thuật (gồm hạ tầng kỹ thuật xã hội như tỷ lệ điện thoại cố định/di động, tỷ lệ thuê bao Internet, tỷ lệ thuê bao băng rộng... và hạ tầng kỹ thuật cơ quan nhà nước như tỷ lệ máy tính, tỷ lệ băng thông, triển khai các giải pháp an toàn thông tin...), Đà Nẵng đạt 0,93/1 điểm, tạo khoảng cách khá xa so với địa phương đứng ở vị trí thứ 2 (Bà Rịa-Vũng Tàu với 0,76/1) và vị trí thứ 3 (TP Hồ Chí Minh với 0,58/1). Về hạ tầng nhân lực, sau 2 năm liên tiếp đứng thứ 2 cả nước, năm nay Đà Nẵng vươn lên vị trí đầu bảng với số điểm 0,96/1. Đây cũng là năm chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực này của tỉnh Hà Tĩnh, khi tiến từ vị trí thứ 33 (năm 2016 và 2017) lên vị trí thứ 2. Ở chỉ số thành phần ứng dụng CNTT, Đà Nẵng cũng tiếp tục dẫn đầu với mức điểm 0,93/1. Đặc biệt, thành phố đạt điểm tối đa trong việc ứng dụng CNTT trong nội bộ các cơ quan nhà nước. Trong khi đó, việc ứng dụng CNTT qua các dịch vụ công trực tuyến đứng thứ 4, sau TT-Huế, Quảng Ninh và Hà Nam.

Ông Nguyễn Quang Thanh trao đổi với báo chí sau khi có kết quả công bố chỉ số Vietnam ICT Index năm 2018.

Theo ông Nguyễn Quang Thanh-Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng, kết quả chỉ số Vietnam ICT Index 2018 được Bộ TT&TT và Hội Tin học Việt Nam đánh giá thông qua 3 tiêu chí. Thứ nhất về hạ tầng kỹ thuật về CNTT - TT, trong đó có hạ tầng kỹ thuật xã hội, hạ tầng kỹ thuật của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kỹ thuật xã hội phục vụ cho chính quyền điện tử. Thứ 2 về nguồn nhân lực CNTT. Nguồn nhân lực CNTT cũng được đánh giá 3 nguồn tiêu chí (nguồn nhân lực của xã hội, nguồn nhân lực của các cơ quan nhà nước và nguồn nhân lực của công dân trong việc ứng dụng CNTT). Thứ 3 là dịch vụ công trực tuyến. Đây là một trong những tiêu chí đánh giá về việc tiếp cận của tổ chức, công dân trên môi trường mạng. Khác với mọi năm, tiêu chí dịch vụ công trực tuyến trong năm 2018 tập trung vào chất lượng của việc triển khai dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, bên cạnh về mặt số lượng thì chất lượng của dịch vụ công trực tuyến dựa trên 2 tiêu chí: số lượng hồ sơ nộp và tỉ lệ giải quyết hồ sơ trên hệ thống mạng. "Việc Đà Nẵng liên tiếp đứng đầu về chỉ số Sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT cho thấy tầm nhìn của lãnh đạo thành phố. Đó là lãnh đạo thành phố đã lấy CNTT làm công cụ để phục vụ công tác cải cách hành chính và tạo môi trường, tạo điều kiện để tổ chức, công dân tiếp các dịch vụ hành chính nhà nước thông qua môi trường mạng...", ông Thanh khẳng định

Ông Nguyễn Quang Thanh cho rằng, thời gian qua, Đà Nẵng đã  tập trung các nguồn lực cần thiết, trong đó bao gồm cả nguồn nhân lực và nguồn kinh phí để đảm bảo cho hệ thống thông tin chính quyền điện tử hoạt động một cách thông suốt. Đồng thời, thành phố cũng bảo đảm nguồn nhân lực để có thể đối phó với những trường hợp bất ngờ, những trường hợp liên quan đến an toàn an ninh thông tin cũng như chuẩn bị nguồn nhân lực để có thể tham mưu cho UBND TP trong quá trình nâng cấp và triển khai những công nghệ mới trong hệ thống. Ông Thanh cho biết: "Đà Nẵng xác định việc triển khai chính quyền điện tử, thành phố thông minh là một quá trình lâu dài đòi hỏi sự nỗ lực, sự cố gắng không ngừng từ phía lãnh đạo thành phố và các sở ngành, địa phương trong vấn đề về tầm nhìn, những thay đổi phù hợp trong từng giai đoạn cụ thể. Năm 2010, Đà Nẵng bắt đầu xây dựng chính quyền điện tử và cho đến hiện nay thành phố đang bước sang một giai đoạn mới, một phiên bản mới đối với chính quyền điện tử đó là định hướng cho thành phố thông minh...".

Cũng theo ông Thanh, để tiếp tục duy trì kết quả đã đạt được trong 10 năm qua, thời gian đến, thành phố sẽ tiếp tục tập trung đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Cũng như, tập trung vào việc triển khai các dịch vụ công, đặc biệt là tiếp tục hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến, để bảo đảm được điều kiện, môi trường cho tổ chức, công dân có thể tiếp cận các dịch vụ hành chính công thông qua môi trường mạng... "Đó là một trong những công cụ mà tôi nghĩ rằng nó giúp cho chúng ta công khai, minh bạch. Nó giúp chúng ta chia sẽ các thông tin để xây dựng một nền kinh tế số và đồng thời nó giúp chúng ta trao đổi các thông tin của các cơ quan nhà nước... Chúng tôi nghĩ rằng với lộ trình đó, với những quyết tâm từ phía lãnh đạo thành phố thì Đà Nẵng sẽ sớm hoàn thành, sớm đạt được những kết quả như đã kỳ vọng...", ông Thanh nhấn mạnh.

TRÍ DŨNG