Đà Nẵng: Nhiễm HIV qua tình dục không an toàn chiếm phần lớn

Thứ sáu, 13/06/2014 11:31

(Cadn.com.vn) - Đó là một trong những nội dung chính được đề cập tại hội nghị triển khai Thông tư Liên tịch số 29/TTLT-BYT-BVHTTDL về việc thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV bằng bao cao su tại các cơ sở kinh doanh (CSKD) dịch vụ lưu trú du lịch do Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng phối hợp với Sở Y tế tổ chức vào ngày 12-6.

Phụ nữ nhiễm HIV ngày càng nhiều

HIV/AIDS là một đại dịch nguy hiểm, mối hiểm họa đối với tính mạng, sức khỏe con người và tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, TTATXH. Để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, trong thời gian qua, thành phố đã tập trung triển khai nhiều hoạt động can thiệp giảm tác hại (CTGTH) dự phòng lây nhiễm HIV như: chương trình tiếp cận cộng đồng, chương trình bao cao su, bơm kim tiêm sạch, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone.

Các CTGTH mang tính toàn diện, đồng bộ và được duy trì liên tục như thế đã góp phần khống chế có hiệu quả tình hình lây nhiễm HIV trên địa bàn thành phố, với tỷ lệ dưới 0,15%; tỷ lệ nhiễm HIV trong các quần thể có nguy cơ cao có chiều hướng giảm qua các năm và duy trì ở mức độ thấp.

Tuy nhiên, cùng với quá trình đô thị hóa, tình trạng di biến động dân cư mạnh mẽ, số lượng người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm trực tiếp và gián tiếp, trá hình ngày càng có xu hướng gia tăng, khó tiếp cận và kiểm soát. Kết quả nghiên cứu hành vi trong các nhóm đối tượng này cho thấy hành vi nguy cơ đã được cải thiện nhưng không bền vững, cần phải tiếp tục triển khai các hoạt động CTGTH để duy trì việc thực hiện hành vi an toàn.

Ngoài ra, quá trình triển khai CTGTH trong giai đoạn qua bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập như: thiếu thống nhất, đồng thuận trong quá trình triển khai chương trình nhất là ở tuyến cơ sở; đội ngũ cán bộ, đặc biệt là mạng lưới đồng đẳng viên ở tuyến cơ sở thiếu cả về số lượng và chất lượng; kinh phí hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ của các dự án quốc tế và tập trung ở một số quận trọng điểm...

Tính đến ngày 31-5, toàn thành phố có 1.717 ca nhiễm HIV được phát hiện; trong đó có 759 trường hợp chuyển sang AIDS và 439 ca đã tử vong. Có 959 trường hợp nhiễm HIV là người Đà Nẵng, trong đó có 413 ca tử vong do AIDS và 546 người hiện đang sống chung với HIV.

Trong 5 năm gần đây, với khoảng 130 ca nhiễm mới mỗi năm, trong đó 70 trường hợp là người Đà Nẵng và đối tượng ngoại tỉnh liên tục chiếm tỷ lệ lớn (44,2%). Hiện nay trên địa bàn 7/7 quận, huyện và 56/56 xã, phường đều có báo cáo về những ca nhiễm HIV/AIDS, trong đó Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu là các quận có số ca nhiễm HIV được báo cáo cao nhất.

Đặc biệt, lây nhiễm HIV tại thành phố đang có xu hướng trẻ hóa từ 20 đến 39 tuổi (chiếm 70%), phát hiện nhiễm HIV khá muộn và có sự chuyển đổi về mô hình lây nhiễm HIV: Nhiễm HIV qua tình dục không an toàn đang dần chiếm ưu thế (chiếm 62%), số phụ nữ phát hiện nhiễm HIV  càng nhiều và đang ghi nhận các trường hợp lây nhiễm HIV từ mẹ sang con...

100% người nghiện chích ma túy đang học tập tại Trung tâm GD-DN 05-06 được tuyên truyền và có hiểu đúng về HIV/AIDS.

Tăng cường hoạt động các nhóm giáo dục viên đồng đẳng

 Để kiểm soát lây nhiễm HIV trong các nhóm đối tượng nguy cơ cao và cộng đồng dân cư trong thời gian đến; thành phố đã xây dựng các nhóm giáo dục viên đồng đẳng, tăng cường hoạt động của các nhân viên tiếp cận cộng đồng, mở rộng các mô hình nhân viên tiếp cận cộng đồng trong dự phòng lây nhiễm HIV.

Thực hiện đa dạng hóa các loại hình truyền thông, chú trọng truyền thông trực tiếp dựa vào các nhóm giáo dục viên đồng đẳng, nhân viên tiếp cận cộng đồng. Tăng cường vai trò của gia đình và cộng đồng trong việc tuyên truyền, giáo dục vận động thực hiện hành vi an toàn lây nhiễm HIV.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao về tình hình lây nhiễm HIV, các chương trình CTGTH và các dịch vụ hỗ trợ khác đang triển khai, tạo điều kiện cho việc tăng cường tiếp cận với các dịch vụ can thiệp cũng như thay đổi hành vi và thực hiện các hành vi an toàn. Đồng thời, đa dạng hóa các mô hình cấp phát bao cao su, bơm kim tiêm..., đảm bảo tính sẵn có và dễ tiếp cận  cho đối tượng can thiệp.

Triển khai hoạt động cấp phát bao cao su tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú theo Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình bao cao su dự phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục tại các khách sạn, nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê và các cơ sở dịch vụ lưu trú khác. Đặc biệt, triển khai việc cung cấp bao cao su miễn phí, đặt máy bán bao cao su tự động hoặc bán lẻ bao cao su tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch như kinh doanh các loại hàng hóa thông thường khác đang được kinh doanh tại các cơ sở...

Qua đó hướng đến việc đạt được các mục tiêu như: 90% người dân tại địa bàn thành phố được tuyên truyền về can thiệp giảm tác hại, hiểu đúng về HIV/AIDS và các cách dự phòng lây nhiễm HIV, ủng hộ các hoạt động CTGTH phòng lây nhiễm HIV vào năm 2020; giảm 90 số ca nhiễm mới HIV trong nhóm nghiện chích ma túy và 80% số ca nhiễm mới HIV do lây nhiễm qua đường tình dục vào năm 2020. 100% người nghiện chích ma túy đang học tập tại Trung tâm GD-DN 05-06 được tuyên truyền và có hiểu đúng về HIV/AIDS và chương trình CTGTH cho người nghiện chích ma túy.

Tăng tỷ lệ sử dụng bơm kim tiêm sạch trong nhóm người nghiện chích ma túy và sử dụng bao cao su thường xuyên của nhóm người bán dâm lên 90% vào năm 2020 và tỷ lệ sử dụng bao cao su thường xuyên trong nhóm nam quan hệ đồng giới và các nhóm nguy cơ khác lên 80%. 100% phụ nữ bán dâm và tiếp viên trong các dịch vụ vui chơi giải trí được khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục 6 tháng/lần...

T.Dũng