Đà Nẵng thí điểm tổ chức chính quyền đô thị theo mô hình nào?
Ngày 10-11, dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tổ chức cuộc họp để cho ý kiến chính thức vào dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng theo tinh thần Nghị quyết 119 ngày 19-6-2020 của Quốc hội.
Toàn cảnh cuộc họp. |
Chuyển giao chức năng, nhiệm vụ Phòng Y tế?
Về Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị (CQĐT), thừa ủy nhiệm của Ban cán sự Đảng UBND TP, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, Điều 1 Nghị quyết 119 quy định: Chính quyền địa phương ở TP Đà Nẵng là cấp chính quyền gồm có HĐND và UBND TP; chính quyền địa phương ở các quận thuộc TP Đà Nẵng là UBND quận; chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận là UBND phường. Việc thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng được thực hiện từ ngày 1-7-2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chầm dứt việc thực hiện thí điểm. Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng quy định, trong điều kiện không tổ chức HĐND quận và phường thì những nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của HĐND quận và phường được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật chuyên ngành khác có liên quan đã được Quốc hội rà soát, chuyển giao, bổ sung cho các cơ quan thuộc hệ thống chính quyền các cấp ở Đà Nẵng thực hiện...
Về cơ cấu tổ chức của UBND quận, nội dung dự thảo Điều 4 quy định “cứng” số lượng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận được tổ chức bao gồm 8 phòng và tương đương, theo ông Đồng, quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho TP Đà Nẵng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, đề nghị có từ 11-12 phòng chuyên môn. Trường hợp tổ chức 11 phòng chuyên môn thuộc UBND quận thì chuyển giao chức năng, nhiệm vụ của Phòng Y tế vào Văn phòng UBND quận. “Ưu điểm của phương án này là giải quyết được những khó khăn hiện nay ở các quận liên quan đến tổ chức bộ máy phòng Y tế, phù hợp với định hướng tại khoản 7 Điều 1 Nghị định 108 của Chính phủ”, ông Đồng thông tin. Liên quan đến số lượng cấp phó phòng chuyên môn thuộc UBND quận, ông Đồng đề nghị bình quân mỗi phòng có 2 phó trưởng phòng theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 108 của Chính phủ.
Về số lượng công chức phường, Ban cán sự Đảng UBND TP đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ quy định mỗi UBND phường ít nhất 16 người (số lượng này chưa tính số lượng các chức danh cán bộ phường và người hoạt động không chuyên trách).
Về thẩm quyền tuyển dụng công chức làm việc tại phường, ông Đồng cho rằng trước mắt cần tiếp tục thực hiện theo quy định hiện nay về tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức phường cho đến khi Trung ương ban hành quy định chung mang tính tổng thể, thống nhất giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị. Bởi theo thống kê tại 45 phường trên địa bàn TP, nếu thực hiện quy định xét chuyển thành công chức quận, căn cứ theo tiêu chuẩn công chức hành chính ngạch chuyên viên thì có ít nhất 208 người cần phải bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên; 33 người phải bổ sung trình độ tin học cơ bản; 54 người phải bổ sung chứng chỉ trình độ ngoại ngữ B trở lên. Bên cạnh đó, phải đáp ứng yêu cầu khác để tuyển dụng thành công chức hành chính; trong số này có 84 công chức phường có thời gian công tác dưới 60 tháng, chưa đủ điều kiện xét chuyển thành công chức quận...
Ông Võ Ngọc Đồng trình bày dự thảo Nghị định. |
Cơ hội chuẩn hóa đội ngũ công chức
Tại cuộc họp, ông Võ Công Chánh, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy thống nhất với đề xuất giải thể phòng Y tế quận. Bởi theo ông Chánh, hiện nay mỗi phòng Y tế có 4 biên chế, đặc biệt có 4 lãnh đạo phòng Y tế nhưng lại không có chuyên môn về y tế, chỉ có Trưởng phòng Y tế quận Liên Chiểu và Cẩm Lệ là bác sĩ chuyên khoa. “Vì vậy, cần chuyển chức năng, nhiệm vụ của phòng Y tế về Văn phòng UBND quận, còn chức năng y tế dự phòng thì chuyển qua Trung tâm y tế quận xử lý”, ông Chánh nói.
Liên quan đến quy định về số biên chế công chức và cán bộ cấp phường tại Đà Nẵng, ông Chánh đề nghị giao thẩm quyền cho HĐND và UBND TP chịu trách nhiệm tuyển dụng. Đơn cử như ở P. Hòa Khánh Bắc, diện tích gần bằng quận Thanh Khê, dân số khoảng 58 ngàn người, tuy nhiên, tổng số công chức phường chỉ tương đương với phường có 15 ngàn dân. Hay như ở P.Hòa Minh, có 58 ngàn dân, diện tích khoảng 7,6 km2 nhưng số cán bộ, công chức phường cũng chỉ ngang bằng với các phường có dân số ít, diện tích nhỏ. Thực trạng này dẫn đến khó khăn trong quản lý địa bàn, xảy ra nhiều vấn đề. Vì vậy, ông Chánh đề nghị Chính phủ giao cho HĐND, UBND TP chủ động bố trí số lượng cán bộ, công chức phù hợp với thực tế tại địa phương trong tổng số biên chế được phân bổ. Một vấn đề khác theo ông Chánh, lâu nay rất nhiều hội nghị của Thành ủy, UBND TP, các địa phương đều phản ánh có sự phân biệt, đối xử với cán bộ, công chức phường. Như theo Hiến pháp năm 2013 thì chính quyền có 4 cấp nhưng biên chế chỉ có 3 cấp (quận, huyện; thành phố và Trung ương). “Nhiều người lâu nay phản ánh có tình trạng xem cán bộ, công chức phường như là con ghẻ, không được xem là công chức. Tuy nhiên đến nay, dự thảo Nghị định của Chính phủ rất tiến bộ, nổi bật là biên chế được tính theo 4 cấp. Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện”, ông Chánh nói.
Theo ông Lê Minh Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND TP, riêng với tổ chức bộ máy, biên chế, tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức của UBND quận, phường thì đề nghị thực hiện như các địa phương khác trong cả nước theo Nghị định 34 và Nghị định 108 cũng như Nghị quyết 119 của Quốc hội đã nêu về thẩm quyền. Tuy nhiên, ông Trung cũng đề nghị bổ sung việc UBND TP được quyết định thành lập hoặc bãi bỏ cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận theo Nghị quyết 119. “Như vậy về cơ cấu, số lượng, về tổ chức bộ máy, số lượng nhân sự, sắp xếp bộ máy... có thể kiến nghị giao cho Đà Nẵng tổ chức sắp xếp, miễn là không vượt quá số lượng, không tăng biên chế”, ông Trung nói.
Tại cuộc họp, đồng tình với quan điểm thống nhất quản lý nhà nước về mặt công chức, trong đó liên thông hệ thống công chức của phường. Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cho rằng đây là một điểm rất tiến bộ. “Bây giờ, nhân cơ hội này thành phố sẽ chuẩn hóa đội ngũ này, đưa vào một hệ thống liên thông toàn thành phố để sau này thực hiện kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, luân chuyển, phát triển. Như vậy có thể thấy, hệ thống cán bộ công chức ở phường là vô cùng quan trọng, không như tình trạng bị xem nhẹ như lâu nay”, ông Thơ nói. Đồng thời đề nghị thành phố nên đưa vào dự thảo Nghị định đề nghị cho Đà Nẵng có lộ trình để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở...
Ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tham dự cuộc họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho rằng, về cơ bản, hầu hết các đại biểu đều thống nhất với 6 nội dung mà Ban cán sự Đảng UBND TP trình Ban Thường vụ Thành ủy liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của phường. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND TP tiếp thu, nêu rõ những luận cứ pháp lý, căn cứ vào tình hình thực tế của thành phố để góp ý, xây dựng nghị định; việc góp ý xây dựng nghị định mới phải có nội dung bằng hoặc cao hơn những nghị định gốc quy định về tổ chức bộ máy quận, phường (về số lượng, cơ cấu) – đây là nguyên tắc chứ không phải là đòi hỏi.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng giao Ban cán sự Đảng UBND TP căn cứ nội dung cuộc họp, các ý kiến phát biểu có liên quan để phối hợp với Bộ Nội vụ tham gia xây dựng và hoàn thiện Nghị định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
D.Hùng