Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS (1-12):

Đà Nẵng quyết tâm đẩy lùi dịch HIV/AIDS

Thứ bảy, 29/11/2014 10:10

(Cadn.com.vn) - Để hạn chế sự lây lan của đại dịch HIV/AIDS, trong thời gian qua, TP Đà Nẵng đã tập trung triển khai nhiều hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV (CTGTH) như: chương trình tiếp cận cộng đồng, chương trình bao cao su, bơm kim tiêm, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone...

Tuy nhiên, hiện tại trên địa bàn thành phố vẫn còn người nhiễm mới HIV, gây tác động tiêu cực đối với xã hội. Tình hình trên đòi hỏi các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố cần quyết tâm ứng phó toàn diện và kịp thời để đẩy lùi dịch HIV/AIDS.

Những đồng đẳng viên tiếp cận cộng đồng trong dự phòng lây nhiễm HIV.

Người nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa

Tính đến nay trên địa bàn thành phố có hơn 1.750 ca nhiễm HIV được phát hiện; trong số đó hơn 750 trường hợp chuyển sang AIDS và 439 ca đã tử vong. Gần 1.000 trường hợp nhiễm HIV là người Đà Nẵng, trong đó có hơn 413 ca tử vong do AIDS và 546 người hiện đang sống chung với HIV. Trong 5 năm gần đây, với khoảng 130 ca nhiễm mới mỗi năm, trong đó 70 trường hợp là người Đà Nẵng và đối tượng ngoại tỉnh liên tục chiếm tỷ lệ lớn (44,2%).

Hiện nay trên địa bàn 7/7 quận, huyện và 56/56 xã, phường đều có báo cáo về những ca nhiễm HIV/AIDS, trong đó Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu là các quận có số ca nhiễm HIV được báo cáo cao nhất. Đặc biệt, lây nhiễm HIV đang có xu hướng trẻ hóa từ 20 đến 39 tuổi (chiếm 70%), phát hiện nhiễm HIV khá muộn và có sự chuyển đổi về mô hình lây nhiễm HIV: Nhiễm HIV qua tình dục không an toàn đang dần chiếm ưu thế (62%), số phụ nữ phát hiện nhiễm HIV càng nhiều và đang ghi nhận các trường hợp lây nhiễm HIV từ mẹ sang con...

Trong khi đó, kiến thức chung về HIV/AIDS và việc thực hiện hành vi an toàn phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư vẫn chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là trong các nhóm người sử dụng  ma túy, người mua - bán dâm, người di biến động... Sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những người nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS vẫn còn khá nặng nề, mạng lưới cung cấp dịch vụ ở một số địa bàn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế... Đây chính là những nguy cơ tiềm tàng có thể gây bùng nổ dịch trở lại nếu có sự lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

Đà Nẵng hướng tới mục tiêu không còn người nhiễm mới HIV. 

Quyết tâm đẩy lùi dịch HIV/AIDS

Theo bác sỹ Nguyễn Út - Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm TP Đà Nẵng, để kiểm soát lây nhiễm HIV trong các nhóm đối tượng nguy cơ cao và cộng đồng dân cư cũng như đẩy lùi dịch HIV/AIDS trong thời gian đến, thành phố đã xây dựng các nhóm giáo dục viên đồng đẳng, tăng cường hoạt động của các nhân viên tiếp cận cộng đồng, mở rộng các mô hình nhân viên tiếp cận cộng đồng trong dự phòng lây nhiễm HIV.

Đồng thời, thực hiện đa dạng hóa các loại hình truyền thông, chú trọng truyền thông trực tiếp dựa vào các nhóm giáo dục viên đồng đẳng, nhân viên tiếp cận cộng đồng. Bên cạnh đó, tăng cường vai trò của gia đình và cộng đồng trong việc tuyên truyền, giáo dục vận động thực hiện hành vi an toàn lây nhiễm HIV.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao về tình hình lây nhiễm HIV, các chương trình CTGTH và các dịch vụ hỗ trợ khác đang triển khai, tạo điều kiện cho việc tăng cường tiếp cận với các dịch vụ can thiệp cũng như thay đổi hành vi và thực hiện các hành vi an toàn. Đồng thời, đa dạng hóa các mô hình cấp phát bao cao su, bơm kim tiêm..., đảm bảo tính sẵn có và dễ tiếp cận  cho đối tượng can thiệp.

TP đã đặt ra các mục tiêu, cụ thể: khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,15% vào năm 2020; giảm 80% ca nhiễm HIV do lây nhiễm  qua đường tình dục vào năm 2020 so với năm 2010; đến năm 2020, 90% người dân thành phố hiểu đúng về HIV/AIDS và các cách dự phòng lây nhiễm HIV; tỷ lệ sử dụng bơm kim tiêm sạch trong nhóm người chích ma túy, sử dụng bao cao su thường xuyên của nhóm người bán dâm đều đạt trên 90% vào năm 2020; 100% phụ nữ bán dâm và tiếp viên trong các dịch vụ vui chơi giải trí được khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục 6 tháng/lần vào năm 2015 và tiếp tục duy trì tỷ lệ này đến năm 2020...

Bác sỹ Nguyễn Út cho biết: Để đạt được mục tiêu không còn người nhiễm HIV mới thì các tầng lớp nhân dân, các gia đình và các tổ chức xã hội cần tiếp tục được trang bị đầy đủ các kiến thức dự phòng để tránh lây nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ cho người nhiễm HIV/AIDS; chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Các cấp, các ngành tăng cường giới thiệu, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS sẵn có tại thành phố, bao gồm các dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến để mọi người dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS dễ dàng tiếp cận và sử dụng.

Tiếp tục mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội, chăm sóc sức khỏe, tư vấn, hệ thống chuyển tiếp, chuyển tuyến, đặc biệt là dịch vụ cung cấp các phương tiện dự phòng lây nhiễm HIV như bao cao su, bơm kim tiêm sạch cho mọi người dân có nhu cầu.  Người nhiễm HIV và gia đình cần tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Tự cởi bỏ sự tự kỳ thị với bản thân cùng toàn xã hội phòng, chống kỳ thị và phân biệt đối xử...

T.Dũng