Đà Nẵng lên phương án chủ động trước nhiều kịch bản thiên tai

Thứ năm, 11/09/2014 06:49

(Cadn.com.vn) - Ngày 10-9, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết chủ trì hội nghị triển khai các phương án phòng tránh và khắc phục hậu quả ứng với các kịch bản thiên tai trước mùa mưa bão.

BCH PCLB&TKCN thành phố đã đưa ra 6 kịch bản dựa trên số liệu thống kê về các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trong quá khứ đã tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết chủ trì hội nghị sáng 10-9. 

NẾU CÓ SIÊU BÃO, ĐÀ NẴNG SẼ DI DỜI 1/4 DÂN SỐ

Ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng, Phó BCH PCLB&TKCN TP Đà Nẵng cho hay, hiện đã lên kịch bản cho 6 tình huống gồm: bão và bão mạnh (gió cấp 8 đến cấp 11), bão rất mạnh và siêu bão (gió cấp 12 trở lên), lũ, lũ quét, vỡ hồ chứa nước và sóng thần.

Trong số này, với đặc điểm của địa hình và khí hậu miền Trung, Đà Nẵng quan tâm nhất tới bão rất mạnh và siêu bão. Điển hình cho mức độ này là bão Xangsane (bão số 6 năm 2006) đổ bộ trực tiếp vào thành phố với sức gió cấp 13, giật cấp 15, 16. Ở cấp 13, tại khu vực ven biển nước có thể dâng đến 2m; bão cấp 16 thì vùng ven bờ có thể đến 3,8m và sóng rất lớn. Nước biển dâng sẽ ngập sâu vào đất liền và sóng lớn sẽ gây ảnh hưởng nặng đến khu dân cư ven bờ biển.

Theo BCH PCLB&TKCN thành phố, để an toàn tính mạng, tài sản cho người dân thì với bão rất mạnh (cấp 12, 13), toàn thành phố sẽ phải chủ động di dời 43.226 hộ dân với 175.660 khẩu; bão đặc biệt mạnh (cấp 14-15) thì phải di dời tới 56.646 hộ, 225.962 khẩu. Đặc biệt, với tình huống siêu bão (cấp 16-17) thì thành phố sẽ phải sơ tán 58.212 hộ, 250.781 khẩu (tức tương đương khoảng 1/4 dân số).

Trong tất cả mọi kịch bản, với địa hình giáp biển nhiều nhất, Q. Liên Chiểu đứng đầu về số hộ dân phải sơ tán (14.799 cho bão cấp 12-13, 17.118 hộ cho bão từ cấp 14-16). Về khoảng cách sơ tán, BCH PCLB&TKCN cho hay, để đảm bảo an toàn thì khi có bão rất mạnh phải di chuyển người dân cách bờ biển khoảng 300m (trừ các nhà kiên cố và 3 tầng trở lên), còn bão đặc biệt mạnh thì khoảng cách này phải đạt trên 600m (trừ các hộ sống trong nhà kiên cố và 4 tầng trở lên).

Diễn tập cứu hộ cứu nạn trên biển tại Đà Nẵng.

TRƯNG DỤNG KHÁCH SẠN LÀM NƠI SƠ TÁN ĐẾN

Để chủ động cho việc sơ tán của người dân trong các tình huống, Sở Xây dựng đã phối hợp với UBND các quận, huyện, Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng, Viện Quy hoạch xây dựng tiến hành kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các công trình làm nơi tập kết. Theo đó, số công trình được đề xuất làm điểm sơ tán đến là 527 địa điểm.

Tại cuộc họp này một vấn đề mới được đại diện các sở, ban ngành và địa phương đưa ra thảo luận là có nên hay không việc trưng dụng các khách sạn tư nhân trên địa bàn mỗi địa phương làm điểm tập kết đến nếu các công trình công cộng không đủ đáp ứng. Bà Trần Thị Thanh Tâm – Phó Chủ tịch UBND Q. Sơn Trà cho hay, nếu có bão cấp 14-15 thì như kịch bản, toàn quận phải sơ tán 59.000 dân cách bờ biển 600m, còn nếu bão cấp 16 trở lên thì phải sơ tán 99.000 dân với khoảng cách 1km.

Với số lượng này, các công trình công cộng, thậm chí nếu được phép cho vào các khách sạn tư nhân như đề xuất của một số ý kiến đi nữa cũng không đủ để đáp ứng. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng phải cân nhắc việc sơ tán người dân đến trú ẩn tại các khách sạn. Tuy đây sẽ giải quyết được một lượng lớn nhu cầu sơ tán đến cho người dân nhưng quan trọng nhất là phải làm việc với chủ các khách sạn đồng thời đảm bảo tài sản cho họ sau khi thiên tai đi qua.

Đây là một tình huống không đơn giản. Một số ý kiến cho rằng trong tình huống nguy hiểm thì cộng đồng phải tương trợ nhau trong khi nhiều người khác lại nói việc này nếu làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, chất lượng kinh doanh của các chủ khách sạn sau khi dùng cho việc sơ tán.

Người dân được sơ tán đến địa điểm an toàn trước khi bão Nari năm 2013 đổ bộ vào Đà Nẵng.

HOÀN CHỈNH PHƯƠNG ÁN TRƯỚC NGÀY 20-9

* Tại hội nghị này, BCH PCLB&TKCN cũng trình lãnh đạo UBND thành phố và tham khảo ý kiến của các sở, ban ngành trước khi phát hành Sổ tay phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tại cộng đồng.

Theo đó, trước mùa mưa, tài liệu này sẽ được in với số lượng lớn để phát tận tay người dân nhằm nâng cao kiến thức ứng phó với các tình huống thiên tai thường gặp, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết cho rằng, trong thời gian qua, các quận, huyện, sở, ban ngành đã liên tục tiến hành khảo sát, trình phương án để dần dần hoàn thiện quy trình phòng tránh và khắc phục hậu quả ứng với các kịch bản thiên tai để chủ động trước mùa mưa bão. Điều này chứng tỏ các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm đến tính mạng, tài sản của nhân dân.

Phó chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, các đơn vị nhanh chóng hoàn chỉnh phương án với việc bổ sung những ý kiến đóng góp, trong đó phải thêm kịch bản cho tình huống vừa bão vừa lũ. Đối với phương án cưỡng chế các chủ tàu không chịu di dời khi bão sắp đổ bộ cũng như việc trưng dụng các khách sạn làm nơi tập kết cho người dân, ông Phùng Tấn Viết cho biết sẽ xin ý kiến chủ tịch UBND thành phố để đi đến quyết định.

Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng riêng một kịch bản cho H. Hòa Vang ứng phó với lũ cũng như khảo sát triển khai xây dựng hầm chữ A cho một số khu vực của huyện này trú tránh bão. “Các sở, ban ngành phải hoàn thiện phương án riêng của lĩnh vực mình phụ trách cho 3 giai đoạn là trước, trong và sau bão. Thành phố giao BCH PCLB&TKCN hoàn thiện phương án trước ngày 20-9 để triển khai thực hiện. Các phương án phải tính hết được nhiều khả năng để đảm bảo tốt nhất tính mạng, sức khỏe của người dân khi có thiên tai”, Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết nhấn mạnh.

Công Khanh