Đà Nẵng sẵn sàng ứng phó với dịch MERS-CoV

Thứ sáu, 05/06/2015 12:33

(Cadn.com.vn) - Trước tình hình dịch MERS-CoV (Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do virus Corona) đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ xâm nhập vào Đà Nẵng cũng như có khả năng bùng phát dịch lớn tại cộng đồng, chiều 4-6, Sở Y tế TP Đà Nẵng tổ chức cuộc họp khẩn nhằm triển khai công tác phòng, chống dịch.

Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP Đà Nẵng đã đẩy mạnh công tác kiểm dịch y tế tại cửa khẩu. Ảnh: P.V

Chủ động phòng chống dịch bệnh

Theo ông Phạm Trúc Lâm – Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế TP Đà Nẵng, tính đến trưa 4-6, đã có 1.180 người/26 quốc gia mắc bệnh MERS-CoV, trong đó có 442 trường hợp tử vong. 4 quốc gia trong khu vực Châu Á hiện có dịch gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Philippines. Riêng tại Hàn Quốc, dịch bệnh MERS-CoV đã bùng phát mạnh với 35 ca mắc và đang có chiều hướng gia tăng nhanh, đặc biệt đã có 2 ca tử vong và nước này cũng tổ chức cách ly, cấm xuất cảnh đối với 1.360 người. Ngoài ra, Hàn Quốc đã cho tạm ngừng nhiều hoạt động vui chơi nơi công cộng và tổ chức đóng cửa hơn 900 trường học vì lo ngại tình trạng dịch bệnh có thể lây lan nhanh. Điều đáng lo ngại ở Hàn Quốc là đã xuất hiện tình trạng lây nhiễm hệ thứ ba, nghĩa là lây từ những người ở chung phòng hoặc chung nơi điều trị. Đối với Trung Quốc, hiện đã có 1 ca nhiễm MERS-CoV và ngành chức năng của nước này cũng đã tổ chức cách ly 80 người tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm  MERS-CoV.

Sở Y tế thành phố họp triển khai công tác phòng chống dịch MERS-CoV.

Hiện tại, Việt Nam chưa xuất hiện người nhiễm MERS-CoV. Tuy nhiên, khả năng lây lan vào nước ta là rất lớn. Đà Nẵng là đầu mối giao thông quốc tế, mỗi tuần có 22 chuyến bay từ Hàn Quốc đến Đà Nẵng với hơn  4.500 khách nhập cảnh; 63 chuyến bay từ Trung Quốc đến cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng với khoảng 12.000-13.000 khách… Điều đó đã tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh MERS-CoV xâm nhập.

Để ngăn chặn kịp thời bệnh MERS-CoV có thể xuất hiện tại Đà Nẵng, Sở Y tế thành phố đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP Đà Nẵng tăng cường công tác kiểm dịch y tế tại cửa khẩu quốc tế; giám sát chặt tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh, trường hợp nghi ngờ; đặc biệt các đối tượng có nguy cơ cao như công dân, lao động, hành khách đi du lịch tiếp xúc, làm công việc nông trại liên quan đến lạc đà thuộc các quốc gia khu vực Trung Đông, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Hiện tại, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế thành phố đã tiến hành triển khai thực hiện việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ và  kê khai y tế đối với hành khách đến từ những vùng có dịch MERS-CoV. Ngoài ra, Sở Y tế cũng đã yêu cầu Trung tâm Y tế Dự phòng (TTYTDP) thành phố thành lập từ 2-3 đội phòng chống dịch cơ động, sẵn sàng đầy đủ dụng cụ, môi trường lấy mẫu bệnh phẩm, cử cán bộ trực tiếp tham gia lấy mẫu bệnh phẩm những ca đầu tiên nghi mắc bệnh truyền nhiễm MERS-CoV (nếu có) và gửi mẫu xét nghiệm về Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương để xác định nguyên nhân; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến dưới về công tác giám sát, điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch; phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ phát hiện sớm ổ dịch cúm gia cầm, để có biện pháp khoanh vùng và xử lý kịp thời; tiến hành lập danh sách những người có tiếp xúc với ổ dịch cúm gia cầm, với người mắc MERS-CoV, bệnh viêm đường hô hấp cấp tính năng do virus Corona, tổ chức giám sát chặt chẽ, nếu phát hiện có triệu chứng nghi ngờ cần đưa ngay đến bệnh viện để cách ly và điều trị kịp thời...

Ngành y tế thành phố đã trang bị các bộ quần áo chuyên dụng.

Theo bác sỹ Tôn Thất Thạnh – Giám đốc TTYTDP thành phố, hiện TTYTDP thành phố đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, thuốc men, sinh phẩm phòng chống dịch và đã tiến hành thành lập 2 đội chống dịch cơ động, trang bị 90 bộ quần áo chuyên dụng và 1.500 kg Chloramin…

Bên cạnh đó, Sở Y tế yêu cầu TTYT các quận, huyện thành lập từ 1-2 đội phòng chống dịch cơ động đảm bảo đầy đủ cơ số chống dịch sẵn sàng đáp ứng xử lý kịp thời theo đúng quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, TTYT các quận, huyện còn phải chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và các ban ngành tại địa phương, giám sát tình hình dịch bệnh, sẵn sàng đáp ứng chống dịch trong mọi tình huống, chỉ đạo các Đội YTDP quận, huyện tiến hành rà soát củng cố các Đội phòng chống dịch cơ động, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, dự trù vật tư hóa chất đảm bảo sẵn sàng đáp ứng mọi hoạt động trong công tác giám sát phát hiện và xử lý khi có dịch xảy ra...

Cần đến cơ sở y tế sớm khi có dấu hiệu nhiễm MERS-CoV

MERS-CoV là bệnh viêm đường hô hấp nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao. Hầu hết các độ tuổi đều có khả năng nhiễm MERS-CoV. Tuy nhiên, theo WHO, nhóm nguy cơ cao mắc MERS-CoV là những người mắc bệnh đái tháo đường, suy thận, bệnh phổi mãn tính, những người bị bệnh miễn dịch.

Phần lớn bệnh nhân nhiễm MERS-CoV thường có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp như: sốt trên 38°C, ho, khó thở, có tổn thương nhu mô phổi... Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp nhiễm MERS-CoV nhưng không có biểu hiện triệu chứng. MERS-CoV có thể lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua tiếp xúc gần hoặc giọt nước bọt nhỏ. Chính vì vậy, những người có dấu hiệu nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp, có thể có sốt trên 38°C, ho, nghi ngờ bệnh viêm phế quản phổi, trước đó có tiền sử đi hoặc đến các nước có dịch trong vòng 14 ngày thì cần đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe...

Hiện nay chưa có thuốc điều trị và vaccine dự phòng MERS-CoV, các phương pháp điều trị vẫn như đối với bệnh viêm đường hô hấp cấp và điều trị tích cực. Người dân cần chủ động phòng tránh song không nên quá hoang mang.

Để dịch bệnh không thể phát sinh, Sở Y tế thành phố khuyến cáo người dân cần hạn chế đi tới các vùng đang có dịch; giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc; thường xuyên khử khuẩn bề mặt tiếp xúc như: đồ chơi, sàn nhà, tay nắm cửa...; tránh tiếp xúc với động vật, vật nuôi, nếu đã tiếp xúc phải rửa tay bằng xà phòng; người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế ở địa phương để được theo dõi; đặc biệt những người trở về từ khu vực có dịch, trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu của viêm đường hô hấp cấp như sốt trên 38°C, ho, khó thở hoặc có tiếp xúc gần với người có dấu hiệu như trên, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, kiểm tra, xét nghiệm MERS-CoV...

Lê Hùng