Đà Nẵng loay hoay với rác thải rắn

Thứ tư, 30/05/2018 10:01

Trước sức ép đô thị hóa, khối lượng rác thải rắn (RTR) tại Đà Nẵng ngày càng gia tăng, bãi rác Khánh Sơn quá tải, vì thế việc xây dựng một Khu liên hiệp (KLH) xử lý rác thải rắn công nghệ tiên tiến thay vì chôn lấp trở nên cấp bách. Tuy vậy, KLH xây ở đâu, nguồn vốn nào, công nghệ ra sao... vẫn là bài toán chưa có lời giải. Tại hội thảo xúc tiến đầu tư KLH xử lý chất thải rắn tại Đà Nẵng ngày 29-5, nhiều giải pháp được bàn thảo, song vẫn chưa có lời giải cụ thể.

Hội thảo xúc tiến đầu tư vào dự án KLH xử lý chất thải rắn Đà Nẵng thu hút nhiều chuyên gia, nhà đầu tư tham dự. 

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng Lê Quang Nam cho biết, lượng RTR của TP phát sinh mỗi ngày trung bình từ 850 -900 tấn, tỷ lệ thu gom chôn lấp đạt 90%. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, lượng RTR phát sinh số lượng ngày càng lớn, một mặt do TP mở rộng diện thu gom ra cả huyện Hòa Vang, song mặt khác cũng phải thấy tỷ lệ dân cư, qui mô đô thị đã mở rộng đáng kể. Tại Đà Nẵng, RTR sau thu gom mới dừng lại ở công nghệ... chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn. Bãi rác này hiện có diện tích hơn 32ha và chỉ có 5 hộc chôn lấp chất thải rắn không nguy hại diện tích gần 14ha. Chưa đầy 2 năm nữa, bãi rác sẽ lấp đầy công suất thiết kế. Ông Nam nói, có nhiều thách thức đang đặt ra cho vấn đề xử lý RTR của Đà Nẵng hiện nay. Cụ thể, tỷ lệ phân loại, tái chế, tái sử dụng RTR sinh hoạt chưa cao dẫn tới lãng phí tài nguyên rác, giảm tuổi thọ bãi rác, tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Chưa kể, RTR sinh hoạt ở Đà Nẵng có hàm lượng chất hữu cơ và độ ẩm cao dẫn đến nhiều khó khăn trong việc vận chuyển, xử lý, dễ gây nguy hại đến môi trường. "Công tác thu gom, xử lý RTR chưa đảm bảo nhu cầu, mới chỉ có mỗi Cty môi trường đô thị thực hiện, đây là điểm yếu, vì chưa xã hội hóa được nên chưa tạo ra sự cạnh tranh"- ông Nam nói.

Theo kết quả khảo sát và nghiên cứu được ông Amer Chowdhury, Chuyên gia về PPP của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cho biết, 90% RTR ở Đà Nẵng có hàm lượng có thể đốt, hơn 50% có thể tự phân hủy. Đặc biệt hơn, hàm lượng chất hữu cơ trong RTR ở Đà Nẵng rất cao, trên 60%, ngoài ra có 10-20% là nhựa, giấy. Trong khi đó, hiện ở Đà Nẵng, tỷ lệ thu hồi rác tái chế mới đạt 7-10%. Ông Amer cho rằng đang có một sự lãng phí tài nguyên rác rất lớn mà đúng ra có thể biến nó thành năng lượng gas, các sản phẩm tái chế... Với nhiều thách thức đang đặt ra, ông Lê Quang Nam cho rằng, việc quản lý RTR của Đà Nẵng cần theo hướng tăng cường tái sử dụng, tái chế, tái sinh. Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc nâng cao nhận thức cộng đồng về phân loại rác tại nguồn và tăng cường đầu tư hệ thống thu gom, vận chuyển, trạm trung chuyển rác thì cần đầu tư KLH xử lý RTR công nghệ cao và bền vững. Năm 2017, Dự án liên hợp xử lý chất thải rắn được UBND TP Đà Nẵng triển khai đầu tư theo hình thức PPP, Ngân hàng Phát triển Châu Á là đơn vị tư vấn, xây dựng hồ sơ dự thầu và tổ chức đấu thầu nhằm chọn Nhà đầu tư đáp ứng được các yêu cầu tiêu chuẩn xử lý RTR. Tại hội thảo, Đại diện ADB đưa ra 2 phương án, hoặc mở rộng bãi rác Khánh Sơn hiện tại lên qui mô 25,5 ha hoặc đầu tư xây mới KLH xử lý RTR tại xã Hòa Nhơn (H. Hòa Vang) qui mô 120 ha. Theo đó, sẽ xây dựng nhà máy xử lý RTR công suất ban đầu tối thiểu 1.000 tấn/ngày và có thể mở rộng trong tương lai.

Hiện 90% RTR của Đà Nẵng được chôn lấp ở bãi rác Khánh Sơn.

Ông Amer Chowdhury, cho biết, nếu xây dựng ở Khánh Sơn thì có điểm mạnh là kết nối với xử lý nước rỉ, lò đốt, bãi rác sẵn có, nhưng điểm hạn chế là diện tích không đủ mở rộng. Nếu xây dựng ở Hòa Nhơn thì có diện tích rộng, nhưng phải thay đổi tuyến đường thu gom rác, và có nhiều quan ngại về môi trường (gần nhà máy nước, gần sông...) nên phải cân nhắc rất nhiều. Cụ thể, phải đảm bảo đúng qui hoạch của TP, phải có vùng đệm để có thể mở rộng trong tương lai khi lượng rác thải phát sinh nhiều, phải xử lý được nước rỉ và mùi. Vị chuyên gia này cũng cho biết, dù là KLH với nhà máy xử lý rác công nghệ cao thì vẫn phải cần có những bãi chứa rác bên cạnh. Bởi lẽ với lượng RTR rất lớn như vậy không công nghệ nào có thể xử lý kịp.

Theo phương án của ADB đưa ra, các nhà thầu có thể lựa chọn, ứng dụng bất cứ công nghệ nào, như sơ tái chế, xử lý sinh học, chuyển hóa rác thành năng lượng...Tuy nhiên, công nghệ xử lý chất thải rắn đó đòi hỏi phải không gây ra ô nhiễm nào, đáp ứng các qui chuẩn về môi trường, thích ứng với những thay đổi về công suất của nhà máy trong tương lai... Tại hội thảo, nhiều đối tác cũng quan tâm, đặt câu hỏi về vấn đề tài chính cho dự án, công tác giải phóng mặt bằng, tìm đầu ra cho sản phẩm tái chế từ rác... Là dự án có vốn đầu tư lớn, trong một lĩnh vực khá ngặt nghèo về tiêu chuẩn môi trường, trong khi năng lượng, sản phẩm tái chế, nói cách khác là lợi nhuận chưa thực sự hấp dẫn, đó cũng là lý do nhiều nhà đầu tư còn phân vân. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc giải bài toán RTR của Đà Nẵng vẫn còn nhiều khó khăn.

HẢI QUỲNH