Đà Nẵng: Nhu cầu hàng hóa trong dịp Tết tăng 5 -10%

Thứ năm, 01/12/2016 10:56

(Cadn.com.vn) - Đà Nẵng đã vào cuộc dự trữ hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2017. Theo nhận định của Sở Công Thương, hàng hóa được các doanh nghiệp (DN) chuẩn bị cung ứng đầy đủ, sẽ không xảy ra biến động lớn về giá do nguồn cung dồi dào.

Nguồn cung hải sản dự báo ít biến động trong Tết Nguyên đán 2017 do thời tiết ổn định.
Trong ảnh: Hàng hải sản tại chợ Đầu Mối. 

VÀO CUỘC DỰ TRỮ HÀNG

Ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, nhu cầu hàng hóa dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ tăng từ 5 - 10% so với năm trước. Vì vậy, Sở Công Thương xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa cho dịp Tết, trong đó chú trọng yếu tố đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá và kiểm tra an toàn thực phẩm. Đến nay, các đơn vị trên địa bàn thành phố đã hoàn thành việc dự trữ hàng hóa cơ bản để phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Cũng theo ông Kha, tổng lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán 2017 trên địa bàn thành phố đạt 303,6 tỷ đồng. Trong đó, 12 đơn vị (siêu thị, công ty lương thực, hợp tác xã), dự trữ 153,6 tỷ đồng và tiểu thương tại 8 chợ lớn trên địa bàn các quận, huyện dự trữ 150 tỷ đồng.

Để các DN cung ứng sản phẩm ra thị trường, đáp ứng nhu cầu  tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, thành phố tổ chức các Hội chợ trong tháng 12 tới. Cụ thể, Hội chợ hàng Việt – Đà Nẵng từ ngày 9 đến 14-12 tại Trung tâm Triển lãm thành phố với quy mô 350 gian hàng; Hội chợ Tự hào hàng Việt Nam tổ chức từ ngày 23 đến 28-12 tại Công viên 29-3 quy mô 100 gian hàng; Hội chợ Xuân 2017 với 400 gian hàng. Ngoài ra,  các đơn vị tổ chức các chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của đồng bào miền núi và công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn trong dịp Tết Đinh Dậu 2017. Siêu thị Co.op Mart Đà Nẵng tổ chức đưa các mặt hàng thiết yếu về bán tại trung tâm 2 xã miền núi Hòa Phú và Hòa Ninh, Hòa Vang bằng xe lưu động. Trung tâm xúc tiến Thương mại tổ chức 2 phiên chợ Tết tại các KCN Hòa Cầm và KCN An Đồn để phục vụ công nhân mua sắm Tết.

Ông Lê Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Siêu thị BigC Đà Nẵng, cho biết để chuẩn bị cho nguồn hàng thiết yếu phục vụ người dân trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán 2017, BigC đã trích gần 15 tỷ đồng dự trữ 5 tấn gạo các loại, 12 tấn thịt, 6 tấn cá tươi và hàng chục tấn bánh kẹo, đồ uống, đồ họp, dầu ăn,... Bên cạnh đó, BigC cũng chủ động liên kết với các đơn vị sản xuất để khi cần thiết nhập hàng cung ứng ra thị trường.

Đối với mặt hàng thịt thường xuyên có biến động về nguồn cung và giá cả trong dịp Tết, Sở Công Thương chọn Cty Đắc Vinh (đơn vị tổ chức bán thịt heo bình ổn giá từ năm 2008 đến nay) được tạm ứng vốn 4 tỷ đồng từ ngân sách thành phố và không tính lãi suất trong thời gian 60 ngày để mua 35 tấn thịt heo thành phẩm phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán tại 13 điểm bán tập trung cố định trên địa bàn thành phố và 2 xe bán hàng lưu động phục vụ các điểm nóng, khu đông dân cư và giá bán bình ổn thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán từ 10 – 15% trong các ngày 25 – 30 tháng Chạp.

“Với sự vào cuộc dự trữ hàng hóa của ngành công thương, các đơn vị, siêu thị, tiểu thương trên địa bàn thành phố, sẽ hạn chế tối đa tình trạng thiếu hụt nguồn cung và giá cả hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán 2017 sẽ ổn định”, ông Kha nhận định.

KIỂM SOÁT CHẶT THỊ TRƯỜNG

Để tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh vừa có Văn bản yêu cầu Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh, buôn bán, lưu thông các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết như thịt gia súc, gia cầm, bánh, kẹo, trái cây các loại, rượu, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng; tăng cường kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại các Trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ trên địa bàn; ngăn chặn và xử lý nghiêm các sản phẩm hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, các hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá bất hợp lý, gây mất ổn định thị trường; thường xuyên kiểm tra các điểm trung chuyển, kho hàng, bến bãi nhằm phát hiện và xử lý hàng hóa có dấu hiệu vi phạm; tập trung kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm...

Theo ông Phan Văn Kha, thông thường vào thời điểm áp Tết các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, làm hàng giả, hàng nhái hoạt động mạnh; các hành vi găm hàng, đầu cơ, tăng giá thường xuất hiện trên thị trường... Do đó, Sở Công Thương đã chỉ đạo lực lượng Quản lý Thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung quản lý về chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá, đưa tin thất thiệt về cung cầu, giá cả hàng hóa, dịch vụ nhằm thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Đặc biệt, nếu đơn vị, cá nhân nào vi phạm phải xử lý nghiêm, kể cả thu hồi giấy phép kinh doanh, hoặc đề nghị các cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với công tác quản lý an toàn thực phẩm, Sở Công Thương phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Y tế phát động đợt cao điểm an toàn thực phẩm, kết nối đưa sản phẩm đạt chuẩn gắn logo chuỗi thực phẩm an toàn đưa vào hệ thống phân phối, công bố chỉ dẫn địa điểm để người tiêu dùng mua sắm hàng hóa đảm bảo chất lượng.

Xuân Đương