Đà Nẵng nhận chìm 200 ngàn m3 bùn cát xuống biển: Có gì mà ồn ào

Thứ tư, 21/04/2021 11:42

Các chuyên gia dự hội thảo về giải pháp xử lý hiệu quả chất nạo vét luồng hàng hải cảng Đà Nẵng chiều 20-4 cho rằng, 200 ngàn m3 vật chất mà Đà Nẵng định nhận chìm xuống biển là việc hết sức bình thường, chẳng có gì phải ồn ào.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng Tô Văn Hùng cho biết sắp tới sẽ rà soát, công bố địa điểm nhận chìm chất nạo vét luồng hàng hải trên vùng biển Đà Nẵng.

Hiện nay vật chất lắng đọng luồng hàng hải vào cảng Đà Nẵng đã tới 1m khiến nhiều tàu tải trọng lớn vào cảng phải neo chờ, một số hãng tàu bỏ tuyến, chuyển tuyến, ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh tế biển của TP. Việc nạo vét, duy tu luồng hàng hải ở đây trở nên cấp bách. Bà Trần Thị Tú Anh, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, từ năm 2017 đến nay luồng cảng Đà Nẵng chưa được nạo vét, giờ không thể trì hoãn, kế hoạch năm 2021 sẽ thực hiện nạo vét khoảng 200 ngàn m3, kinh phí 46 tỷ đồng.

Theo quy định, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) còn Đà Nẵng xem xét cấp phép nhận chìm, giao khu vực biển tiến hành nhận chìm. Sau khi thực hiện đầy đủ các thủ tục nêu trên, việc nhận chìm sẽ được tiến hành từ tháng 8-2021, kéo dài trong 3 tháng. Vị trí nhận chìm rộng khoảng 100 ha, là khu vực nghèo sinh vật biển, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an toàn hàng hải. Qua nghiên cứu, 80% thành phần chất nạo vét luồng hàng hải ở cảng Đà Nẵng là bùn, chỉ có 20% là cát, các thông số đều nằm trong quy chuẩn cho phép, chưa có dấu hiệu ô nhiễm.

Tiến sỹ (TS) Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu biển và hải đạo cho biết, quy định cấp phép để nhận chìm rất chặt chẽ. Các giải pháp thi công nhận chìm, vị trí nhận chìm, thành phần chất nhận chìm được phân tích rất kỹ, có kịch bản chi tiết. Trong quá trình thực hiện, các thông số môi trường xung quanh khu vực nhận chìm luôn được giám sát, vượt ngưỡng an toàn sẽ dừng ngay. Đến nay, chưa có dự án nhận chìm nào phải dừng hoặc tạo ra sự cố môi trường, như làm chết hải sản.

Cũng theo TS Tuấn, việc đổ chất nạo vét trên bờ để trồng cây, san lấp lấn biển… hiện vẫn chưa có quy định cụ thể, do đó về cơ bản vẫn thực hiện nhận chìm. Cùng quan điểm, PGS.TS Vũ Thanh Ca, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, việc nhận chìm chất nạo vét hàng hải xuống biển là bình thường, diễn ra thường xuyên kể từ khi có lịch sử hàng hải Việt Nam. Trên thế giới, năm 2014 các nước đã nhận chìm 1,5 tỷ tấn, tương đương 600 triệu m3 chất nạo vét xuống biển.

Các chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng việc nhận chìm chất nạo vét trên biển là hoạt động bình thường.

Ở cảng Hải Phòng cũng nhận chìm khoảng 1 triệu m3 chất nạo vét luồng hàng hải. Thống kê chỉ có 1% chất nạo vét được dùng bồi lấp vùng ngập mặn, ngoài đê, tạo hệ sinh thái rừng ngập mặn. Theo PGS.TS Ca, một số nước như Bỉ còn khuyến khích nhận chìm chất nạo vét gần bờ để tạo điều kiện cho sóng biển vận chất này vào bờ, chống xói lở bờ biển. Tương tự, bãi biển Palm, Florid (Mỹ) là bãi biển đẹp và đắt giá nhất nước Mỹ nhưng bị xói lở do cát bị vận chuyển dọc bờ theo hướng sóng thịnh hành và lắng đọng ở phía cuối của bãi. Để duy trì bãi, người ta nạo vét cát ở cuối bãi, chở lên nhận chìm ở đầu bãi.

Từ thực tế đó, PGS.TS Ca tỏ ra rất ngạc nhiên khi Đà Nẵng mới dự định nhận chìm có 200 ngàn m3 chất nạo vét luồng hàng hải xuống biển mà nhiều người thấy lo sợ, hoang mang. “Chất nạo vét cảng Đà Nẵng được phân tính, đánh giá đủ điều kiện, không tác động tiêu cực đến môi trường mới đem đi nhận chìm. Vị trí nhận chìm cũng thuộc vùng biển nghèo, có kịch bản nhận chìm chi tiết, kể cả dòng chảy mang chất nạo vét lan tòa, ảnh hưởng hệ sinh vật san hô quanh bán đảo Sơn Trà. Bùn cát được nhận chìm phải mất rất nhiều thời gian để quay lại xâm nhập vào vịnh Đà Nẵng”- PGS.TS Vũ Thanh Ca cho biết.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết, việc nạo vét luồng hàng hải, đảm bảo hoạt động của cảng Đà Nẵng trở nên cấp thiết. Bởi lẽ, hoạt động cảng biển, logistics đóng vai trò quan trọng với kinh tế TP. Tại một số nơi, chất nạo vét luồng hàng hải được đem bồi lấp hoặc tìm bãi đổ trên bờ. Tuy nhiên, Đà Nẵng không còn vị trí đất nào có thể đổ chất nạo vét luồng hàng hải trên bờ, cũng không có khu vực rừng ngập mặn ven bờ để bồi lấp, vì vậy không nhận chìm thì làm cách nào?

Theo ông Hùng, việc nạo vét, nhận chìm sẽ được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật để đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Tương lai, kinh tế biển vẫn là mũi nhọn phát triển của Đà Nẵng, việc nạo vét luồng hàng hải không chỉ trong năm nay mà nhiều năm nữa, từ đó đặt ra việc xử lý chất nạo vét làm sao hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. Thời gian tới, Sở TN&MT sẽ rà soát trên toàn bộ vùng biển thuộc phạm vi quản lý của TP nhằm đánh giá, xác định các khu vực biển có khả năng tiếp nhận chất nạo vét, từ đó công bố địa điểm nhận chìm chất nạo vét trên biển theo đúng quy định.

HẢI QUỲNH