Đà Nẵng, số ca mắc COVID19 bắt đầu giảm
Ngày thứ 8 thực hiện phong tỏa toàn thành phố Đà Nẵng, số ca mắc COVID 19 mới đã giảm dần với 153 ca (ngày 22.8 là 167 ca), trong đó, ghi nhận 34 ca cộng đồng (ngày 22.8 là 43 ca). Trong khi đó để kịp thời cung cứng hàng hóa cho người dân trong giai đoạn Đà Nẵng áp dụng các biện pháp mạnh, thành phố đã cho phép và cấp thẻ cho gần 1.000 shipper hoạt động trở lại từ 23-8. Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, nhiều shipper vẫn “án binh bất động” trong ngày đầu tiên.
Trước việc Hải Châu nổi lên là tâm dịch mới của thành phố, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị, địa phương hỗ trợ cho quận này sớm khống chế tình hình. |
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố cho biết, trong ngày 23-8, Đà Nẵng ghi nhận 152 ca mắc COVID-19 mới; trong đó có 63 ca cách ly tập trung, 41 ca cách ly tạm thời tại nhà, 14 ca trong khu phong tỏa và 34 ca trong cộng đồng.
34 ca trong cộng đồng, gồm 5 trường hợp có triệu chứng đến khám, xét nghiệm tại các cơ sở y tế và 29 trường hợp phát hiện khi lấy mẫu hộ gia đình trên địa bàn thành phố.
Ngành Y tế Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. |
Trong tổng số ca trong ngày, có 31 ca chưa rõ nguồn lây, trong đó có 13 F1 liên quan đến các F0 trước đó; 2 trường hợp trong khu vực phong tỏa; 2 trường hợp có triệu chứng đến khám tại cơ sở y tế và 14 trường hợp phát hiện khi lấy mẫu hộ gia đình.
Chuỗi lây nhiễm liên quan đến chợ đầu mối ghi nhận thêm 79 ca mắc mới, trong đó có 55 F1, F liên quan; 7 ca trong khu vực phong tỏa; 3 trường hợp là tiểu thương; 2 trường hợp có triệu chứng đi khám và 12 trường hợp lấy mẫu hộ gia đình. Chuỗi này hiện đã ghi nhận 901 ca mắc COVID-19.
Tính từ ngày 10-7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 2.996 ca mắc COVID-19.
Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh thành phố, trong ngày, có 4 ca sau khi hoàn thành cách ly 7 ngày lại phát hiện dương tính. Từ đầu tháng 7 đến nay đã có trên 20 ca như vậy. Điều này cho thấy, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong các khu cách ly y tế vẫn ở mức cao.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho hay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn bắt đầu khả quan khi ca dương tính có giảm so với hai ngày trước. Tuy nhiên, trước việc số ca trong các khu vực tập trung vẫn ở mức cao, ông Quảng đề nghị, song song với việc làm mạnh bên ngoài cũng phải siết chặt ở bên trong, không để xảy ra việc lây lan chéo khi cách ly F1. Nếu làm tốt được việc này sẽ kéo giảm được số ca F0 hằng ngày, tránh quá tải cho ngành Y tế.
Ngày 23-8, shipper đã được phép hoạt động trở lại để cung ứng hàng hóa cho người dân nhưng con số hoạt động không nhiều so với số được cấp thẻ. |
Cũng theo ông Quảng, Hải Châu đang là điểm nóng nhất về dịch bệnh COVID-19 của thành phố, vì thế, lãnh đạo địa phương phải quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch. Các đơn vị, địa phương khác cũng phải hỗ trợ cho quận trung tâm này. “Phường Hòa Cường Nam sẽ được thí điểm cho người dân sử dụng test nhanh tại nhà do ngành Y tế cấp phát để sớm phát hiện F0 đưa đi điều trị tránh lây lan rộng ra cộng đồng. Những thời điểm quan trọng như thế này phải tập trung xử lý, tránh để sai sót xảy ra gây hệ lụy kéo dài”, ông Quảng nhấn mạnh.
Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 chiều 23-8, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho hay, dù số ca có dấu hiệu giảm nhưng tính chất vẫn còn rất phức tạp, các đơn vị, địa phương cần phải quyết tâm cao trong giai đoạn quyết định này. Theo ông Chinh, hiện, vẫn còn nhiều trường hợp chưa trung thực trong khai báo dịch tễ khiến cho công tác phòng, chống dịch gặp khó khăn.
23-8 là ngày đầu tiên shipper được phép hoạt động lại trên địa bàn Đà Nẵng để cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân. Tuy nhiên, qua kiểm tra, con số thực hoạt động rất ít so với 788 shipeer được Công an thành phố cấp thẻ. Trước vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh yêu cầu các đơn vị tiến hành rà sát lại, tìm hiểu rõ lý do.
Theo ông Chinh, với tình hình dịch bệnh hiện nay, thành phố sẽ sử dụng lực lượng shipper lâu dài. Những đối tượng này đã được thành phố ưu tiên tiêm 2 mũi vaccine nên phải có nghĩa vụ với thành phố, với người dân trong lúc dịch bệnh khó khăn.
PHI NÔNG