Tác phẩm tham dự Giải Búa Liềm vàng 2018:

Đà Nẵng sửa sai (Bài 1: Quá trình khắc phục gặp nhiều vướng mắc)

Thứ năm, 04/10/2018 12:00

LTS: Trong quá trình đô thị hóa ồ ạt, tại Đà Nẵng đã xảy ra nhiều sai phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Những sai phạm này được chỉ rõ sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), Ủy ban kiểm tra Trung ương (UBKTTU), kéo theo nhiều cán bộ lãnh đạo bị xử lý kỷ luật đã khiến câu chuyện đất đai, dự án ở thành phố (TP) làm “nóng” dư luận cả nước. Lẽ dĩ nhiên sai thì phải sửa, khiếm khuyết thì phải khắc phục, nhưng đó là quá trình gặp không ít trở ngại. Tuy vậy, với tinh thần cầu thị, quyết liệt, trật tự về quản lý đất đai, xây dựng tại TP đã được siết lại theo hướng lành mạnh, minh bạch, để lại cho TP nhiều bài học quý giá. Loạt bài này, chúng tôi đề cập những nỗ lực không mệt mỏi của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể của TP Đà Nẵng nhằm sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm trong quá trình xây dựng, phát triển.

Một khu đất tại Sơn Trà trong diện phải điều chỉnh niên hạn từ lâu dài xuống 50 năm. 

Không đẩy thiệt thòi về phía dân

Cuối năm 2012, TTCP ban hành Kết luận số 2852  về sai phạm đất đai tại Đà Nẵng làm thất thu ngân sách Nhà nước hơn 3.400 tỷ đồng. Sai phạm được chỉ ra chủ yếu là việc giao đất không thông qua đấu giá; việc quản lý quỹ đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất có nhiều sai phạm dẫn tới nhiều nhà đầu tư sau khi được giao đất đã không đầu tư mà bán cho người khác thu số tiền chênh lệch lớn. TTCP yêu cầu Đà Nẵng khắc phục sai phạm, thu hồi số tiền thất thoát. Trong đó, các nội dung quan trọng cần khắc phục là điều chỉnh những Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho cơ sở sản xuất kinh doanh từ lâu dài xuống còn tối đa 50 năm và thu hồi số tiền 10%, 5%  đã giảm cho người nộp tiền mua đất trong thời hạn 1-2 tháng. Thực hiện kết luận của TTCP, Đà Nẵng đã đưa ra giải pháp khắc phục, song quá trình đó gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là sự phản ứng của người dân, doanh nghiệp. Vì thế, việc khắc phục chậm trễ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng yêu cầu Đà Nẵng phải thực hiện nhanh, đích thân Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cũng bị phê bình vì chậm trễ khắc phục.

Sự phản ứng gay gắt của người dân, doanh nghiệp với lý do những sai phạm này thuộc về chính quyền TP song phần thiệt thòi người dân lại phải gánh chịu. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương (Đà Nẵng) cho biết, năm 2016 bà bỏ tiền mua lại lô đất hơn 1.200m2 ở Sơn Trà để kinh doanh, tuy nhiên tới năm 2017, do không sắp xếp được vốn nên bà Hương đành bán lô đất trên. Tuy nhiên, khi làm thủ tục thì bị ách lại, lý do vì lô đất của bà nằm trong diện phải chuyển đổi niên hạn từ lâu dài xuống 50 năm theo kết luận của TTCP. Bà Hương bức xúc, khi mua đất có GCNQSDĐ ghi thời hạn lâu dài, với giá rất cao, bây giờ bán bị điều chỉnh xuống còn 50 năm, giá giảm đi một nửa, thiệt thòi cho bản thân rất lớn. Việc sai phạm trước đây của chính quyền thế nào bà Hương không quan tâm, song ai sai thì phải chịu trách nhiệm, không thể bắt bà phải gánh phần thiệt thòi. Bi đát hơn, nhiều trường hợp vay tiền ngân hàng mua đầu tư, bây giờ bị điều chỉnh niên hạn, giá trị giảm, lâm vào cảnh điêu đứng. Bà Võ Thị Ngọc (Đà Nẵng) mua lô đất gần 2.000m2 tại Q. Sơn Trà để lập công ty, nhưng nay không thể mua bán, xây dựng, lý do vì nằm trong số các khu đất sai phạm mà TTCP kết luận phải thu hồi 10% tiền đất đã giảm. Bà Ngọc cho biết, lô đất này đã qua 5 đời chủ, nếu truy thu thì thu của chủ đầu tiên, bà đâu được hưởng lợi từ chính sách này mà phải nộp lại.

Nhiều nhà đầu tư từ địa phương khác cho biết, họ tới Đà Nẵng mua đất đầu tư theo chính sách thu hút đầu tư của TP. Khi mua đất có GCNQSDĐ ghi lâu dài, ra công chứng đều hợp pháp, nhưng khi đi xin Giấy phép xây dựng bị ách lại với lý do khu đất trong diện phải chuyển đổi niên hạn. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy- Giám đốc Cty Phương Gia (Đà Nẵng) cho rằng, TP phải cởi trói cho các loại đất thương mại dịch vụ và ngừng việc chuyển đổi niên hạn về 50 năm vì sai với cam kết ban đầu của chính quyền, gây mất lòng tin với nhà đầu tư. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng, ông Phạm Bắc Bình cho biết, trước đây thành phố đã mời gọi người dân, doanh nghiệp mua đất do TP quy hoạch với mức giá giảm 10%, 5% cho người nộp tiền đất 1 lần trong thời gian từ 1-2 tháng để khuyến khích. Việc mua bán này là hợp pháp, đầy đủ thủ tục, nghĩa vụ liên quan, TP cũng đã cấp GCNQSDĐ cho họ ghi rõ thời hạn là lâu dài không phân biệt đất ở hay thương mại, sản xuất. Tuy vậy, nay TP lại hủy bỏ chính sách đó, vô hình trung tạo sự thiếu nhất quán, biến người mua hợp pháp thành người làm sai, phải chịu thiệt thòi là phi lý.

Người dân bức xúc vì GCNQSDĐ bị điều chỉnh niên hạn.

Vừa khắc phục vừa kiến nghị

Ông Lê Quang Nam - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Đà Nẵng cho biết, đến thời điểm này Sở đã thực hiện điều chỉnh thời hạn sử dụng đất từ lâu dài xuống 50 năm được 94 trường hợp, trong đó 59 tổ chức và 35 cá nhân, hộ gia đình. Sở TN&MT tiếp tục thông báo đến người sử dụng đất, giải thích sai sót, thực hiện điều chỉnh thời hạn sử dụng đất thông qua đăng ký nội dung điều chỉnh trên GCNQSDĐ đã cấp (không phải thu hồi GCNQSDĐ), hồ sơ địa chính cho phù hợp với quy định. Đồng thời,  Sở TN&MT cũng phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan thực hiện thu hồi ngân sách số tiền đã giảm 5%, 10% tiền sử dụng đất cho các nhà đầu tư trước khi thực hiện các thủ tục về đất đai theo quy định. Việc thu hồi số tiền thất thu và giảm 5%, 10% theo kết luận của TTCP, tính đến nay TP đã thu được hơn 574 tỷ đồng từ 30 tổ chức, cá nhân. UBND TP đang tiếp tục đề xuất các biện pháp, chế tài để truy thu số tiền đã giảm nêu trên.

Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, việc điều chỉnh thời hạn sử dụng đất gặp phải vướng mắc do các lô đất đã mua đi bán lại nhiều lần. Người mua cuối cùng đã hoàn thành các thủ tục, khi đăng ký cấp lại GCNQSDĐ, đầu tư công trình, dự án trên đất thì bị ách lại, điều chỉnh niên hạn từ lâu dài xuống 50 năm. Trong khi đó, việc thu 10% tiền đất đã giảm rất khó, phải thu từ người hưởng lợi ban đầu, vào thời điểm mua, bây giờ đã qua nhiều chủ, không thể yêu cầu người chủ cuối cùng phải nộp. Vì những vướng mắc đó, quá trình thực hiện kết luận của TTCP gặp nhiều khó khăn.

Để gỡ vướng mắc này, Đà Nẵng đã có văn bản báo cáo và đề xuất Thủ tướng cho ký kiến chỉ đạo để tạo điều kiện cho Đà Nẵng giải quyết những khó khăn trong quá trình thực hiện kết luận của TTCP, qua đó góp phần cho Đà Nẵng thu hút đầu tư, tiếp tục phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới. Cụ thể, với trường hợp GCNQSDĐ đã cấp có thời hạn sử dụng lâu dài với mục đích đất cơ sở sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng đất đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất và đã thực hiện đăng ký biến động về đất đai do chuyển quyền và đã được giải quyết theo quy định của pháp luật thì không phải thực hiện thu hồi hoặc điều chỉnh. Đối với trường hợp đã giảm 10% tiền sử dụng đất cho các nhà đầu tư để thực hiện dự án theo kết luận TTCP thì tiếp tục truy thu số tiền này đối với nhà đầu tư để nộp ngân sách. Trường hợp đã chuyển quyền sử dụng đất thì cho phép không thực hiện truy thu 10% tiền sử dụng đất đã giảm  đối với người đã nhận chuyển quyền sử dụng đất (do trường hợp này không thuộc đối tượng truy thu 10%).  Hiện UBND TP Đà Nẵng đang chờ ý kiến hướng dẫn, trả lời của Thủ tướng Chính phủ.

(còn nữa)

HẢI QUỲNH