Đà Nẵng loay hoay chống quá tải hạ tầng đô thị

Thứ năm, 12/12/2019 09:11

Trong phiên thảo luận và trả lời chất vấn ngày 11-12 tại Kỳ họp thứ 12 của HĐND TP Đà Nẵng, các đại biểu đã tập trung vào nhiều vấn đề bức thiết đặt ra với TP hiện nay. Cụ thể như nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công, giảm áp lực quá tải hạ tầng đô thị, siết quản lý codotel, chống ùn tắc giao thông...

Ùn tắc giao thông giờ cao điểm ở Đà Nẵng ngày càng nghiêm trọng.

Tìm cách tiêu tiền

Năm 2019 bố trí vốn đầu tư công cho Đà Nẵng khoảng 7 ngàn tỷ đồng nhưng hết tháng 11 mới giải ngân được trên 50%, thấp hơn nhiều kế hoạch đề ra. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư công cho năm 2020 khoảng 14,3 ngàn tỷ đồng, cao gấp đôi, Đà Nẵng phải làm gì để hấp thụ hết số vốn đó? Theo các đại biểu, sở dĩ năm 2019 giải ngân vốn đầu tư công thấp so với kế hoạch vì vướng thủ tục, vướng giải phóng mặt bằng dẫn tới nhiều công trình trọng điểm chậm tiến độ, thiếu động lực phát triển kinh tế. Nhiều đại biểu đề nghị thành lập tổ đặc biệt về giải ngân vốn đầu tư công để quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc hiện tại, đồng thời đề xuất thêm nhiều dự án mới như các bãi đỗ xe, các công trình về môi trường.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Phước Sơn có nhiều cơ sở để kỳ vọng kết quả giải ngân năm 2020 sẽ cao hơn. Ông Sơn nói, trong nhóm công trình dự án trọng điểm, qui mô lớn thời gian qua chủ yếu hoàn thiện hồ sơ thủ tục, sẽ đồng loạt khởi công vào đầu năm 2020. Như vậy nhu cầu vốn, tiến độ giải ngân của các công trình này sẽ cao hơn nhiều năm trước. Cụ thể số vốn bố trí cho các công trình này gần 5,1 ngàn tỷ đồng (chiếm 40% tổng vốn đầu tư). Về giải pháp cụ thể để giải ngân, theo ông Sơn cần rà soát, phân tích kỹ các khâu, thủ tục vướng mắc trong thời gian qua , nhất là công tác giải phóng mặt bằng để có giải pháp tháo gỡ.

Giám đốc Sở Du Lịch trả lời chất vấn chiều 11-12.

Giải áp lực hạ tầng xã hội

Đại biểu Lê Xuân Hòa cho biết, bên cạnh những vấn đề lớn TP đang giải quyết như quá tải hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật ở các tuyến phố, quá tải bệnh viện công thì hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu dân sinh cần được quan tâm đầu tư thời gian tới. Theo ĐB Hòa, công tác qui hoạch và sử dụng đất những năm qua chưa đáp ứng nhu cầu xây dựng, phát triển hạ tầng xã hội phục vụ dân sinh. Đơn cử mỗi năm tăng 8,5 ngàn học sinh, dự kiến tới 2030 dân số hơn 1,4 triệu người cần hơn 2,8 triệu m2 đất để xây cơ sở hạ tầng cho giáo dục, nhưng hiện diện tích đất qui hoạch cho giáo dục 217 ngàn m2 với 21 lô, một con số rất quan ngại. Đà Nẵng hiện có trên 70 ngàn công nhân, song chỉ có 1 trung tâm văn hóa thể thao tại KCN Hòa Khánh.Tại nhiều khu đô thị mới dân cư đông nhưng vẫn trắng hạ tầng xã hội.

Từ thực tế đó, ĐB Hòa cho rằng, cần kiên quyết bổ sung quỹ đất dành cho giáo dục để đáp ứng qui mô dân số trong tương lai. Với quỹ đất dành cho văn hóa thể thao cần rà soát, điều chỉnh tránh bố trí dàn trải, chạy theo số lượng như hiện nay. Trong đó cần tính tới vị trí diện tích để thu hút đầu tư xã hội hóa. Bên cạnh đó, TP cần sớm gỡ vướng mắc trong việc xác định giá đất với các khu đất xây dựng hạ tầng xã hội do nhà đầu tư trực tiếp đầu tư tại các khu dân cư, khu đô thị mới. Đặc biệt cần quyết liệt làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc chậm đầu tư tiến độ đã được phê duyệt.

Nhiều ĐB nêu thực trạng ùn tắc giao thông tại Đà Nẵng do phương tiện giao thông cá nhân tăng cao (gần 90 ngàn ô-tô, gần 1 triệu xe máy) trong khi mạng lưới hạ tầng giao thông tăng không nhiều. Chưa kể kết cấu giao thông khu vực trung tâm theo ô bàn cờ quá nhiều giao cắt đồng mức nên triển khai xe bus công cộng rất khó. Mặc dù mỗi năm TP trợ giá cho xe bus để tăng cường vận tải công cộng hơn 80 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ người đi xe bus rất thấp. Hơn nữa, do thiếu bãi đỗ xe nên tình trạng đậu đỗ xe trên đường tràn lan, lòng đường trở thành nơi đậu xe ô-tô thay vì lưu thông. Việc triển khai thu phí đậu đỗ ô-tô trên các tuyến đường chính như Bạch Đằng, Trần Phú vướng công nghệ thu phí nên thí điểm 2 năm vẫn chưa mở rộng được. Các công trình khách sạn, nhà hàng yêu cầu phải có bãi đậu xe nhưng thiếu kiểm soát nên thực hiện chưa nghiêm. Rõ ràng, việc chống ùn tắc giao thông với Đà Nẵng hiện vẫn loay hoay, bế tắc.

Đại biểu Tô Văn Hùng tham gia thảo luận về chống ùn tắc giao thông đô thị.

Lĩnh vực xây dựng rất “nóng”

Trong phiên thảo luận, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Nho Trung đã nêu ra hàng loạt vấn đề bức thiết của TP đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng giải trình.Chẳng hạn về nhà ở xã hội, quản lý codotel, quy hoạch treo, quy hoạch quỹ đất dành cho văn hóa- giáo dục.Ông Trung nói: Chúng ta xử lý rất nghiêm túc đối với biệt phủ ở Hải Vân thế bây giờ Mường Thanh thế nào?  Việc này đã kéo dài gần 2 năm, bây giờ có làm hay không?. Rồi vấn đề nước sạch, đang mùa đông mà như hè, nước tích ở hồ thủy điện mới đạt 50%, sản xuất chưa chắc đủ nước, rồi nước sinh hoạt, Đà Nẵng mừng vì khách đến đông, nhưng đến mà không có nước dùng thế này đến để làm gì? Chưa nói đến đời sống của nhân dân.

Giải trình từng vấn đề, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Tùng Lâm cho biết, hiện toàn TP có 798 dự án trong đó khoảng 500 dự án chưa hoặc chậm triển khai. Chẳng hạn như dự án Làng đại học, Nhà ga tuyến đường sắt mới, tại các khu vực này quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng kéo dài liên quan tới thủ tục tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, xây sửa nhà. Hiện TP đang rà soát các dự án treo để xử lý theo hướng điều chỉnh hoặc hủy bỏ dự án tùy theo điều kiện, tính chất cụ thể. Đồng thời, đề xuất quỹ đất tái định cư cho các dự án có tiến độ kéo dài, các đồ án qui hoạch mang tính định hướng.

Giám đốc Sở Xây dựng giải trình trước HĐND sáng 11-12.

Hiện nhu cầu mua, thuê nhà ở xã hội tăng, Theo ông Lâm, vấn đề codotel hiện đang nóng tại Đà Nẵng và cả nước. Trong năm 2016 và 2017 Sở Xây dựng đã cấp phép cho 6 dự án với khoảng 7.590 căn hộ, trong đó đã đi vào hoạt động 1.700 căn hộ. Vướng mắc hiện nay trong công tác quản lý codotel là quy chuẩn thiết kế, cấp giấy chứng nhận cho người mua và quản lý vận hành, cam kết giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp.Các vướng mắc này hiện các Bộ vẫn đang nghiên cứu, chưa có hướng dẫn thực hiện. Về nhu cầu nhà ở xã hội đang tăng, ông Lâm cho biết, năm 2019 nhận 100 đơn thuê, hơn 500 đơn mua. Theo định hướng đến 2020 phải tiếp tục đưa vào hoạt động 1.800 căn hộ, vốn ngân sách khoảng 450 căn. Sở đã tham mưu TP lựa chọn 10 khu đất sạch để kêu gọi đầu tư nhà ở xã hội, xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu dự án.Với tổ hợp Mường Thanh, ông Lâm cho biết từ tháng 2 đến tháng 10 năm sau sẽ hoàn thiện tháo dỡ. Riêng giải tỏa áp lực thiếu nước sạch, ông Lâm cho biết TP đang triển khai nhiều giải pháp như mở rộng nâng cấp nhà máy nước Cầu Đỏ, mở rộng đường ống cấp nước qua Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, khẩn trương xây dựng nhà máy nước Hòa Liên.

Đà Nẵng đã cấp phép 6 dự án với gần 7.600 căn hộ codotel.

Từ giải trình của ông Lâm, Chủ tịch HĐND TP nói: Cái codotel ấy, ta thì cứ sẽ và đang làm, DN thì đã triển khai và đã hoàn thành, hệ quả thì người dân, xã hội gánh chịu. Cách quản lý thế này từ Trung ương tới địa phương rõ ràng quá bất cập. Trách nhiệm này phải làm rõ và sớm có giải pháp tháo gỡ. Về sai phạm tại Mường Thanh, ông Trung đề nghị đại biểu HĐND, người dân giám sát lời nói của Giám đốc Sở Xây dựng là sẽ tháo dỡ từ tháng 2 năm sau. Điều này để đảm bảo công bằng, khi mà dân mới xây cái nhà bếp mình xuống đập còn cả cái tổ hợp lớn thế mãi chưa xử lý xong, đồng thời cũng để DN khác thấy mà thực hiện nghiêm quy định.

H.QUỲNH- K.THANH

Nghịch lý du lịch

Nhiều đại biểu nói du lịch Đà Nẵng được đầu tư nhiều, lượng khách tăng cao nhưng doanh thu không tương xứng, điều này phản ánh chất lượng du lịch có vấn đề. Chẳng hạn hơn 60 ngàn phòng lưu trú vốn dĩ đã thừa, nhưng 80% trong đó khách sạn từ 2 sao trở xuống, rất khó để có du lịch chất lượng cao. Chủ tịch HĐND Đà Nẵng nói mấy chợ đêm của Đà Nẵng nhếch nhác, 10 giờ đã đóng cửa, đi chẳng biết mua gì. Du khách tăng, hạ tầng quá tải, nhưng khách tới không tiêu gì, với mức thu như hiện nay không đủ để giải quyết bài toán quá tải hạ tầng. Để nâng chất lượng du lịch Đà Nẵng cần có sản phẩm đẳng cấp, có nơi giải trí tầm cỡ để du khách tiêu tiền, nhưng trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Du lịch nói rằng với hơn 50 bước thủ tục để được cấp phép, triển khai một dự án du lịch, giải trí đẳng cấp nhà đầu tư phải mất 3 năm. Trong lúc đó, giải pháp trước mắt, Đà Nẵng sẽ phát triển kinh tế về đêm tại một số tuyến đường như Bạch Đằng nối dài, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp để du khách có chỗ tiêu tiền.