Đà Nẵng phải có "quả đấm thép" với thực phẩm bẩn
(Cadn.com.vn) - Thực phẩm không an toàn đang là mối lo lớn của người dân. Đà Nẵng cần làm gì để thực phẩm tới bàn ăn của người dân phải sạch? Đó là vấn đề được các ngành chức năng Đà Nẵng bàn bạc ngày 8-4.
Không xử được, họp làm gì?
Sau khi công bố 3 mẫu măng tươi, 7 mẫu dưa cải lấy ở các chợ nhiễm chất vàng ô đang khiến người dân rất lo lắng, ông Nguyễn Đỗ Tám - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP cho biết, vẫn chưa có cơ sở để xử lý các hộ kinh doanh này. Lý do ông Tám đưa ra vì kết quả kiểm nghiệm đó từ một đơn vị tư nhân ở TP HCM. Trong khi đó, để xử lý được phải có kết quả kiểm nghiệm của một đơn vị kiểm nghiệm do Nhà nước chỉ định. Mà cả nước thì chưa có đơn vị kiểm nghiệm nào về chất Vàng ô do Bộ chỉ định. Vì vậy, giải pháp ở đây là thông tin rộng rãi để khuyến cáo người dân không mua măng có màu vàng, dùng măng màu trắng tạm thời vẫn an toàn.
Ngay sau phát biểu của ông Tám, Phó Chủ tịch Q.Liên Chiểu Nguyễn Thanh Chương nói: "Chúng ta đang họp bàn cách để quản lý thực phẩm an toàn cho người dân. Đã bắt được quả tang mà không xử lý được thì bàn làm gì nữa, có tác dụng gì? Đã phát hiện phải cấm ngay, sau này có cơ sở sẽ xử lý hình sự, vì đây là chất độc hại, chất giết người. Tôi thấy việc này như trong văn hóa, cái máy đo độ ồn, phải có ban bệ, lấy mẫu, chờ kết quả kiểm nghiệm chán chê mới xử lý được. Nhưng cái này nó không chết người, còn thực phẩm có chất độc hại thì chết người. Chờ 7 ngày mới kiểm nghiệm xong, họ ăn vào chết người thì sao? Có những vấn đề chúng ta phải đi qua luật vì luật không theo kịp thực tế".
Cùng quan điểm, Thượng tá Đặng Hữu Quế - Phó Trưởng phòng Cảnh sát môi trường CATP Đà Nẵng cho rằng, Vàng Ô là chất độc hại đã nghiêm cấm đưa vào trong chăn nuôi, huống gì ướp thẳng vào măng, dưa càng cực kỳ nguy hiểm. Vì thế phát hiện phải đình chỉ bán, tịch thu, lập hồ sơ xử lý.
Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng nói, giờ chờ Bộ có đơn vị kiểm nghiệm, dân ăn mất rồi còn đâu. Phải bàn xem lấy cái gì làm trọng, lấy những qui định trên trời hay lấy sức khỏe của dân làm trọng? Rõ ràng đây là thực phẩm tươi mà họ ngâm hóa chất là phải xử lý. Phải xem xét cấm, nếu tái phạm không cho kinh doanh nữa. Từ vụ việc này, ông Dũng cũng nói đến trách nhiệm của Ban quản lý chợ, để tiểu thương dùng hóa chất ướp thực phẩm đưa vào chợ do mình quản lý mà không biết, không kiểm tra là không được.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - Đặng Việt Dũng chỉ đạo cần phải có tổ chức giống như "quả đấm thép" chuyên về ATTP. Lực lượng chức năng Đà Nẵng kiểm tra các hộ kinh doanh măng tươi và dưa cải muối. |
Quán không an toàn
"Các anh kiểm tra quán nhậu nào vi phạm báo cho quận, chúng tôi sẽ dán thông báo quán này sử dụng thực phẩm không an toàn ngay tại quán để mọi người biết. Đằng này, các anh có báo cho quận đâu, sao mà xử lý", ông Nguyễn Thanh Chương nói. Cũng theo ông Chương, ai ký chứng nhận quán đảm bảo vệ sinh an toàn thì khi xảy ra mất an toàn phải chịu trách nhiệm. Chứ xảy ra chuyện gì qui cho quận chịu trách nhiệm, như thế có đúng không?
Trong khi đó, theo báo cáo của ông Nguyễn Minh Tiến- Chi Cục trưởng VSATTP Đà Nẵng thì Sở Y tế quản lý 946 cơ sở ăn uống, còn hơn 1.500 cơ sở thức ăn đường phố được giao cho phường quản lý. Phần lớn các cơ sở ăn uống đều được cấp chứng nhận VSATTP. Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng đặt câu hỏi: Các anh có dám dán cam kết lên các cửa hàng đây là cơ sở sử dụng thực phẩm an toàn, nếu ngộ độc Sở sẽ chịu trách nhiệm không? Làm được vậy, dân mới yên tâm.
"Đeo râu" đi kiểm tra
Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng chỉ đạo, trong tháng 4 này phải kiểm tra tất cả các cơ sở chế biến thực phẩm để đánh giá lại. Nếu bắt được vi phạm xử ngay không họp hành gì nhiều. Việc kiểm tra cũng phải thực hiện thường xuyên chứ không theo đợt, nếu lần thứ 2 mà tái phạm thì đóng cửa. "Phải đóng giả làm lái buôn, phải đeo râu đội mũ đi kiểm tra chứ họ quen mặt rồi, xuống họ biết ngay. Nếu cứ mang đội ngũ với sắc phục, rầm rộ xuống kiểm tra thì khó có hiệu quả", ông Dũng nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng, hệ thống quản lý về ATTP hiện cát cứ, tủn mủn, chồng chéo, một tô bún mà 3 sở quản lý. Nhiều sở quản lý quá nên chẳng ai quản lý. Vì thế, Phó Chủ tịch chỉ đạo các sở liên quan phải rà soát lại văn bản trên tinh thần thực tiễn từ Đà Nẵng để có qui định, qui chế phân nhiệm rõ ràng. "Phải đóng cửa lại, ngồi với nhau để cho ra một qui trình, qui chế, chứ không có qui chế thì không làm được đâu", Phó Chủ tịch chỉ đạo.
Ông Nguyễn Đình Phúc- Phó giám đốc Sở Công thương cho biết, khi thực phẩm vào siêu thị đã có chứng nhận nguồn gốc từ lò mổ của Sở NN&PTNT, nhưng thanh tra Thú y của Sở vẫn vào siêu thị để kiểm tra một lần nữa, như vậy là bất hợp lý, chồng chéo. Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng chỉ đạo, các Sở phải tổ chức cho được một lực lượng, giống như "quả đấm thép" chuyên về ATTP chứ để kiêm nhiệm, cắt khúc như hiện nay rất khó kiểm soát. Phải có một ông ăn, ngủ, đi chơi cũng phải nghĩ về ATTP thì may ra việc kiểm soát mới có kết quả. Vấn đề cuối cùng, khi tới bàn ăn của dân, thực phẩm phải sạch.
Việc thành lập "quả đấm thép" này, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng chỉ đạo tới 15-5, các bộ phận liên quan phải có phương án trình lãnh đạo TP.
Hải Quỳnh