Đà Nẵng sớm báo cáo về việc thu hồi tài sản liên quan đến Phạm Công Danh
Ngày 22-11, Đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) do đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng ban BCĐ Trung ương về PCTN dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng. Nội dung buổi làm việc của Đoàn là tập trung kiểm tra việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại Đà Nẵng, giai đoạn từ 1-1-2013 đến 30-9-2018.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. |
Theo Trưởng ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng Trần Thanh Vân, trong 5 năm qua, công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trên địa bàn Đà Nẵng có những chuyển biến tích cực, số việc, số tiền (giá trị) thi hành án xong năm sau cao hơn năm trước; nhiều vụ việc thi hành án phức tạp đã được giải quyết dứt điểm; giảm đáng kể lượng án chuyển kỳ sau, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo... Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Vân, qua số liệu các năm, công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế tại Đà Nẵng thời gian qua vẫn còn có vụ việc kéo dài, chưa xử lý dứt điểm; một số vụ ủy thác với số lượng tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng, ảnh hưởng khá nhiều đến tỷ lệ thi hành án. Nguyên nhân phần lớn do người phải thi hành án không có tài sản hoặc có tài sản nhưng sau khi tài sản được xử lý xong vẫn không thực hiện hết nghĩa vụ thi hành án và không còn tài sản nào khác.
Thống kê cho thấy, trong giai đoạn điều tra, tổng số vụ án thụ lý là 28 vụ (trong đó có 9 vụ án liên quan đến hành vi tham nhũng, 19 vụ liên quan đến tội phạm kinh tế), thì tổng số tiền, tài sản đã phát hiện, áp dụng biện pháp thu giữ, tạm giữ hoặc kê biên, phong tỏa là hơn 7,6 tỷ đồng cùng nhiều tang vật khác có liên quan. Trong giai đoạn xét xử, tổng số vụ án thụ lý là 23 (trong đó có 7 vụ với 21 bị cáo về nhóm tội tham nhũng, 16 vụ với 55 bị cáo về nhóm tội kinh tế), thì tổng số tiền, tài sản đã phát hiện, áp dụng biện pháp kê biên, phong tỏa là hơn 69 tỷ đồng cùng nhiều tang vật chứng có liên quan. Đến 30-9-2018, tổng số vụ việc/số tiền hoặc tài sản còn phải thu hồi theo bản án, quyết định của Tòa án các cấp chuyển cơ quan thi hành án dân sự thu hồi là 14 vụ/41,2 tỷ đồng... Đặc biệt, công tác thu hồi tài sản trong giai đoạn thi hành án dân sự gặp rất nhiều khó khăn. Trong tổng số 30 vụ án về tham nhũng, kinh tế có bản án, quyết định hình sự với tổng số tiền thu hồi theo bản án, quyết định của Tòa án các cấp là gần 3,97 ngàn tỷ đồng. Tổng số việc, số tiền cơ quan thi hành án dân sự các cấp thụ lý, thi hành là 58 việc với hơn 3,96 ngàn tỷ đồng. Đặc biệt, trong tổng số 44 việc với hơn 3,95 ngàn tỷ đồng có điều kiện thi hành (chiếm 80% so với số việc phải thi hành, 99,9% so với số tiền phải thi hành) thì có 36 việc đã thi hành xong, tuy nhiên tổng số tiền thi hành chỉ hơn 4,1 tỷ đồng (chiếm 0,1% so với số tiền có điều kiện thi hành). Tỷ lệ này thấp là do vụ Phạm Công Danh hiện chưa thu hồi được số tiền lên tới hơn 3,94 ngàn tỷ đồng.
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại Đà Nẵng thời gian qua gặp khó khăn được chỉ ra thì nguyên nhân khách quan, theo ông Trần Thanh Vân là do cơ chế kiểm soát thu nhập hợp pháp trong xã hội còn chưa nghiêm, các cơ quan tiến hành tố tụng rất khó tìm ra tài sản tham nhũng bị tẩu tán cho người khác, cho nên rất khó được thu hồi. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là công tác giám định còn nhiều hạn chế, nhiều yêu cầu giám định bị từ chối tiếp nhận với các lý do khác nhau, dẫn đến khó khăn cho các cơ quan tư pháp trong việc định tội và thu hồi tài sản, làm chậm quá trình giải quyết án, tạo điều kiện để các đối tượng lợi dụng tẩu tán tài sản.
Trước những khó khăn, hạn chế nêu trên, tại buổi làm việc, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng kiến nghị với Đoàn kiểm tra sớm đề xuất với Trung ương nghiên cứu, ban hành các văn bản chỉ đạo của Đảng về công tác thu hồi tài sản, tham nhũng, kinh tế để các địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn. Đồng thời nghiên cứu và hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự theo hướng chú trọng vấn đề thu hồi tài sản, quy định bắt buộc xử lý tội phạm tham nhũng phải áp dụng hình phạt bổ sung nhằm thu hồi đủ giá trị tài sản bị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Ngoài ra, tội phạm tham nhũng phải chịu trách nhiệm vật chất về thiệt hại của Nhà nước do hành vi phạm tội, bổ sung quy định không chỉ người phạm tội mới có nghĩa vụ trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại mà bất kỳ ai đang chiếm hữu không có căn cứ pháp luật cũng phải thực hiện nghĩa vụ trên...
Thay mặt Đoàn kiểm tra, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận, biểu dương Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã nghiêm túc triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra của BCĐ Trung ương về PCTN. Báo cáo tự kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nêu rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế, vướng mắc, phân tích, làm rõ những nguyên nhân, đề ra phương pháp, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế trong thời gian tới.
Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong thi hành bản án do cơ quan Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP. Hồ Chí Minh ủy thác cho Cục THADS Đà Nẵng tổ chức thi hành một phần bản án trong vụ án Phạm Công Danh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng đây là vụ án được dư luận xã hội hết sức quan tâm, số tiền phải thu hồi tại Đà Nẵng rất lớn, trong khi tài sản phải xử lý để thi hành án là dự án Khu phức hợp dịch vụ cao tầng sân vận động Chi Lăng đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý. Vì vậy, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị lãnh đạo TP Đà Nẵng sớm có báo cáo chi tiết, cụ thể về vụ việc để gửi BCĐ Trung ương về PCTN và Chính phủ chỉ đạo giải quyết; ngoài ra Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết sẽ dành thời gian để trực tiếp nghe lãnh đạo Đà Nẵng báo cáo những khó khăn, vướng mắc để tìm cách tháo gỡ.
DOÃN HÙNG