Đà Nẵng sẵn sàng đón du khách“đổ bộ” mùa du lịch
(Cadn.com.vn) - Tại buổi gặp mặt với gần 600 doanh nghiệp trước thềm mùa du lịch 2017, lãnh đạo Sở Du lịch đề nghị các đơn vị lữ hành, khách sạn, nhà hàng chung tay xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, bền vững. Về phía mình, đại diện các doanh nghiệp cũng kiến nghị cơ quan chức năng thành phố có biện pháp đảm bảo sự công bằng, lành mạnh trong kinh doanh, không để xảy ra tình trạng “đánh lẻ”, làm ăn chụp giật, để tiếng xấu cho thành phố. Nhiều đơn vị cũng thẳng thắn đề xuất phải tinh gọn và hiệu quả trong công tác thanh kiểm tra, tránh chồng chéo, gây phiền phức cho việc kinh doanh.
Các nhà hàng, khách sạn Đà Nẵng đã sẵn sàng đón khách cho kỳ nghỉ lễ khởi công đầu mùa |
XEM PHÁO HOA VÀO MÙA DU LỊCH BIỂN
Lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 4 ngày dự kiến sẽ có khoảng 291.783 lượt khách đến thành phố tham quan, du lịch (tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2016). Trong số này, khách quốc tế ước đạt 81.658 lượt, khách nội địa khoảng 210.125 lượt. Ngoài Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017 với nhiều sự kiện phụ trợ đẳng cấp thì việc khai trương mùa du lịch biển được xem là hấp lực đối với thị trường khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản cũng như người dân hai đầu đất nước. Đến trước cao điểm mùa du lịch 2017, Đà Nẵng có 587 cơ sở lưu trú với 21.876 phòng. Theo dự báo, trong 4 ngày nghỉ lễ, tổng lượng khách lưu trú tại các khách sạn sẽ đạt con số 95.709 lượt khách, tăng 15,8% so với kỳ nghỉ lễ năm ngoái, công suất buồng phòng bình quân ước đạt 72 – 75%. Theo khảo sát sơ bộ, khối khách sạn 4 – 5 sao và tương đương, công suất bình quân ước đạt 80 - 85%, khối khách sạn 3 sao và tương đương, căn hộ, biệt thự du lịch, công suất đạt 65%, trong khi đó khối 1 – 2 sao đạt khoảng 40%.
Trong dịp này, các đơn vị lữ hành như Vietravel, Vitours, Saigontourist, Vienam Travelmart... đều tung ra nhiều chương trình tour kết hợp Lễ hội pháo hoa quốc tế để thu hút khách. Cty Vitours tổ chức tour chủ đề “Kỳ thú Đà Nẵng - Ấn tượng Hoài phố” khởi hành thứ 7 hàng tuần với chi phí thấp, Bến Thành Tourist triển khai tour 1 ngày “Học làm ngư dân, khám phá vẻ đẹp của vịnh Đà Nẵng” với nhiều trải nghiệm thú vị dành cho du khách và các tour tham quan Đà Nẵng xem trình diễn pháo hoa, tour Đà Nẵng kết hợp khám phá đảo Lý Sơn. Trong khi đó, Cty Vietnam Travelmart tung các tour Thưởng ngoạn Pháo hoa, Hành trình di sản, daily tour, tour trực thăng và các tour outbound đến các điểm mới như: Hải Khẩu – Trương Gia Giới – Phượng Hoàng Cổ trấn, Tam Á, Du lịch Nga.
Với nhiều chương trình vui chơi giải trí đặc sắc, Đà Nẵng dự kiến |
DOANH NGHIỆP THAN “BỘI THỰC” KIỂM TRA
Trước cao điểm du lịch đầu tiên của năm 2017, Sở Du lịch đã có Công văn số 932/SDL-QLLH yêu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch và dịch vụ trên địa bàn đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, đặc biệt là thực hiện kê khai, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã ban hành kế hoạch số 2547/KH-UBND yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá các dịch vụ trong thời gian diễn ra DIFF 2017.
Theo ông Ngô Quang Vinh - Giám đốc Sở Du lịch, việc có nhiều sự kiện lớn trong năm 2017 là cơ hội lớn nhưng đồng thời cũng là áp lực nặng nề cho ngành du lịch để khẳng định thương hiệu an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Trong đó, ngoài vấn đề ANTT thì công tác quản lý, bình ổn giá là hết sức quan trọng. “UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai thực hiện việc kê khai giá và bán theo giá niêm yết. Chúng tôi cũng đang phối hợp với Sở Công thương, Sở Tài chính, Quản lý thị trường vừa tuyên truyền, vừa kiểm tra việc thực hiện theo quy định của các cơ sở kinh doanh. Tránh tình trạng một số cửa hàng khách sạn thực hiện tốt nhưng số khác lại lách luật, tăng giá, làm mất thương hiệu, hình ảnh của điểm đến. Một khi khách không đến thì hoạt động kinh doanh của họ sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên”, ông Vinh nhấn mạnh. Giám đốc Sở Du lịch cũng cho biết sẽ phối hợp cùng các đơn vị, địa phương kiểm tra chặt, đề xuất xử lý nghiêm các hành vi găm giữ phòng, tạo “cháy ảo” để tăng giá, bán dịch vụ không đúng với giá đã kê khai và niêm yết cũng như hiện tượng tranh giành khách, cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hướng xấu đến môi trường du lịch của thành phố. Bà Đoàn Thị Kim Thanh - Phó Chánh thanh tra Sở Du lịch cho hay, từ đầu năm đến nay, lực lượng đã kiểm tra và xử phạt 38 trường hợp với tổng số tiền hơn 300 triệu đồng với các đơn vị lưu trú vi phạm các lỗi như không duy trì số lượng phòng theo các hạng sao đã được công nhận, không thông báo thời điểm đi vào hoạt động. Để đảm bảo môi trường du lịch, thanh tra sở sẽ có kế hoạch tiếp tục thanh kiểm tra định kỳ, đột xuất với những khách sạn có dấu hiệu vi phạm.
Ở chiều ngược lại, đại diện các nhà hàng, khách sạn cũng thể hiện sự bức xúc trước việc “bội thực kiểm tra” khiến công việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Quản lý khách sạn Sea Phoenix cho rằng, nhiều đồng nghiệp trong nghề rất mệt mỏi vì một năm phải đón tiếp quá nhiều đoàn kiểm tra đến làm việc. Ngoài lịch kiểm tra dày đặc, nhiều đơn vị hết sức bức xúc vì có nhiều đoàn kiểm tra quá “dài tay”, làm luôn cả những công việc không thuộc chuyên ngành của họ. “Tôi ví dụ như Quản lý thị trường thì kiểm tra về giá cả, hàng hóa, hóa đơn chứng thôi, đằng này họ lại kiểm tra luôn cả nội quy khách sạn, ATVSTP, ANTT và cả PCCC nữa”, vị này bức xúc.
Bà Dương Thị Thơ - Phó Chủ tịch hội khách sạn Đà Nẵng cho rằng, nhiều đơn vị liên tục than phiền vì lịch kiểm tra dày đặc, chồng chéo, thậm chí là không đúng chức năng. Chính vì vậy, các ngành nên thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và đi kiểm tra một lần để thuận lợi trong việc kiểm tra của cơ quan quản lý cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bà Thơ kể, có thời điểm chỉ trong vòng 1 tuần lực lượng quản lý thị trường đi kiểm tra 3 cơ sở lưu trú do bà quản lý. Điều khó hiểu họ kiểm tra luôn cả công tác PCCC, ANTT và ATVSTP với mục đích là tìm lỗi để phạt. “Chúng tôi đề nghị Sở Công Thương yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường khi đến kiểm tra phải có văn bản, nêu rõ được quyền kiểm tra lĩnh vực nào, không phải cứ tới rồi tùy tiện kiểm tra tất cả. Bản thân doanh nghiệp luôn mong các cơ quan nhà nước đồng hành trên một mặt trận, cùng hỗ trợ nhau để ngành du lịch phát triển. Phải tôn trọng doanh nghiệp vì song song với công việc kinh doanh, chúng tôi đóng góp cho sự phát triển của thành phố, đừng chăm chăm tìm lỗi để phạt”, bà Thơ kiến nghị.
Trao đổi với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Trần Phước Trí – Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho rằng, dù rất muốn tinh gọn, đỡ phiền hà cho doanh nghiệp nhưng trên thực tế thì công tác lập tổ liên ngành để phối hợp kiểm tra là rất khó khăn. Mỗi ngành có một chức năng riêng, lại hoạt động theo cao điểm, có khi cơ quan này đề nghị phối hợp thì các cơ quan còn lại bận, không thể triển khai được và ngược lại. “Mình làm phần mình, không có chuyện lấn sân đâu. Mỗi đợt kiểm tra, chúng tôi quán triệt hết cho các đơn vị, địa phương rồi mới ra quân. Ai làm không đúng chức năng, nhiệm vụ mà chúng tôi có bằng chứng là xử lý nghiêm. Với lại, không có thẩm quyền kiểm tra thì anh lấy đâu thầm quyền mà lập biên bản vi phạm để xử phạt”, ông Trí giải thích.
Công Khanh