Đà Nẵng rà soát các điểm ngập úng sau trận mưa đầu mùa
Còn nhiều điểm ngập úng kéo dài khi có mưa lớn
Kiểm tra hiện trường tại điểm ngập giao lộ Lê Duẩn – Hoàng Hoa Thám, ông Võ Tấn Hà – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, trước mùa mưa, khu vực này đã được đầu tư lắp đặt thêm hơn 100 cửa thu gom nước từ mặt đường xuống hệ thống thoát. Với việc xảy ra ngập úng trong cơn mưa lớn tối 10-9, cơ quan chức năng đang rà soát kỹ để tìm nguyên nhân và triển khai khắc phục nhanh. Ngoài việc tuyên truyền các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh thu gom rác trước mỗi trận mưa, khơi thông cửa thu nước, các đơn vị liên quan sẽ xem xét có hay không tác động của các dự án trong khu vực đang thi công. Cùng với đó, các điểm ngập khác trên địa bàn thành phố cũng được rà soát lại để có phương án xử lý, trước mắt là trong mùa mưa năm nay.
Theo báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, hiện thành phố có 9 điểm ngập úng thường xuyên, kéo dài. Trong đó 6 điểm đang triển khai thi công dự án chống ngập là khu vực Trung Nghĩa, xung quanh đồi Trung Sơn, cổng KCN Hòa Khánh, kiệt 96 đường Điện Biên Phủ, đường Hà Huy Tập, kiệt 818 đường Trần Cao Vân. Nguyên nhân chủ yếu gây ngập ở các khu vực này là vướng giải phóng mặt bằng lâu năm dẫn đến chưa thể hoàn thành tuyến kênh thoát nước chính hoặc vướng các dự án đang thi công. Ngoài ra có 3 điểm đang triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư là khu vực đường Trần Xuân Lê, đường Tống Phước Phổ, đường Lê Tấn Trung. Các vị trí này chủ yếu có địa hình trũng thấp, hệ thống thoát nước hư hỏng, xuống cấp, nhiều cửa thu nước đã bị lấp nên khi có mưa lớn nước thoát không kịp, gây ngập úng.
Ông Võ Tấn Hà cho biết, hiện Sở đang tham mưu UBND thành phố triển khai phương án ứng phó ngập úng trước mùa mưa 2023. Trước mắt là tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch ra quân nạo vét, khơi thông cống rãnh đã được thành phố phê duyệt. Trước mỗi đợt mưa huy động nguồn lực của cộng đồng cùng chung tay cùng chính quyền, các cơ quan chức năng khơi thông dòng chảy tại các kênh mương và cửa thu nước trước nhà để nâng cao hiệu quả thoát nước, chống ngập úng và ô nhiễm môi trường. Đối với các vị trí ngập úng do ảnh hưởng của các dự án, công trình đang triển khai thi công, Sở Xây dựng, Cty Thoát nước và xử lý nước thải bố trí nhân viên thường xuyên túc trực, triển khai thực hiện phương án xử lý đảm bảo thoát nước tạm thời cho các khu vực đang thi công dở dang, chưa được đấu nối thoát nước hoàn chỉnh, bị ngập úng hoặc có nguy cơ ngập úng. Tại các trạm bơm chống ngập sẽ có nhân lực túc trực thường xuyên, theo dõi và xử lý kịp thời sự cố máy bơm bị hỏng hoặc mất nguồn điện. Ở khu vực dân cư thấp trũng phải chuẩn bị máy bơm di động để xử lý kịp thời ngập úng cục bộ. Đối với khu vực trung tâm thành phố như đường Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, tuyến cống sân bay ra đường Trưng Nữ Vương, trước mỗi trận mưa các trạm bơm phải vận hành để hạ mực nước trong các hồ điều tiết xuống mức thấp nhất để dự trữ dung tích điều tiết cho hồ.
Rà soát bất cập để xây dựng kịch bản ứng phó
Trao đổi với phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, ông Hà Văn Thành – Giám đốc Cty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết, tính đến thời điểm này, Cty Thoát nước và Xử lý nước thải đã thực hiện nạo vét khoảng 3.200m3 bùn đồng thời khảo sát hiện trạng và tiếp tục nạo vét thêm 1.200m3 ngay trước mùa mưa. Theo ghi nhận, trận mưa chiều tối ngày 10-9 tuy không kéo dài nhưng lưu lượng lớn và mưa liên tục. Tại một số khu vực, ngoài việc cửa thu nước bị bít do rác sinh hoạt hoặc người dân ngăn mùi hôi thì hệ thống thoát nước không đáp ứng kịp đã gây ngập cục bộ. Ngay sau đợt ngập, Cty phối hợp UBND các quận huyện rà soát toàn bộ hệ thống thoát nước hiện trạng, triển khai nạo vét cống, bổ sung cửa thu nước và có báo cáo cụ thể với Sở Xây dựng. Trường hợp cần thiết sẽ đề xuất các phương án thực hiện gấp nhằm bảo đảm phát huy tối đa năng lực thoát nước của hệ thống hiện trạng. Đơn vị cũng sẽ tiến hành khảo sát toàn bộ các bất cập hiện nay về hệ thống cống thoát nước, trước mắt ưu tiên tại khu vực đô thị cũ như khẩu độ cống, cao trình, khớp nối, cửa thu nước và đề xuất phương án cải tạo phù hợp. Cùng với đó sẽ rà soát tình hình vận hành các trạm bơm chống ngập, trang bị thêm máy bơm, máy phát điện dự phòng và các trang thiết bị phục vụ công tác chống ngập úng đô thị nếu thấy cần thiết.
Về lâu dài, lãnh đạo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết UBND thành phố giao Sở phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát việc phân cấp quản lý nhà nước đối với hệ thống thoát nước theo Quyết định 46/2018/QĐ-UBND ngày 27-12-2018 của UBND thành phố và đề xuất điều chỉnh cho phù hợp, hoàn thành trong năm 2023. Sở cũng sẽ rà soát, cập nhật, điều chỉnh kế hoạch quản lý và phát triển hệ thống thoát nước ngay sau khi quy hoạch chuyên ngành cao độ nền và thoát nước mặt; quy hoạch thoát nước thải được UBND thành phố phê duyệt. Kèm theo đó là xây dựng kịch bản ứng phó ngập úng đô thị nhằm tăng cường tính chủ động trong công tác ứng phó, khắc phục tình trạng ngập úng khi xảy ra mưa lớn. Sở Xây dựng cũng cho biết, do tần suất xuất hiện các trận mưa cực đoan trong giai đoạn gần đây ngày càng nhiều, mực nước sông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng luôn ở mức cao mỗi khi mưa lớn hoặc xảy ra lũ từ thượng nguồn. Do vậy, UBND thành phố chỉ đạo Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên và các đơn vị tổ chức lập quy hoạch phân khu lưu ý trong quá trình lập đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành cao độ nền và thoát nước mặt. Trong đó ưu tiên dành quỹ đất để bố trí hành lang thoát lũ, hình thành các hồ điều hòa và tăng diện tích hành lang xanh, mảng xanh đô thị, hạn chế tối đa việc bê tông hóa nếu không thật sự cần thiết.
Công Khanh
Xây dựng bản đồ theo dõi mưa, cảnh báo ngập úng UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã giao Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên phối hợp với đơn vị tư vấn có năng lực xây dựng bản đồ ngập úng và hệ thống cảnh báo ngập úng trên địa bàn thành phố. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các sở ngành, địa phương hoàn thiện, phát triển Hệ thống bản đồ theo dõi mưa, ngập nước trên địa bàn TP Đà Nẵng thông qua ứng dụng Danang SmartCity. |