Đà Nẵng quyết tâm xóa 100% hộ đặc biệt nghèo
(Cadn.com.vn) - Chiều 6-3, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình giảm nghèo năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014.
Năm 2013 là năm đầu tiên TP Đà Nẵng triển khai thực hiện Đề án giảm nghèo giai đoạn 2013-2017 với mức chuẩn nghèo mới (nông thôn: 600.000đ/người/tháng, thành thị: 800.000đ/người/tháng).
Tuy tình hình suy thoái kinh kế chưa được phục hồi, đời sống của một bộ phận dân cư còn gặp nhiều khó khăn, nguồn thu ngân sách còn hạn hẹp... nhưng ngay từ đầu năm 2013, trên cơ sở tổng kết 4 năm công tác giảm nghèo giai đoạn (2009-2013) và triển khai thực hiện Đề án giảm nghèo, Đề án hỗ trợ hộ đặc biệt nghèo (2013-2017), TP đã kịp thời ban hành các chính sách và thực hiện có hiệu quả công tác trợ cấp hàng tháng đối với người mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, suy thận; trợ cấp hàng tháng đối với đối tượng già yếu, ốm đau thường xuyên, đối tượng xã hội trong hộ đặc biệt nghèo; nâng mức hỗ trợ xóa nhà tạm hộ nghèo từ 25 triệu lên 30 triệu đồng/ nhà...
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh trao Bằng khen của UBND TP cho các cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo năm 2013. |
Đầu năm 2013, toàn thành phố có 22.045 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,1%/tổng số hộ dân cư, trong năm có 855 hộ nghèo phát sinh. HĐND TP đã đề ra trong năm giảm 5.250 hộ nghèo. Bằng các giải pháp đồng bộ, thiết thực năm qua các ngành, hội, đoàn thể, địa phương đã trực tiếp trợ giúp cho 68.400 lượt hộ với 22.653 lượt người nghèo được thụ hưởng. Qua đó, tạo điều kiện cho 7.714 hộ vươn lên thoát nghèo. Trong năm, TP cũng đã giải quyết cho 9.243 lượt hộ thụ hưởng các chính sách trợ giúp. Trong số đó đã có 425 hộ vươn lên thoát nghèo đạt 425%/ kế hoạch giao. Số hộ còn lại cuối năm 1.575 hộ, gồm 817 hộ nhóm I và 758 hộ nhóm II...
Trong việc thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ, riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp với các hội đoàn thể và các địa phương đã giải quyết cho 2.658 hộ nghèo, hộ thoát nghèo vay vốn, với tổng doanh số cho vay 45.757 triệu đồng. Đến cuối tháng 11-2013 đã có 36.482 hộ vay vốn còn dư nợ tại Chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội TP với số tiền 432.332 triệu đồng, mức dư nợ bình quân 11,85 triệu đồng/hộ. Bên cạnh đó, các ngành, hội, đoàn thể đã huy động nhiều nguồn vốn khác nhau như quỹ quay vòng, quỹ hỗ trợ nông dân, tổ tiết kiệm... đã giải quyết cho 5.581 lượt hộ vay không lãi hoặc lãi suất thấp với kinh phí 50.161 triệu đồng.
Đặc biệt, các quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu đã huy động cho 2.980 hộ nghèo vay với kinh phí 21.945 triệu đồng. Nhằm hỗ trợ hộ nghèo phát triển ngành nghề sản xuất và có kế hoạch làm ăn phù hợp, tiếp cận những kiến thức về khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi... các ngành, đoàn thể đã phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn hướng dẫn cách làm ăn, dạy nghề miễn phí cho 3.630 lượt hộ. Riêng Q. Hải Châu đã mở 13 lớp tập huấn cho 1.950 lượt hộ nghèo, cận nghèo về kỹ năng bán hàng; Q. Sơn Trà giới thiệu giải quyết việc làm cho 819 người...
Tổ chức giới thiệu việc làm tại Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH TP. |
Tại hội nghị, UBND TP Đà Nẵng đã thông qua và triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo 2014 trên địa bàn TP Đà Nẵng với mục tiêu phấn đấu giảm 2,46% (5.963 hộ) tỷ lệ hộ nghèo trên tổng số hộ dân cư; phấn đấu đến cuối năm 2014 xóa 100% hộ đặc biệt nghèo (1.575 hộ); đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ đặc biệt nghèo được tiếp cận các nguồn lực và dịch vụ, nhất là y tế, chăm sóc sức khỏe, đời sống văn hóa, tinh thần, giáo dục, dạy nghề miễn phí, tiếp cận dịch vụ hỗ trợ pháp lý, vay vốn để làm ăn; đảm bảo 100% số hộ nghèo, đặc biệt nghèo đang ở nhà tạm, có đất ở ổn định được hỗ trợ cải thiện nhà ở, điện, nước sạch, xây dựng công trình phụ hợp vệ sinh; 100% người mắc bệnh hiểm nghèo (ung thư, suy thận mãn tính) thuộc hộ nghèo, người già yếu, người khuyết tật, trẻ mồ côi, người ốm đau thường xuyên, người mắc bệnh hiểm nghèo thuộc hộ đặc biệt nghèo được giải quyết trợ cấp hàng tháng.
Chủ trì và phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh: chương trình giảm nghèo cần chú ý trong công tác hỗ trợ cho từng đối tượng để sát sao với tình hình của các cá nhân, đặc biệt là đối với các đối tượng chây ỳ, không cố gắng vươn lên thoát nghèo. “không thể cõng họ đi mãi được!”. Trong quá trình triển khai cần nhân rộng các mô hình hiệu quả, xây dựng các chương trình dạy nghề hướng dẫn người dân để có công ăn việc làm... Đặc biệt, các sở ban ngành có liên quan cần liên kết thường xuyên với nhau nhiều hơn nữa để đảm bảo chương trình hoàn thành tốt, đúng với mục tiêu đề ra.
Lê Anh Tuấn