Đà Nẵng mạnh tay xử lý “virus tin giả” trên không gian mạng
Trong khi người dân đang cần những thông tin chính thức, kịp thời, rõ ràng để cùng cả hệ thống chính trị phòng chống dịch hiệu quả thì không ít người vô ý thức, thiếu hiểu biết đã lên mạng xã hội tung tin sai lệch, hoặc tỏ ra “hiểu biết” hoặc “chém gió” khiến không ít người hoang mang. Mức phạt đối với hành vi vi phạm này không hề nhỏ, nhưng “anh hùng bàn phím” vẫn xuất hiện thường xuyên.
Công an thành phố Đà Nẵng làm việc, lập hồ sơ xử lý đối với các chủ tài khoản facebook đăng tin sai sự thật về phòng chống dịch. |
Hội ăn vặt… “ăn không nói có”!
Ngày 21-9, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng ký quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng đối với bà N.M (1991, trú Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng)- quản trị viên nhóm “Hội ăn vặt Đà Nẵng” tung tin “vịt” có… 300 F0 sau khi mở cửa khu công nghiệp. Trước đó, một tài khoản facebook có tên “H.H” đăng tải lên nhóm “Hội ăn vặt Đà Nẵng” bài viết xuyên tạc về tình hình dịch bệnh tại TP Đà Nẵng với nội dung: THẾ LÀ TOANG RỒI? Giờ KCN mới mở cửa được có vài ngày đã có 300 F0 rồi như này giờ truy vết kiểu gì đây. Sao khổ quá vậy”.
Thông tin sai sự thật nhưng quản trị viên nhóm “Hội ăn vặt Đà Nẵng” (có gần 50.000 người theo dõi) đã không kiểm duyệt bài viết, để nội dung đăng tải trên nhóm của mình, gây hoang mang cho dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, ngày 20-9, Phòng An ninh chính trị nội bộ- Công an TP Đà Nẵng mời làm việc và lập biên bản vi phạm hành chính đối với người này theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ. Cùng với việc xử phạt quản trị viên, lực lượng chức năng cũng đang điều tra, xác minh chủ tài khoản facebook “H.H” để xử lý theo quy định pháp luật.
Trước đó, Công an TP Đà Nẵng cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông N.N (1990, trú P. Hòa Xuân, Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự nhân phẩm của cá nhân. Ông N. là người tham gia bình luận trong một bài viết liên quan công tác phòng, chống dịch bệnh với nội dung tiêu cực, xuyên tạc, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của thành phố. Qua buổi làm việc, ông N. đã nhận ra sai phạm và cam kết không tái phạm.
Chỉ trong thời gian từ cuối tháng 8-2021 đến những ngày đầu tháng 9 vừa qua, Công an quận Liên Chiểu đã làm rõ gần 10 vụ người dân đăng tin giả “kêu cứu” trên mạng xã hội, khiến dư luận hiểu lầm về công tác cứu trợ của thành phố. Điển hình như ngày 18-8, tài khoản facebook Trần Thị Diệu My và Phạm Tuấn Kiệt đăng tải, chia sẻ bài viết tiêu đề “Người đang cần thì không giúp, người có lại có thêm, ai ở gần giúp đỡ em ấy với”. Nội dung đăng tải còn công khai rõ địa chỉ người cần giúp đỡ đang ở số 303- Nguyễn Lương Bằng.
Thế nhưng qua xác minh thì cán bộ UBND P. Hòa Khánh Bắc phát hiện người ở tại địa chỉ 303- Nguyễn Lương Bằng là một nam thanh niên. Người này khẳng định không quen biết chủ 2 tài khoản facebook trên, không gặp khó khăn và không đăng tải nội dung kêu cứu. Nam thanh niên cũng từ chối nhận quà cứu trợ của phường và đề nghị hỗ trợ trường hợp khác khó khăn hơn.
Cơ quan Công an đã làm rõ 2 tài khoản facebook trên đều do bà Trần Thị Diệu My quản lý, sử dụng nhưng bà My là công dân trú tại phường Hòa Hiệp Nam chứ không phải ở địa chỉ 303- Nguyễn Lương Bằng (P. Hòa Khánh Bắc).
Ngoài các trường hợp đã bị xử phạt, nhiều trường hợp khác sẽ được mời làm việc để xử lý sau dịch. |
Sẽ xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm
Theo Thượng tá Nguyễn Hưng Lợi- Phó trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an TP Đà Nẵng, trong các đợt dịch từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng nghiệp vụ của Phòng và Công an các quận huyện đã nắm bắt tình hình, phát hiện hơn 20 trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật trên không gian mạng. Phổ biến nhất là sử dụng facebook cá nhân đăng các thông tin thiếu căn cứ về tình hình dịch bệnh, cắt ghép hình ảnh, gây hoang mang dư luận, bình luận tiêu cực, không đúng thực tế. Một số nhằm mục đích tăng tương tác để bán hàng online, số còn lại do thiếu hiểu biết về cách tiếp cận, sử dụng thông tin, không nắm rõ các quy định của pháp luật về lĩnh vực an ninh mạng.
Cơ quan Công an đã mời làm việc, ra quyết định xử phạt 8 trường hợp với tổng mức phạt 95 triệu đồng, răn đe, nhắc nhở, yêu cầu gỡ bỏ bài viết và cam kết chấp hành nghiêm quy định pháp luật trên không gian mạng đối với 6 trường hơp. Hiện lực lượng chức năng cũng đang hoàn tất thủ tục mời làm việc với một số trường hợp khác đồng thời chuyển Công an các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam phối hợp xử lý 2 trường hợp vi phạm. Cạnh đó, từ môi trường không gian mạng, Công an các địa phương cũng đã phát hiện, xử lý theo Nghị định 17 đối với nhiều trường hợp không chấp hành nghiêm Chỉ thị của thành phố trong phòng, chống dịch.
“Trong công tác phòng chống dịch, rất nhiều hình ảnh đẹp, hành động thiết thực, thể hiện sự đồng thuận giữa người dân và chính quyền Đà Nẵng được lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực. Bên cạnh đó cũng có những thông tin tiêu cực, sai sự thật, thiếu căn cứ, gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh của thành phố. Ngoài các trường hợp đã bị xử phạt, cơ quan Công an cũng đang theo dõi, xác minh một số chủ tài khoản khác và hoàn thiện hồ sơ để xử lý nghiêm theo quy định sau thời gian giãn cách chống dịch”, Thượng tá Nguyễn Hưng Lợi thông tin.
CÔNG KHANH