Đà Nẵng nằm trong tốp 5 của cả nước đi đầu trong công tác bảo vệ quyền trẻ em

Thứ bảy, 05/10/2019 16:57

Đó là thông tin được bà Lê Thị Nga - Ủy viên BCH TƯ Đảng, Ủy viên Ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy Ban Tư pháp của Quốc hội, Trưởng Đoàn Giám sát Quốc hội khóa XIV số 2- tại buổi làm việc TP Đà Nẵng chiều 4-10. Cũng theo bà Lê Thị Nga, với những kết quả đã đạt được này, Đà Nẵng được Quỹ Nhi Đồng của Liên Hiệp Quốc dự kiến chọn để xây dựng sáng kiến TP thân thiện trẻ em!

Trưởng Đoàn Giám sát số 2 Quốc hội khóa XIV Lê Thị Nga phát biểu tại buổi làm việc với Đà Nẵng.

Những con số ấn tượng!

Sau khi buổi giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại UBND Q. Thanh Khê; đi thực tế, khảo sát đột xuất tại một số trường học, trung tâm giáo dục ở Q. Thanh Khê và Liên Chiểu và từ báo cáo tóm tắt của UBND TP,  các thành viên trong Đoàn Giám sát số 2 của Quốc hội khóa XIV ghi nhận, đánh giá rất cao những kết quả mà Đà Nẵng đã đạt được trong công tác bảo vệ trẻ em nói chung, công tác triển khai phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Không chỉ có thế, Đà Nẵng rất có tinh thần cầu thị, thẳng thắn nhìn nhận những mặt hạn chế, chưa làm được và không hề chủ quan trong công tác dự báo tình hình. Nói khác đi, cách nhìn nhận vấn đề của Đà Nẵng trên lĩnh vực công tác này rất tốt.

Cũng như các thành viên trong Đoàn Giám sát số 2 Quốc hội Khóa XIV, Trưởng đoàn Lê Thị Nga đặc biệt ấn tượng bởi trước thông số thống kê của Đà Nẵng, đó là: Số lượng trẻ em đang trong độ tuổi đi học nhưng không được đến trường chỉ có 55 em, so với cả nước là rất thấp. Kết quả này có được là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội. Không có trẻ em Đà Nẵng lang thang không có nơi cư trú. “Nếu thực sự không có, thì đây cũng là thành tích đáng phấn khởi của Đà Nẵng”, bà Lê Thị Nga nhận xét.

Ngoài ra, cũng theo bà Nga, các văn bản cũng đã được TP ban hành khá kịp thời, triển khai xuống các quận huyện, cơ sở tốt. Đặc biệt, Đà Nẵng đã rất làm tốt, nổi bật trong công tác tuyên truyền bài bản, phong phú với nhiều mô hình, cách làm mới mà không phải địa phương nào cũng làm được. Nhất là một số mô hình các đoàn thể làm được trong hệ thống giáo dục. “Cho đến nay, Đà Nẵng nằm trong tốp 5 tỉnh của cả nước đi đầu trong công tác bảo vệ quyền trẻ em (đứng thứ 4- P.V). Với kết quả đó, Quỹ Nhi Đồng của Liên Hiệp Quốc đã dự kiến chọn Đà Nẵng để xây dựng sáng kiến TP thân thiện trẻ em”- bà Nga thông tin. Ngoài ra, Đà Nẵng còn làm khá tốt công tác thanh tra liên ngành về trẻ em. Công tác điều tra, truy tố, xét xử trên lĩnh vực này cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhất là những vụ nổi cộm được dư luận xã hội quan tâm đã được ngành chức năng xử lý nghiêm minh.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng  Lê Trung Chinh báo cáo một số kết quả Đà Nẵng đã làm được trên lĩnh vực công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em.   Ảnh: P.T

Cần thực hiện bài bản hơn!

Tuy nhiên, cũng theo Trưởng đoàn Giám sát số 2 Quốc hội Khóa XIV, nếu Đà Nẵng thực hiện bài bản hơn thì kết quả sẽ còn tốt hơn nữa. Vì vậy, bà Lê Thị Nga đề nghị Đà Nẵng cần có kế hoạch riêng về triển khai luật trẻ em năm 2017, phân công phân nhiệm rõ ràng. Đặc biệt cần chú ý những nhóm trẻ có nguy cơ cao về xâm hại, cụ thể: Trẻ có bố mẹ ly hôn (trên 600 trẻ), trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ có khả năng rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Theo đó, các cơ quan chức năng cần có giải pháp tập trung, phù hợp và phải quản lý được số nhóm trẻ này…

Trong 5 năm (từ 2015 đến tháng 6-2019), Đà Nẵng xảy ra 64 vụ xâm hại trẻ em, bình quân, mỗi năm có gần 13 vụ. Theo bà Lê Thị Nga, tuy so với cả nước là thấp nhưng không vì thế mà được chủ quan. Bởi đây chỉ là con số được phát hiện, còn những con số ẩn, chưa phát hiện, được giấu không khai báo. Bà Nga đồng tình với quan điểm của lãnh đạo TP và các cơ quan chức năng của Đà Nẵng khi cho rằng, trong công tác này cần “phòng là chính, không được để xảy ra rồi mới…tính chuyện xử lý”. Vì vậy, vấn đề là phải có giải pháp để làm sao hạn chế thấp nhất số trẻ bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em. Theo đó, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền đến tận trẻ em.

Ngoài ra, Đoàn Giám sát cũng đề nghị Đà Nẵng cần đối chứng lại một số số liệu vênh trong báo cáo, đồng thời hoàn thiện báo cáo gửi cho Đoàn Giám sát sau 10 ngày nữa. Trong báo cáo gửi Đoàn Giám sát QH Khóa XIV, Đà Nẵng cần phân tích kỹ những mô hình hiệu quả đã làm được trong thời gian qua. “Những mô hình, cách làm mới của Đà Nẵng cũng cần được phổ biến trên toàn quốc”, bà Lê Thị Nga bày tỏ quan điểm.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cũng như Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cho biết, thời gian qua, Đà Nẵng rất quan tâm và đã ban hành nhiều kế hoạch triển khai thực hiện các chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em nói riêng, công tác bảo vệ trẻ em nói chung. Cả hệ thống chính trị, xã hội trên địa bàn TP đã cùng vào cuộc trong lĩnh vực công tác này. Thời gian tới, TP sẽ tiếp tục có những kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện tốt công tác này, nhất là với trẻ em yếu thế. Lãnh đạo TP cũng cho biết, trên tinh thần rất cầu thị, Đà Nẵng tiếp thu những ý kiến đóng góp của Đoàn Giám sát để một mặt hoàn thiện bản báo cáo, mặt khác triển khai thực hiện có hiệu quả hơn công tác này trong thời gian đến.

P.THỦY – P.K

 

Theo thống kê của UBND TP, từ 2015 đến tháng 6-2019, trên địa bàn Đà Nẵng xảy ra 64 vụ xâm hại trẻ em, tập trung ở các hình thức cố ý gây thương tích và xâm hại tình dục ; có 65 trẻ em bị xâm hại, trong đó có 49 trẻ em gái. So giai đoạn 2011 – 2015, giảm 50 vụ và 54 trẻ bị xâm hại. Ngoài ra, tính đến tháng 6-2019, toàn TP có 2. 829 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm tỷ lệ 1,19 % dân số trẻ em. Có khoảng hơn 12.300 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.