Đà Nẵng sẵn sàng tiêm vaccine cho trẻ em

Thứ năm, 21/04/2022 09:47
Thực hiện kế hoạch của Bộ Y tế, cùng với các địa phương khác, hiện nay, Đà Nẵng đã sẵn sàng tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 4 này.
Đà Nẵng đã sẵn sàng tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Trong ảnh: Ngành Y tế TP tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi.
Đà Nẵng đã sẵn sàng tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Trong ảnh: Ngành Y tế TP tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi.

Thận trọng, kỹ lưỡng

Bác sĩ Trần Thanh Thủy – Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho hay, tiêm vaccine là biện pháp mang lại hiệu quả nhất trong công tác phòng, chống COVID-19. Ở giai đoạn bình thường mới này, Đà Nẵng vẫn đang nỗ lực đẩy mạnh tiêm vaccine cho người dân trên địa bàn thành phố, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác tiêm cho trẻ em.

“Theo thống kê, Đà Nẵng hiện có hơn 130.000 trẻ em nằm trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó có 69% phụ huynh đồng ý tiêm vaccine phòng COVID-19 cho con. Như vậy, sẽ có khoảng hơn 90.000 em nằm trong diện sẽ được tiêm chủng. Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, người khỏi COVID-19 đủ 3 tháng mới được tiêm vaccine nên TP sẽ tổ chức tiêm cho trẻ trong 2 đợt. Đợt 1 là những em không mắc COVID-19 trong vòng 3 tháng qua với khoảng hơn 70.000 em và đợt 2 khoảng hơn 20.000 em là trẻ đã mắc COVID-19 trong 3 tháng đầu năm 2022”, bác sĩ Trần Thanh Thủy chia sẻ.

Theo nhận định của Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Kim Yến, tiêm vaccine cho trẻ ở độ tuổi nhỏ khác hoàn toàn so với việc tiêm cho người lớn. Vì thế, để đảm bảo an toàn tiêm chủng, bà đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị chi tiết, kỹ lưỡng và phải thật sự thận trọng trong quá trình triển khai tiêm. Trong đó, giao Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các cơ sở tiêm chủng tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế các tuyến; phối hợp với các địa phương thực hiện bố trí các điểm tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế và đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19; dự trù vật tư, trang thiết bị… phục vụ công tác tiêm chủng; chuẩn bị các phương án đảm bảo sẵn sàng cấp cứu, xử lý tai biến đảm bảo an toàn trong tiêm chủng và các phương án phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình triển khai; rà soát bố trí các trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác cấp cứu, xử trí tiêm chủng đảm bảo theo quy định.

Bên cạnh đó, lãnh đạo TP cũng yêu cầu Sở GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế cùng Sở TT&TT và các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của hoạt động tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đến cán bộ, giáo viên, đồng thời vận động phụ huynh, người giám hộ cho trẻ tham gia tiêm vaccine…

“Chiến dịch tiêm vaccine sẽ được triển khai tại tất cả các xã, phường nhằm đảm bảo tỷ lệ bao phủ vaccine cho trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng, trong đó bao gồm cả trẻ em là người nước ngoài đang ở trên địa bàn TP. Ngành Y tế sẽ tổ chức tiêm chủng tại các điểm tiêm cố định/lưu động đã được thiết lập trên địa bàn TP, dự kiến sẽ có 108 điểm tiêm. Trước mắt, trong thời gian đầu sẽ tổ chức tiêm tại 2-3 điểm tiêm chủng cho trẻ sinh sống tại các khu vực trung tâm TP, nơi tiếp cận nhanh với cơ sở y rế. Trên cơ sở đó, TP sẽ xem xét, rút kinh nghiệm và triển khai nhân rộng sang các quận, huyện khác trên nguyên tắc đảm bảo an toàn, hiệu quả trong quá trình triển khai tiêm chủng cho trẻ. Kế hoạch cũng sẽ được triển khai theo hình thức cuốn chiếu, từ lứa tuổi lớn đến nhỏ, theo trường, theo địa bàn”, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Kim Yến cho hay.

Để kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em diễn ra đúng kế hoạch, lãnh đạo TP đã giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP tiếp nhận, bảo quản vaccine, vật tư tiêm chủng phòng COVID-19 tại kho TP và thực hiện cấp phát vaccine, vật tư tiêm chủng cho các điểm tiêm. Đơn vị phụ trách tiêm chủng căn cứ vào kế hoạch tiêm chủng để chủ động liên hệ CDC nhận vaccine. Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh - Giám đốc CDC TP, theo quy định của Bộ Y tế, vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi bao gồm 2 loại đó là Pfizer (liều 10ìg - 0,2 ml tương đương 1/3 liều người lớn) và Moderna (liều 50ìg - 0,25 ml tương đương 1/2 liều người lớn). Đến thời điểm hiện tại, CDC Đà Nẵng đã tiếp nhận 10.300 liều vaccine Moderna từ Bộ Y tế. Hiện ngành y tế đang xây dựng kế hoạch và tổ chức tiêm cho trẻ em các địa phương trong thời gian sớm nhất.

Phụ huynh nên làm gì?

Theo khuyến cáo của cơ quan y tế, trước khi thực hiện tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, phụ huynh nên theo dõi, phát hiện các dấu hiệu không bình thường của trẻ như: Sốt, các triệu chứng hô hấp (ho, thở nhanh...), đau đầu, nôn... để thông báo cho cán bộ y tế khi thăm khám, đánh giá cho trẻ em trước khi tiêm. Đặc biệt, những cháu bé có yếu tố nguy cơ tiếp xúc với người nhiễm SARS-CoV-2 và/hoặc kèm theo các triệu chứng hô hấp thì nên theo dõi tiếp tại nhà đề phòng trẻ có nhiễm virus SARS-CoV-2 chưa phát hiện ra, khi đi tiêm phòng có thể lây nhiễm cho trẻ khác.

Trong quá trình tiêm và sau khi tiêm cần theo dõi trẻ tại nơi tiêm. Phụ huynh nên phối hợp với nhân viên y tế, các thầy cô giáo theo dõi tình trạng trẻ, đồng thời động viên trẻ, tránh để trẻ lo lắng, mất bình tĩnh. Cụ thể, theo dõi tình trạng trẻ sau tiêm như các biểu hiện về thay đổi tinh thần (kích thích, vật vã, lo lắng...), triệu chứng hô hấp (thở nhanh, khó thở, thở rít...), nổi vân tím, nổi ban ngoài da, vã mồ hôi, chân tay ẩm lạnh, nôn, đau bụng...

Như khi tiến hành tiêm phòng các vaccine khác, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cũng có một số phản ứng được ghi nhận như: tại chỗ tiêm bị sưng và ngứa, ban ngoài da, phù nề một số cơ quan (môi, mắt...), nổi vân tím, khó thở, khò khè, đau ngực, đánh trống ngực, đau đầu, li bì, đau bụng, nôn, tiêu chảy. Nặng là các dấu hiệu phản ứng như: suy hô hấp, ngất, co giật, các dấu hiệu suy tuần hoàn (vã mồ hôi, nổi vân tím, tay chân ẩm lạnh, tụt huyết áp...).

Nhìn chung, khi có các dấu hiệu bất thường ở trẻ sau tiêm vaccine phòng COVID-19 mà phụ huynh nhận ra được thì nên cho trẻ đến kiểm tra ngay tại cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. Trường hợp sau khi tiêm được theo dõi ổn định tại cơ sở tiêm chủng trẻ có thể sinh hoạt, học tập như những ngày thường. Tuy nhiên các phụ huynh cũng nên hạn chế cho trẻ hoạt động thể lực nhiều trong vòng 3 ngày sau tiêm và theo dõi sát các dấu hiệu bất thường của trẻ khi sinh hoạt.

PHI NÔNG