Đà Nẵng thực hiện đúng các quy trình trong tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018
BCĐ Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 TP Đà Nẵng tổ chức họp về công tác kiểm tra rà soát về công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018. |
ĐÀ NẴNG - Chiều tối 30-7, Ban chỉ đạo Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 TP Đà Nẵng (BCĐ) cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, BCĐ đã tổ chức triển khai thực hiện kiểm tra, rà soát toàn bộ các quy trình trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018. Theo đó, tất cả các khâu từ công tác tham mưu, phối hợp; công tác chuẩn bị, tổ chức sao in đề thi, vận chuyển, bàn giao và bảo vệ bài thi, hồ sơ thi đến công tác coi thi, làm phách, chấm thi, phúc khảo, giao nhận, bảo quản bài thi, nhập điểm của Ban Thư, Thanh tra thi đều diễn ra an toàn, đúng quy chế, đúng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Cũng theo báo cáo, kết quả tỷ lệ tốt nghiệp phản ánh đúng chất lượng, điều kiện dạy học; so với tỷ lệ tốt nghiệp THPT các năm qua không có dấu hiệu bất thường, không có biểu hiện của sự dễ dãi, chạy theo thành tích. Bên cạnh đó, BCĐ Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 TP cũng đã chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục trong các mùa thi sau, cụ thể: Vòng 1 và Vòng 2 của khu vực in sao đề thi chưa đảm bảo cách ly tuyệt đối (khu giếng trời, cầu thang). Dấu niêm phong chưa có sự phân biệt tên điểm thi, Ban In sao đề thi, Ban Coi thi và Ban Chấm thi. Một số điểm thi có nhiều thí sinh nhưng lại có ít phòng giữ túi xách cho thí sinh và điểm thi chưa phân khu vực gửi túi xách cho từng phòng thi nên khi gửi, nhận đồ, thí sinh gây ồn, mất trật tự. Ngoài ra, BCĐ Kỳ thi THPT Quốc gia Đà Nẵng cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT 7 vấn đề, trong đó đáng chú ý là các nội dung: Bộ nên quy định phải có cán bộ, giảng viên của trường ĐH tham gia chấm thi (thành phần bắt buộc) cả về tự luận lẫn trắc nghiệm. Đối với chấm thi các bài thi trắc nghiệm có thể hình thành các cụm liên tỉnh (do Bộ GD-ĐT chủ trì). Khi chấm bài thi trắc nghiệm, mỗi máy quét bài nên yêu cầu có 1 CBCS CA thuộc Phòng chức năng giám sát và 1 thanh tra (bắt buộc). Bộ cũng cần quy định cụ thể hơn về dấu niêm phong. Có phương án giao nhận đề thi giữa Bộ và các Sở sao cho thuận tiện hơn, bởi hiện nay việc giao nhận tổ chức thành 3 đợt (có thể giao 1 lần có cả đề chính thức và đề dự phòng, các Sở sẽ gửi đề dự phòng (không sử dụng) qua đường bưu điện (như giao đĩa CD1, CD2). Có hình thức ra đề thi, chấm thi riêng, công tác hỗ trợ đối với thí sinh khuyết tật, cụ thể đối với các thí sinh khiếm thị. Vì thực tế trong quá trình tổ chức coi thi, chấm thi cho các đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh khuyết tật. Bộ GD-ĐT nên sửa đổi điều kiện đặc cách tốt nghiệp THPT (Điểm b, Khoản 1, Điều 34 của Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT)...
P.THỦY