Đà Nẵng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Thứ tư, 30/11/2016 09:37

(Cadn.com.vn) - Ngày 29-11, Cổng Thông tin điện tử thành phố phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư (IPC), Sở Công Thương, Sở Ngoại vụ, BQL Khu công nghiệp và chế xuất tổ chức đối thoại trực tuyến “Thu hút đầu tư vào Đà Nẵng, thực trạng và giải pháp”.

Tại buổi đối thoại, ông Huỳnh Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, với vị trí trung tâm, động lực tăng trưởng của toàn vùng, Đà Nẵng trong những năm qua đã phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 258 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 78,7 ngàn tỷ đồng; 437 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư 3,7 tỷ USD. Lĩnh vực bất động sản, du lịch chiếm phần lớn.

Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ngoài các KCN, KCNC, trong năm 2016, thành phố đã cấp mới được 60 dự án với tổng vốn đầu tư gần 17,3 triệu USD; 13 dự án có vốn tăng thêm, tổng vốn tăng thêm 32,7 triệu USD; và 44 dự án với vốn đăng ký từ nước ngoài là 673 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, thành phố có 437 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư là hơn 3,7 tỷ USD. Đáng chú ý, Nhật Bản là nhà đầu tư sản xuất nước ngoài lớn nhất tại Đà Nẵng, với 134 doanh nghiệp và tổng vốn đăng ký hơn 490 triệu USD, tạo công ăn việc làm cho hơn 40.000 lao động.

Lãnh đạo các sở, ngành tại buổi đối thoại.

Để đa dạng danh mục dự án kêu gọi đầu tư, nhiều ý kiến tại buổi đối thoại đề nghị thành phố mở rộng hình thức đầu tư hợp tác công tư (PPP). Ông Huỳnh Văn Thanh cho biết, tính đến nay, thành phố đã triển khai 26 dự án theo hình thức PPP với số vốn 2.600 tỷ đồng, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng cấp nước, thoát nước,... trong thời gian đến, lãnh đạo thành phố tiếp tục ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP để huy động nguồn lực tài chính, khả năng quản lý và kinh nghiệm của khu vực tư nhân vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ công. “Thành phố tạo cơ chế thông thoáng để hướng dẫn nhà đầu tư triển khai các dự án PPP theo đúng quy định hiện hành”, ông Thanh khẳng định.

Đề cập đến những lĩnh vực ưu tiên đầu tư của Đà Nẵng trong thời gian đến, ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, thành phố sẽ ưu tiên thu hút và ưu đãi đầu tư các dự án thuộc các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử-phần cứng, cơ khí chính xác; khuyến khích và hỗ trợ các dự án đầu tư trong các lĩnh vực; công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo máy móc thiết bị, sản xuất lắp ráp ô-tô, phương tiện vận tải, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng giá trị gia tăng (dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...); công nghiệp môi trường dự án sản xuất năng lượng sạch. Đối với các lĩnh vực sản xuất, chế biến khác: Khuyến khích các dự án đầu tư có nguồn nguyên liệu đảm bảo, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, nhiên liệu, sử dụng công nghệ sạch, tạo ra sản phẩm an toàn với người tiêu dùng, thân thiện với môi trường và có giá trị gia tăng cao; đồng thời hạn chế, không thu hút các dự án sản xuất tiêu tốn nhiều năng lượng, chế biến thô, sử dụng công nghệ lạc hậu, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao (luyện kim; sản xuất hóa chất cơ bản; sản xuất bột giấy; thuộc da, sơ chế da, nhuộm da; sản xuất VLXD từ đất sét nung...). Bên cạnh đó, thành phố cũng đã ban hành Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, theo đó sẽ tập trung vào các lĩnh vực dệt may - da giày; điện tử; cơ khí chế tạo; sản xuất lắp ráp  ô-tô; công nghiệp công nghệ cao và các sản phẩm khác (bao bì chất lượng cao, sản phẩm ngành hàng không.

Nhiều ý kiến tại buổi đối thoại cũng đề cập đến việc họ muốn đầu tư, mở rộng sản xuất thì gặp rất nhiều khó khăn về mặt bằng sản xuất. Ông Nguyễn Đình Phúc cho rằng, hiện thành phố đang chuẩn bị phê duyệt mới 3 KCN gồm: Hòa Cầm - Giai đoạn 2 (110 ha), Hòa Ninh (200 ha), Hòa Nhơn (483,57 ha) và 7 cụm công nghiệp gồm: Cẩm Lệ (30 ha), Hòa Nhơn (30 ha), Hòa Phong (50 ha), Hòa Khánh Nam (11,8 ha), Hòa Hiệp Bắc (13 ha), Làng nghề nước mắm Nam Ô (5 ha) và 1 Cụm công nghiệp (5 ha) để bố trí tập trung các ngành nghề thủ công mỹ nghệ tại Đà Nẵng phục vụ du lịch.

Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất tại Đà Nẵng và là đối tác chiến lược trong thu hút đầu tư. Vậy làm gì để thu hút đầu tư từ Nhật Bản, bà Lê Thị Thu Hạnh, Phó giám đốc Sở Ngoại vụ cho hay, thành phố cần mở thêm đường bay trực tiếp giúp DN Nhật Bản đến Đà Nẵng dễ dàng hơn; Đầu tư hạ tầng các KCN, nhà xưởng chia nhỏ với diện tích nhà xưởng tiêu chuẩn 300m2, 500m2, 1.000m2, 2.000m2 đáp ứng với nhu cầu DN Nhật Bản; Mở thêm các văn phòng đại diện Đà Nẵng ở các địa phương khác của Nhật Bản, đặc biệt là Osaka, Yokohama, Fukuoka, Sapporo, Okinawa để giới thiệu và kết nối DN, hỗ trợ các công tác tổ chức hội thảo, tổ chức đoàn DN khảo sát môi trường đầu tư; chú trọng đào tạo nhân lực các ngành cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, công nghệ thông tin và tiếng Nhật. Bà Hạnh cũng gợi ý danh mục kêu gọi thu hút các DN Nhật Bản vào Đà Nẵng, như dự án nhà xưởng cho thuê với vốn từ 5 – 10 triệu USD tại các KCN, 2 Bệnh viện quốc tế (Phía đông đường Trần Đăng Ninh, Q. Cẩm Lệ (2,5ha) và nam cầu Thuận Phước (7,2ha) và các dự án logistics; Công viên giao lưu hữu nghị Việt - Nhật...

Để đẩy mạnh thu hút FDI trong thời gian đến, bà Huỳnh Liên Phương, Phó Giám đốc IPC cho rằng, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác lãnh đạo, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, đăng tải công khai, minh bạch về các quy định luật pháp, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, đất đai, thủ tục hành chính,...

“Với những nỗ lực của các lãnh đạo thành phố, sở, ngành trong việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết những khó khăn và vướng mắc của các nhà đầu tư hy vọng trong tương lai gần Đà Nẵng sẽ trở thành điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, bà Huỳnh Liên Phương bày tỏ.

Xuân Đương