Đà Nẵng phải vượt nhiều thách thức để đạt mục tiêu tăng trưởng 7%

Thứ bảy, 01/07/2023 06:57
Kinh tế quý III và 6 tháng cuối năm của Đà Nẵng khả năng sẽ có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể bứt phá. Với mức tăng trưởng 3,74% của 6 tháng đầu năm, thành phố sẽ phải vượt nhiều thách thức để đạt mục tiêu theo kế hoạch là tăng trưởng 7% trong năm 2023. Đây là nhận định của Cục trưởng Cục Thống kê TP Đà Nẵng Trần Văn Vũ tại cuộc họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội TP 6 tháng đầu năm 2023.
Thi công cầu cảng tại dự án Bến cảng Liên Chiểu.
Ông Trần Văn Vũ: “Đà Nẵng phải vượt nhiều thách thức để đạt mục tiêu theo kế hoạch là tăng trưởng 7% trong năm 2023”.

Số liệu thống kê cho thấy, kinh tế TP Đà Nẵng giữ được nhịp độ tăng trưởng trong quý I-2023 với mức tăng sơ bộ so với cùng kỳ đạt 7,81%, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố về tốc độ tăng. Tuy nhiên, bước sang quý II, trên nền kết quả tăng cao của cùng kỳ năm 2021-2022, một số lĩnh vực có xu hướng sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của 6 tháng đầu năm 2023.

Cụ thể, GRDP của TP Đà Nẵng ước tăng 3,74% so với cùng kỳ năm 2022. Về tốc độ tăng trưởng, Đà Nẵng xếp thứ 3/5 thành phố trực thuộc Trung ương, xếp thứ 46/63 địa phương trên cả nước. Về quy mô GRDP, Đà Nẵng đứng thứ 4/5 thành phố trực thuộc Trung ương, xếp thứ 17 cả nước. Quy mô nền kinh tế TP 6 tháng qua ước đạt hơn 64.784 tỷ đồng, mở rộng hơn 5.318 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Cơ cấu trong quy mô nền kinh tế có sự dịch chuyển nhẹ giữa 3 khu vực so với cùng kỳ năm trước: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 2,15%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 18,75%; khu vực dịch vụ chiếm 69,19%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,93%.

Khu vực thương mại và dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị tăng thêm khu vực này ước đạt 6,15% so với cùng kỳ, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế chung của thành phố. Trong số đó, các ngành có mức tăng trưởng cao là hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (tăng 62,2%); dịch vụ phục vụ cá nhân và cộng đồng (tăng 38%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 32,8%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 59.642 tỷ đồng, tăng 19,4%. Trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 39,1%; lữ hành tăng 174,2%; dịch vụ tiêu dùng khác tăng 33,9%.

Thi công cầu cảng tại dự án Bến cảng Liên Chiểu.

Tuy nhiên tăng trưởng của một số ngành có xu hướng chậm lại trong quý II, đặc biệt một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế có mức giảm khá sâu. Đơn cử như hoạt động kinh doanh bất động sản giảm gần 25%; bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô-tô, xe máy giảm hơn 8%. Giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp và xây dựng tại Đà Nẵng giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân khiến chỉ số sản xuất một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm sâu là do đơn hàng xuất khẩu giảm, đầu ra sản phẩm không thuận lợi. Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng liên tiếp đối mặt với khó khăn, bão giá nguyên vật liệu, thị trường bất động sản đóng băng, lãi suất cao... khiến lợi nhuận của ngành xây dựng giảm sút. Ông Trần Văn Vũ cũng cho biết, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng qua của thành phố Đà Nẵng ước đạt 13.783 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm trong cầu hàng hóa, dịch vụ cả trong và ngoài nước; thị trường bất động sản bộc lộ nhiều hạn chế. Một số dự án lớn phải tạm ngừng thi công do vướng thủ tục pháp lý... là những nguyên nhân chính khiến tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội không đạt được như kỳ vọng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn sơ bộ đến 20-6 đạt 9.679 tỷ đồng, giảm 25,3% so với cùng kỳ năm 2022 trong khi tổng chi ngân sách sơ bộ là 13.121 tỷ đồng, tăng 7,5%. Nguồn thu sụt giảm xuất phát từ việc thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh và các chính sách mới được ban hành trong năm 2023.

Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng Trần Văn Vũ cho rằng, Đà Nẵng phải vượt nhiều thách thức để đạt mục tiêu theo kế hoạch là tăng trưởng 7% trong năm 2023. Với tình hình hiện nay, đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn. “Kinh tế chưa thể tăng trưởng bứt phá nhưng khả năng sẽ được cải thiện hơn. Để đạt mục tiêu đã đề ra, các cấp, các ngành cần tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển KT-XH”, ông Vũ cho hay.

Bảo Nam