Đà Nẵng thực hiện đợt giãn cách “đặc biệt”: Kỳ vọng kiểm soát được tình hình dịch bệnh trước ngày 25-8
Vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, TP Đà Nẵng sẽ thực hiện đợt giãn cách xã hội “đặc biệt” từ 8 giờ 00 phút ngày 16/8/2021 đến 8 giờ 00 ngày 23/8/2021. Đây là một trong những biện pháp mạnh thành phố áp dụng nhằm phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả. Trước “giờ G” thực hiện đợt quyết định của thành phố, chiều tối 14-8, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 do ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP chủ trì cùng các sở ngành đã có buổi trao đổi nhanh với các cơ quan thông tấn báo chí…
Ông Hồ Kỳ Minh phát biểu tại cuộc họp.
Theo nội dung quyết định của thành phố: Yêu cầu, mọi người dân không được ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đấy”, không được di chuyển đi lại ngoài đường; thực hiện cách ly tuyệt đối gia đình cách ly với gia đình; người ngoài thành phố không được vào trong thành phố, người trong thành phố không được di chuyển ra ngoài thành phố.
Trả lời một số câu hỏi liên quan đến việc đưa ra quyết định thực hiện mốc 7 ngày và công tác chuẩn bị của ngành y tế trong việc triển khai các giải pháp cũng như năng lực điều trị, ứng phó với các tình huống liên quan đến dịch bệnh, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Tình hình dịch bệnh trên cả nước, các tỉnh phía Nam nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng đang diễn biến rất phức tạp với lượng ca lây nhiễm ở cộng đồng lớn. Trong khi đó, thời gian từ khi lây nhiễm vi rút đến khi phát bệnh ngắn (có trường hợp chỉ 2 ngày). Việc TP đưa cột mốc 7 ngày là tăng cường biện pháp mạnh trong việc thực hiện Chỉ thị 16, đồng nghĩa với việc áp dụng thêm biện pháp mạnh, cao hơn Chỉ thị 16.
Trong 7 ngày tới, thành phố sẽ tiến hành xét nghiệm trên diện rộng cho người dân nhằm phát hiện sớm F0, đưa F0 ra khỏi cộng đồng. Bà Yến cũng cho hay, sau 7 ngày chưa hẳn đã chuyển về trạng thái mới, mà vẫn phải thực hiện tiếp theo các biện pháp của chỉ thị 16. Giám đốc Sở Y tế cho hay, do chủng mới vi rút rất nguy hiểm, nên trong 7 ngày thực hiện quyết định của thành phố, ngành y tế sẽ xét nghiệm cho người dân theo hộ gia đình, bởi với với chủng mới vi rút này, chỉ cần một người trong hộ bị thì cả gia đình bị lây nhiễm. “Lần này, thành phố quyết tâm không xót bất kỳ hộ dân nào không được lấy mẫu xét nghiệm. Cụ thể, 7 ngày thực hiện quyết định, sẽ có 300.000 người được xét nghiệm 2 lần/người (tức xét nghiệm 600.000 người)” bà Yến nói.
Liên quan đến việc thí điểm cách ly tại nhà, bà Yến cho hay, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, triển khai tại quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang. Khi sơ kết tại 2 địa phương này, thành phố đánh giá lại hiệu quả và rút kinh nghệm, sau đó triển khai toàn TP.
Nói về năng lực điều trị bệnh của Đà Nẵng, bà Yến cho biết hiện tại TP có quy mô giường bệnh để điều trị cho bệnh nhân khoảng gần 10.000 giường, trong đó giường hồi sức tích cực khoảng 300 giường. Thành phố và ngành y tế cũng sẽ cố gắng hết sức để không có người bệnh nào phiền lòng. Hiện nay hệ thống xe cấp cứu của thành phố rất tốt. Thời gian qua, toàn bộ bệnh nhân F1 đều được phục vụ vận chuyển. Riêng F0 được ngành y tế chú trọng quan tâm đặc biệt, phục vụ một cách nhanh chóng nhất. Bên cạnh đó, đội ngũ y bác sĩ đảm bảo cho công tác vận chuyển, điều trị bệnh nhân khi nhiễm bệnh. “Mặc dù vậy, xong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thành phố và ngành y tế rất cần sự đồng thuận của người dân, cụ thể là việc thực hiện nghiêm chỉ thị giản cách xã hội phòng chống dịch; chủ động thực hiện tốt “5 K” theo khuyến cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch, ngành Y tế nhằm tránh tình trạng lây bệnh nhiều dẫn đến quá tải” – bà Yến nói.
Về vai trò của ngành Công thương trong việc thực hiện, điều tiết hàng hóa phục vụ cho người dân, đặc biệt là 7 ngày thực hiện quyết định của thành phố, bà – Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Phương án cung ứng hàng hóa, Sở đã có chuẩn bị, đang trình UBND TP, đang chờ Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP thông qua các biện pháp, sau đó Sở sẽ công khai các phương án. Để đảm bảo, trước hết, xác định cung ứng những mặt hàng thiết yếu, cơ bản như thịt, gạo, trứng, nước. Ngoài nguồn hàng hóa cung cấp từ các trung tâm thương mại, chuỗi siêu thị lớn nhỏ; các doanh nghiệp cung ứng hàng, số lượng rau, củ, quả cũng sẽ đáp ứng cho người dân khoảng 1.500 tấn/ngày.
Ông Hồ Kỳ Minh và các đại biểu dự cuộc họp.
Trao đổi thêm với các cơ quan thông tấn, báo chí, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch Thường trực UBNDTP Đà Nẵng cho biết, hiện dịch bệnh đang rất phức tạp, khó lường, Số ca F0 cũng giao động thất thường, nhất là những chuỗi lây nhiễm cao. Vì vậy, Đà Nẵng được Chính phủ giao nhiệm vụ phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 25-8. Vì vậy, thành phố quyết định triển khai biện pháp “7 ngày” để hạn chế người ra đường. “Trong 7 ngày thực hiện quyết định của thành phố, chỉ có khoảng 10 đến 15 ngàn người được phép ra đường. Cũng vì đó, chốt kiểm soát phòng chống dịch cũng sẽ ít lại. Thực hiện biện pháp mạnh này trong 7 ngày sắp tới, thành phố của chúng ta kỳ vọng sẽ kiểm soát dịch được trước ngày 25-8 như chỉ đạo của Chính phủ” – ông Hồ Kỳ Minh nói.
Chuyện cung ứng hàng hóa, thực phẩm phục vụ người dân, ông Minh cho hay, rút kinh nghiệm từ quận Sơn Trà, TP đã làm việc với các sở ngành, doanh nghiệp để có những giải pháp thực hiện hiểu hiệu hơn trong thời gian tới. Với lượng hàng hóa đã chuẩn bị, đặt hàng, sẽ được phân xuống địa bàn theo quận, huyện sau đó xuống từng phường để phân xuống các tổ dân phố để cung ứng cho người dân. “Để Tăng cường kiểm tra giám sát về việc người dân nhận được hàng hóa sớm hay muộn, thành phố cũng triển khai thành lập các tổ giám sát để đảm bảo hàng hóa sau khi phân phối xuống phường nhanh chóng về các tổ và đến với người dân sớm nhất. Ngoài ra, để hỗ trợ một phần cho hộ nghèo, hộ chính sách, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công nhân mất việc…, trước mắt thành phố đã vận động được 30.000 suất quà phân bổ cho người dân.” – ông Minh nói.
Ông Hồ Kỳ Minh cho biết thêm, thành phố cũng cho phép các chuỗi siêu thị lớn nhỏ hoạt động nhằm cung ứng tốt thực phẩm cho nhân dân. Theo đó, bà con có thể đặt mua các mặt hàng qua tổ trưởng tổ dân phố. Với lực lượng phóng viên, Nhà báo tham gia tác nghiệp tuyên truyền, ông Minh cho hay sẽ có lực lượng báo chí tham gia trong thời gian 7 ngày thực hiện quyết định của TP, tuy nhiên đang đề xuất xin ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch với con số khoảng 6 người trên 1 cơ quan truyền hình và 1-2 người các cơ quan báo in, báo điện tử.
Công Hạnh