Đà Nẵng phải tránh nguy cơ vỡ trận du lịch giá rẻ

Thứ hai, 13/08/2018 10:06

Tại buổi gặp mặt với lãnh đạo thành phố vào ngày 11-8, các doanh nghiệp cho rằng trong thời gian qua ngành du lịch đã có một bước tiến lớn, đóng góp đáng kể vào sự phát triển KT-XH của Đà Nẵng đồng thời từng bước xây dựng được hình ảnh một điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn. Tuy nhiên,  với sự tăng trưởng nóng trong bối cảnh hạ tầng, dịch vụ, nhân lực chưa phát triển tương xứng, ngành công nghiệp không khói của thành phố gặp phải nhiều thách thức, tiềm ẩn nguy cơ vỡ trận.

Đại diện các doanh nghiệp du lịch trao đổi với lãnh đạo thành phố, kiến nghị nhiều vấn đề để phát triển du lịch bền vững. 

Nhiều hệ lụy từ thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc

Ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, thành phố đón hơn 4 triệu lượt khách đến tham quan du lịch, trong đó khách quốc tế ước đạt khoảng 1,6 triệu lượt. Tổng thu du lịch của TP Đà Nẵng trong 6 tháng qua đạt trên 13 nghìn tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2017. Thống kê cho thấy, lượng khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng trong 6 tháng qua đạt 800.000 lượt, khách Trung Quốc đạt 368.000 lượt. Đây là 2 thị trường khách mang lại nguồn thu lớn, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho lực lượng lao động trực tiếp cũng như gián tiếp. Tuy nhiên cũng vì sự gia tăng “chóng mặt” của các thị trường truyền thống này đã làm xuất hiện nhiều hệ lụy đáng báo động, trong đó lĩnh vực lữ hành, hướng dẫn viên là rất đáng lo ngại.

Theo ông Trần Trà – Chi hội trưởng Chi hội Hướng dẫn viên (HDV), hiện có khoảng 10/45 doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn có người Trung Quốc đang hoạt động bất hợp pháp. Phải có người đứng sau họ mới xin visa rồi qua Việt Nam làm việc chứ không tự nhiên mà từ Trung Quốc sang đây rồi làm HDV tự do, không phép như vậy. Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Hùng, chủ một doanh nghiệp và là thành viên CLB Lữ hành khai thác thị trường Hoa ngữ cho rằng, nhiều doanh nghiệp lữ hành có chủ là người Trung Quốc đứng sau, chỉ thuê pháp nhân người Việt. “Các HDV Trung Quốc hoạt động “chui” được là do sự bao che của các doanh nghiệp lữ hành. Thành phố cần phải quyết liệt để xử lý dứt điểm tình trạng này”, anh Hùng kiến nghị.

Anh Chế Viết Đông, một HDV tiếng Trung cho biết, trong những năm qua, vì thu nhập mà nhiều HDV người Việt chấp nhận “ngồi đồng” trên các xe du lịch để làm bình phong đối phó với cơ quan chức năng, hầu hết các thao tác như hướng dẫn, thuyết minh đều do người Trung Quốc làm. Một số ít vì danh dự nghề nghiệp, lòng tự trọng về hình ảnh đất nước không chấp nhận hành nghề theo kiểu này hiện đã tự nghỉ việc hoặc các Cty lữ hành cho nghỉ việc. “Bản thân em hôm nay đứng nói ở đây cũng đã xác định không có đoàn để đi nữa rồi. Nhưng phía sau lưng em là hơn 100 HDV. Họ rất kỳ vọng vào buổi gặp gỡ hôm nay để có thể nói lên tiếng nói của mình. Dù thế nào đi nữa em cũng phải thay mặt anh chị em nói lên những tâm tư này, hy vọng thành phố sớm có hướng giải quyết. Chúng em không chấp nhận “ngồi đồng” trên xe để họ muốn là gì thì làm”, anh Đông thẳng thắn. Ngay sau ý kiến này, ông Trần Trà cũng bổ sung rằng, khoảng 80 đến 100 HDV du lịch tiếng Trung thuộc quản lý của Chi hội HDV hiện đang thất nghiệp.

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, nhằm tăng cường đảm bảo môi trường du lịch, lực lượng chức năng cũng đã tiến hành kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp vi phạm trên lĩnh vực lữ hành, HDV. “Thanh tra Sở phối hợp với Công an thành phố kiểm tra phát hiện 23 người nước ngoài có hoạt động điều hành, hướng dẫn khách du lịch trái phép. Trong đó, có 20 người Trung Quốc và 3 người Hàn Quốc có hoạt động điều hành và hướng dẫn trái phép. Sở đã xử phạt vi phạm hành chính 20 người với tổng mức phạt là gần 323 triệu đồng, hủy thị thực, buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam và đưa vào diện chưa có nhập cảnh 11 trường hợp”, ông Bình cho hay.

Một người Trung Quốc trong vai trò hướng dẫn viên tại một điểm mua sắm trong tour giá rẻ, thanh toán bằng ngoại tệ. 

Thất thu thuế rất lớn

Đại diện các doanh nghiệp tham gia buổi gặp mặt cho rằng, lượng khách đến với thành phố ngày càng đông một phần là nhờ vào các tour giá rẻ, tour “0 đồng”. Đây là hình thức cạnh tranh bằng giá để thu hút khách của các Cty lữ hành, phần ăn uống, lưu trú hay HDV được bán cho khách với giá bằng 0 so với chi phí thực tế Cty lữ hành tổ chức tour cho khách. Tuy nhiên doanh nghiệp lữ hành có nhiều cách bù lỗ, thu được lợi nhuận nhờ vai trò của nhà tổ chức tour, thông qua việc đưa du khách đến các cơ sở mua sắm hay dịch vụ. Tour giá rẻ đến Đà Nẵng chủ yếu xuất hiện ở thị trường Trung Quốc và một phần thị trường Hàn Quốc. Dù mang lại số lượng lớn du khách nhưng nguồn thu lại rất hạn chế, lại ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường du lịch. Qua thanh tra về tour giá rẻ, Sở Du lịch Đà Nẵng ban hành 28 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 197 triệu đồng.  Tuy nhiên, đại diện một số Cty lữ hành thẳng thắn cho rằng con số mà cơ quan chức năng thanh kiểm tra và xử phạt theo báo cáo là hết sức khiêm tốn và có phần nực cười.

Ông Nguyễn Văn Hùng so sánh, Cty Kỳ nghỉ Đà Nẵng của ông không phải là lớn nhưng mỗi năm doanh thu đạt khoảng 70 tỷ đồng từ chủ yếu là thị trường Hoa ngữ. Từ con số báo cáo này mà hàng năm ông lại gặp khó vì chế độ thanh kiểm tra của cơ quan thuế. Trong khi đó có nhiều doanh nghiệp khác thu nhập thực tế rất lớn nhưng kê khai thuế  hết sức khiêm tốn. “Tôi được biết có doanh nghiệp lớn bậc nhất ở Đà Nẵng về thị trường này mỗi năm khai thác lượng khách lớn gấp nhiều lần chúng tôi nhưng khai báo thuế chỉ có khoảng mười mấy tỷ. Tôi hỏi vì sao Cty tôi lại được kiểm tra nhiều thì người ta trả lời là do doanh thu kê khai của tôi lớn”, ông Hùng bức xúc. Ông cho rằng, các cơ quan liên ngành cần kiểm tra doanh nghiệp, thống kê xem thời gian vừa qua thu thuế được bao nhiêu trên số lượng khách. Thống nhất quy trình kiểm tra kiểm soát vấn đề này để tìm ra được đơn vị nào đang làm chui, trốn thuế và cả người nước ngoài núp sau. Quan trọng là khi phát hiện ra phải xử lý đến cùng, phải quyết liệt một lần, đừng sợ làm giảm số lượng khách mà nên ưu tiên để nâng cao chất lượng môi trường du lịch.

Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, một số doanh nghiệp đã có nhiều cách thức thủ đoạn đối phó, ví dụ khi kiểm tra bị phát hiện thì lập tức thành lập 5,6 đơn vị lữ hành khác  để tránh sự kiểm soát, thậm chí thành lập ở các địa phương khác rồi đến thành phố hoạt động, báo cáo lượng khách không trung thực, trốn thuế... Mặc dù Sở Du lịch và các cơ quan chức năng đã rất tích cực thanh tra, kiểm soát song vẫn chưa xử lý được hết.

Không phụ thuộc vào một vài thị trường truyền thống

Tại buổi gặp mặt, ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cho rằng đã đến lúc thành phố Đà Nẵng cần xem xét lại tour giá rẻ để tránh những rủi ro cho sự phát triển bền vững. Thay vào đó là nhanh chóng xúc tiến, mở rộng quảng bá, thâm nhập đến các thị trường có chất lượng. Ông cảnh báo rằng, các thị trường đang mang lại lượng khách lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khi có vấn đề liên quan đến chính trị, ngoại giao là ngành du lịch sẽ không đứng vững, thậm chí tê liệt. Chính vì vậy: “thành phố cần phải phát triển đến những thị trường du lịch đẳng cấp, hướng về chất lượng chứ không phụ thuộc vào các thị trường tour giá rẻ, đông khách. Chọn lọc du khách văn minh hơn thì môi trường, văn hóa địa phương sẽ được tốt hơn”.

Chủ trì buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng khẳng định, thời gian qua, Đà Nẵng đã trở thành một điểm đến hấp dẫn và quan trọng trên bản đồ du lịch thế giới. Tuy nhiên chúng ta không nên hài lòng với những kết quả đã đạt được. Chính vì vậy, đây là thời điểm mà chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp phải chung tay để làm cho môi trường du lịch ổn định và phát triển bền vững. Ông cũng cho rằng, rất nhiều nhiệm vụ đề ra từ lâu nhưng đến hiện nay vẫn còn dang dở. Những ý kiến đóng góp thẳng thắn, không ngại đụng chạm, thậm chí là sẵn sàng đối mặt với nguy cơ mất công ăn việc làm, giảm doanh thu là cơ hội để ngành du lịch đánh giá lại những gì mình chưa làm được. “Việc đảm bảo an ninh an toàn cho môi trường du lịch là cơ sở quan trọng để đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn như Chính phủ đã xác định nhiệm vụ cho Đà Nẵng. Du lịch Đà Nẵng phải hướng tới 4 chuẩn về lưu trú,   về HDV, về sản phẩm du lịch và về môi trường du lịch. Muốn phát triển du lịch bền vững thì phải đảm bảo cho môi trường du lịch an toàn, an ninh để du khách an tâm khi đến Đà Nẵng. Điều này đòi hỏi sự chung tay giữa thành phố cũng như cộng đồng doanh nghiệp”, ông Dũng yêu cầu.

CÔNG KHANH